• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
5
3
4
4
3
Tin tức sự kiện 09 Tháng Giêng 2017 8:45:00 SA

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Tài nguyên và Môi trường

 



 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành Tài nguyên và Môi trường

 
Sáng 09/01/2017, tại Hà Nội, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của toàn ngành trong năm 2016, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2017 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Tham dự hội nghị có đại diện một số bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách lĩnh vực TN&MT; Lãnh đạo Sở TN&MT, các Sở ngành và cơ quan liên quan ở địa phương. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có Bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Sau đây Cổng Thông tin điện tử Bộ trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu này:
 

 

- Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng,

- Thưa các quý vị đại biểu đại diện cơ quan ở Trung ương,

- Thưa các đồng chí,


Được ý đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của ngành TN&MT.

 

Hội nghị rất vinh dự và nhiệt liệt chào mừng đồng chí PTTgCP Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo. Sự có mặt của Đồng chí thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ đối với công tác của ngành TN&MT.

 

Chúng ta nhiệt liệt chào đón các đồng chí đại biểu, các vị khách quý đại diện các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan ở Trung ương. Chúng tôi cũng xin gửi lời chào mừng tới các đồng chí lãnh đạo UBND, Sở TN&MT các địa phương ở 63 điểm cầu.


Thưa các đồng chí,

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bước vào năm 2016, đất nước ta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp hơn so với dự báo. Tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, BĐKH diễn ra nhanh hơn dự báo kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: thiên tai, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở ĐBSCL, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự và sự phát triển KT-XH của đất nước.

 

Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT đã nghiêm túc quán triệt nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, sáng tạo vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực được phân công:

 

1. Công tác quản lý nhà nước về TN&MT có nhiều chuyển biến tích cực. Tinh thần liêm chính, kiến tạo, gần dân được quán triệt thực hiện nghiêm túc, thể hiện trong việc cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của địa phương, cơ sở, người dân và doanh nghiệp. Từ các ý kiến đó, Bộ đã nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật, bám sát yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tính công khai minh bạch, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, loại bỏ các rào cản để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

 

2. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động đã được cập nhật phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH.

 

3. Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Công tác này cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa lực lượng của các ngành, giữa Trung ương và địa phương, qua đó phát huy tổng hợp sức mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật. Nhiều điểm nóng về môi trường đã được giải quyết.

 

4. Nguồn lực tài nguyên đã được phát huy cho phát triển KT-XH, trong đó riêng nguồn thu từ đất đai đóng góp 8,25% thu ngân sách nhà nước và 10,46% thu ngân sách nội địa; thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng.

 

5. Hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực quản lý, qua đó huy động được kinh nghiệm, nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Nền hành chính đang từng bước được hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý.

 

Đây là kết quả của sự nỗ lực trong toàn ngành; sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp tích cực của các Bộ, Ban, ngành; sự quan tâm, quyết liệt của UBND các cấp. Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Chính phủ; cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các Bộ, Ban, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tôi ghi nhận, biểu dương những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong toàn ngành.

 

Thưa các đồng chí

Cùng với kết quả đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT, trong đó nổi lên một số vấn đề sau đây:

 

Một là, việc sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hiệu quả, còn tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Còn xảy ra tình trạng đất chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa tại nhiều địa phương. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp do đất đai phân tán manh mún. Đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả, để tranh chấp, lấn chiếm. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường. Tài nguyên nước còn được sử dụng lãng phí, thậm chí ở ngay cả những vùng khan hiếm nước.

 

Hai là, suy thoái tài nguyên, nhất là đất đai, nước, tài nguyên biển đang diễn ra nhanh dưới tác động của BĐKH và hoạt động sản xuất, sinh hoạt thiếu bền vững. Tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ; sụt lún kết hợp với nước biển dâng làm ngập lụt ĐBSCL là rất đáng lo ngại. Đây sẽ là những nguy cơ rất lớn đối với phát triển KT-XH ở nước ta.

Một số lưu vực sông đã bị khai thác quá mức, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng cả về mức độ, quy mô. Rừng đầu nguồn bị suy giảm làm nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa. BĐKH và nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước. An ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển KT-XH của đất nước.

 

Ba là, ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Tình trạng bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh.

 

Bốn là, BĐKH diễn ra nhanh hơn so với dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế. Thỏa thuận toàn cầu mới về BĐKH mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo nhiều thách thức trong việc chuyển đổi công nghệ để cắt giảm phát thải theo cam kết.

 

Năm là, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT nhất là trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo khảo sát của các tổ chức quốc tế còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Ở một địa phương việc tổ chức thực thi chính sách còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, buông lỏng dẫn đến sai phạm ở một số nơi.

Đây là những thách thức lớn đặt ra cho ngành TN&MT cần có các giải pháp trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn để giải quyết.

 

Thưa các đồng chí

Năm 2017, là năm bản lề, năm nền tảng tạo đà cho hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm. Mục tiêu đặt ra đối với ngành TN&MT là phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH; bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH. Để đạt được các mục tiêu trên, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí từ thực tiễn công tác quản lý với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, khoa học tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề sau đây:

 

1. Đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được; nhìn thẳng vào những hạn chế về thể chế, chính sách, pháp luật; năng lực thực thi chính sách ở Trung ương, địa phương; xác định rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để tạo bước chuyển mạnh mẽ, phát huy tối đa các nguồn lực TN&MT cho phát triển KT-XH của đất nước.

 

2. Xác định những vấn đề thách thức từ thực tiễn địa phương, cơ sở và bàn các giải pháp để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về TN&MT; giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp để thanh tra, kiểm tra trở thành công cụ sắc bén phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực TN&MT.

 

3. Thảo luận, đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; trong việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương; trong việc xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; trong việc phối hợp với MTTQVN để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với các lĩnh vực quản lý của ngành. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân.

 

4. Đánh giá đúng năng lực ngành, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý của ngành, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, giải quyết những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, BĐKH trong thời gian tới.

 

5. Tại hội nghị này có sự tham gia của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, tôi trân trọng đề nghị các đồng chí có những ý kiến đóng góp cho ngành, nhất là trong cơ chế phối hợp để triển khai các nhiệm vụ.

 

Thời gian cuộc họp không nhiều, do đó tôi đề nghị các Đại biểu phát biểu ngắn gọn đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm đặc biệt làm rõ các tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. Tôi mong rằng tinh thần : liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân của Chính phủ sẽ được toàn ngành thực thi một cách nghiêm túc.

 

Với tinh thần đó tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành TN&MT.

 

Xin kính chúc Phó Thủ tướng, các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị dồi dào sức khỏe.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

 

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 1940    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm