• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
4
9
8
8
1
Tin tức sự kiện 12 Tháng Giêng 2017 7:55:00 SA

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ 322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn

 

(HCM CityWeb)- Chiều 10-1, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã gặp gỡ với 322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn toàn Thành phố để lắng nghe các ý kiến trao đổi, hiến kế về những giải pháp, phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2017. Tham dự cuộc gặp có các Phó Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các sở ngành và chủ tịch UBND 24 quận, huyện.

 


Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu 

tại buổi gặp gỡ với 322 Chủ tịch phường, xã, thị trấn




Không ai sát cơ sở bằng chính quyền cơ sở

Cuộc gặp có sự chuẩn bị trước nội dung phát biểu của một số chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn về các vấn đề theo “đặt hàng”, nhưng khi nghe Chủ tịch UBND các phường Bến Nghé (quận 1), Bình Khánh (quận 2), phường 4 (quận 5), phường 10 (quận Gò Vấp) chỉ nói đến các chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách, không chuyên trách ở cơ sở, rồi tình hình khó khăn, thuận lợi, kết quả năm của địa phương… Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cắt ngang: “Những vấn đề các đồng chí nêu lãnh đạoThành phố biết hết cả rồi và đã, đang có chính sách điều chỉnh. Từ khi làm Chủ tịch UBND TPHCM tới nay, tôi đã có 10 cuộc gặp gỡ cử tri, và lần nào cũng được nghe bà con nói rất có trách nhiệm về nhiều việc sát sườn, bức xúc ở cơ sở. Không ai sát cơ sở bằng chính quyền cơ sở. Các đồng chí là người lãnh đạo cao nhất của chính quyền ở cơ sở không lẽ hôm nay không có ý kiến gì từ cơ sở, từ nguyện vọng, tiếng nói của người dân cho lãnh đạo Thành phố biết?”.

Chủ tịch UBND phường 14 (quận 8) Thái Ngọc Đức giơ tay xin phát biểu. Ông Thái Ngọc Đức nói: “Phường 14 là phường nghèo nhất quận 8, từ khi còn làm Bí thư Đoàn phường, tôi cũng đã trăn trở làm sao ở chính quyền cơ sở phải có được một đội ngũ cán bộ gần dân, chịu lắng nghe dân, chịu làm, chịu phục vụ dân. Những năm sau này, cán bộ cơ sở cũng được bồi dưỡng, đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau, nhưng những trăn trở trước kia của tôi thì chưa làm được nhiều…”. “Trong 7 chương trình đột phá của Thành phố, đồng chí quan tâm và hiến kế nội dung nào?”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong hỏi. “Tôi quan tâm đến cải cách hành chính, với mong muốn có sáng kiến gì đó để giúp dân. Vừa qua, tôi có nghe ở một phường của quận Gò Vấp có sáng kiến chứng thực giấy tờ cho dân từ 17 - 19 giờ hàng ngày để người dân đi làm về trễ vẫn giải quyết được hồ sơ. Cách làm này rất hay, và tôi cũng vừa nghĩ ra sáng kiến lập sổ tay hành chính phát đến tổ dân phố. Người dân muốn làm giấy tờ nhà, xin phép xây dựng…, chỉ cần đến gặp tổ trưởng dân phố mượn quyển sổ tay này xem là biết cần chuẩn bị giấy tờ gì để không bị trả về hay đi lại nhiều lần”.


Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Hiệp (quận 12) Hoàng Bá Trường nêu một loạt bức xúc của người dân về quy hoạch, về dự án “treo”, vệ sinh môi trường… Về đường dây nóng của Thành phố, ông Hoàng Bá Trường đề nghị, khi có phản ánh của dân đến chủ tịch UBND quận, huyện thì cũng chuyển luôn cho chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn để kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay, với cách làm như hiện nay đến chính quyền cơ sở rất chậm, vì còn xử lý qua nhiều cấp. Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) Đỗ Văn Nhủ đề nghị 2 vấn đề mà theo ông nói: “Nhiều năm nay kiến nghị nhiều nhưng chưa thấy làm”. Đó là trong quy hoạch, nói phải xây dựng các đô thị vệ tinh nhưng lại chỉ tập trung vào phát triển trung tâm Thành phố. Vấn đề thứ hai là 5 thị trấn, 2 xã (Bình Hưng, huyện Bình Chánh và Trung Chánh, huyện Hóc Môn) còn lại của Thành phố không nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới, nên chính quyền cơ sở không biết thực hiện theo hướng nào. Ông Nhủ còn đề nghị cần có nhiều cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TPHCM với chủ tịch UBND 322 phường, xã, thị trấn, để tiếng nói của người dân, của chính quyền cơ sở đến lãnh đạo Thành phố nhanh nhất, góp phần lãnh đạo, điều hành hiệu quả các chương trình lớn đề ra.


Không lắng nghe dân, không điều hành được công việc
Sau khi tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa phát biểu từng vấn đề nêu ra. “Lãnh đạo UBND quận 12 có ai dự họp không?”, ông Lê Văn Khoa hỏi nhưng không nhận được câu trả lời. “Về quy hoạch cây xanh, Thành phố đã chỉ đạo nhiều tháng nay về rà soát xem chỗ nào không phù hợp để điều chỉnh cho dân bớt bức xúc, mà trong cuộc họp này vẫn có ý kiến nêu kiến nghị của dân phải làm sớm, là chưa được. Tôi đề nghị quận 12 và các phường ở các địa bàn có quy hoạch cây xanh phải đẩy mạnh tuyên truyền trong dân, phổ biến chủ trương, cách làm đến dân để dân yên lòng. Bất cứ chủ trương, chính sách liên quan đến dân phải phổ biến đến dân nhanh nhất, để từ đó cùng đồng thuận với chính quyền thực hiện”, ông Lê Văn Khoa nói.


Phát biểu kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều hướng đến phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đến quyền lợi thiết thực của người dân. Chủ trương, chính sách được hình thành từ cơ sở và cũng được thực hiện từ chính quyền cơ sở. Nếu cán bộ của chính quyền cơ sở không gần dân, không tiếp xúc dân thì sẽ không phản ánh được nguyện vọng của dân và cũng không thể điều hành được chính quyền để đáp ứng những nhu cầu đời sống của người dân. Cho nên, việc thường xuyên tiếp xúc dân, lắng nghe dân, cùng chia sẻ với bà con trong những khó khăn và giải quyết những khó khăn đó, kể cả những bức xúc, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, để đề xuất với các cấp lãnh đạo là nhiệm vụ phải làm của người đứng đầu chính quyền ở cơ sở và làm có hiệu quả để dân thấy, dân tin”.

 

Nguồn: HOÀI NAM/SGGP

 


Số lượt người xem: 1904    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm