• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
6
9
0
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười Hai 2016 8:15:00 SA

Bộ TN&MT đồng hành với TP.HCM trong quá trình phát triển

 

 

(TN&MT) - Sáng 13/12, tại trụ sở UBND TP.HCM, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND TP.HCM về công tác quản lý nhà nước TN&MT  trên địa bàn.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (giữa) cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì buổi làm việc giữa Bộ TN&MT với UBND TP.HCM sáng 13/12
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (giữa) cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì buổi làm việc giữa Bộ TN&MT với UBND TP.HCM sáng 13/12

Tham dự buổi làm việc về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Thanh tra, Trung tâm KTTV quốc gia, Văn phòng Bộ, Trường ĐH TN&MT TP.HCM. Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ TN&MT về phía TP.HCM có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành chức năng của TP.HCM.

 

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết TP.HCM là một thành phố trung tâm đầu tầu kinh tế của cả nước, là thành phố năng động, sáng tạo, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT, TP.HCM có gặp một số khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Những kiến nghị của TP.HCM thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ nhanh chóng phối hợp giải quyết; những kiến nghị vượt thẩm quyền, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ và Trung ương xem xét, giải quyết.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ nhiệm kỳ mới là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; qua thực tế ở địa phương, TP.HCM đã triển khai mô hình bộ máy chính quyền hoạt động theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Vì vậy, sau buổi làm việc ngày hôm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần xem xét, nghiên cứu xây dựng mô hình về cơ chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với TP.HCM trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT.

 

Tại buổi làm việc, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã nêu những vấn đề nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn TP.HCM như: đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, khoáng sản, biến đổi khí hậu…Theo đó, TP.HCM nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất một số nội dung liên quan đến việc phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn. Cụ thể, là sự phân cấp, ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phê duyệt giá đất; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải rắn…

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc sáng 13/12
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc sáng 13/12

 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM  khẳng định vai trò của ngành TN&MT trong bộ máy chính quyền Thành phố là rất lớn và quan trọng. TP.HCM là một đô thị lớn, hiện dân số đã lên tới 13 triệu người, trong đó có quận hơn 800.000 dân. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm tới công tác phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành, đặc biệt cho TP.HCM.  Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, phân cấp, ủy quyền rõ ràng hơn, tinh thần là cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt thì để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND TPHCM chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Vì vậy, Thành phố mong muốn Bộ TN&MT  quan đến tính chất đặc thù của chính quyền đô thị TP.HCM. Hiện nay, Thành phố đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu lập đề án phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực cho các quận, huyện, trong đó có lĩnh vực TN&MT, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý ở cơ sở, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, Thành phố kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp, hỗ trợ Thành phố triển khai vấn đề này.

 

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tham dự buổi làm việc
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham dự buổi làm việc

 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết hiện Thành phố đang nghiên cứu lập dự án triển khai mô hình thành phố thông minh, với nhiều mục tiêu dân sinh quan trọng như giảm ngập nước, chống kẹt xe, giảm ô nhiễm… Do đó, Thành phố mong muốn Bộ TN&MT chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai hỗ trợ Thành phố xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu TN&MT, trong đó có lĩnh vực đất đai để phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thành phố.

 

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM có vai trò liên kết vùng rất quan trọng. Muốn phát triển bền vững phải tạo được sự kết nối đồng bộ giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Và điều quan trọng trước hết là công tác quản lý môi trường phải mang tính liên vùng. “Nếu trong lĩnh vực môi trường mà “cắt khúc” thì quản lý sẽ không hiệu quả” – Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

Về quản lý đất đai, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cái khó nhất của TP.HCM hiện này là vấn đề đăng ký quyền sử dụng đất. Khó khăn của TP.HCM trong lĩnh vực quản lý đất đai mang tính đặc thù, bởi có những quận, huyện của TP.HCM dân số đông gần bằng một tỉnh, từ đó tạo một áp lực rất lớn cho Thành phố trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng báo cáo tại buổi làm việc
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng báo cáo tại buổi làm việc

 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trước đây, khi ông còn làm Bí thư Quận ủy quận 2, Ban Bồi thường GPMB của quận có thời điểm đông tới gần 300 người, triển khai bồi thường GPMB cùng một lúc hơn 20.000 ha trên địa bàn quận.  

 

“Hiện nay, TP.HCM có đến hơn 79 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đang đầu tư trên địa bàn Thành phố, vì vậy, các thủ tục hành chính, đất đai… nếu chậm một ngày thôi cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các nhà đầu tư và môi trường đầu tư của Thành phố” – Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

 

Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định Thành phố rất coi trọng vấn đề môi trường, luôn mong muốn đem lại một môi trường sống tốt hơn cho người dân. Trong 7 Chương trình đột phá của TP.HCM, có Chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề môi trường của Thành phố hiện cũng chịu nhiều sức ép, ví dụ như riêng lĩnh vực rác thải sinh hoạt mỗi ngày của Thành phố cũng đã lên tới con số từ 7.500 – 8.000 tấn/ngày. Vì vậy, Thành phố rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn của Bộ TN&MT.

 

Sau khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của TP.HCM, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã phát biểu kết luận buổi làm việc. Bộ trưởng đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của TP.HCM - một đô thị lớn mang tính chất đặc thù, đã có những đóng góp quan trọng và tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả đất nước.

 

Toàn cảnh buổi làm việc sáng 13/12 giữa đoàn công tác của Bộ TN&MT với UBND TP.HCM
Toàn cảnh buổi làm việc sáng 13/12 giữa đoàn công tác của Bộ TN&MT với UBND TP.HCM

 

Theo Bộ trưởng, Thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực TN&MT, thể hiện qua việc triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách, pháp luật về TN&MT; tìm kiếm các nguồn lực đầu tư và xây dựng được những mô hình quản lý phù hợp với tính chất đặc thù của một đô thị lớn…

 

Theo Bộ trưởng, ngay tại buổi làm việc ngày hôm nay, các đơn vị của Bộ TN&MT và TP.HCM đã trao đổi với nhau khá kỹ, chi tiết nhiều vấn đề quản lý nhà nước về TN&MT. Đây là sự phối hợp rất kịp thời, cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho TP.HCM trong quá trình phát triển. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Thời gian tới, Bộ và TP.HCM cần xác định một cơ chế phối hợp, hợp tác như thế nào để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững”.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ: “Trước hết, Bộ TN&MT và TP.HCM cần phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu về TN&MT để phục vụ đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, ví dụ như cung cấp các số liệu về đất đai; nghiên cứu xây dựng cơ chế kết nối dữ liệu quan trắc, chia sẻ dữ liệu quan trắc về khí hậu, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu… giữa Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia với TP.HCM. Cơ sở dữ liệu đất đai của TP.HCM phải có sự kết nối với hệ thống của quốc gia, của vùng, để tạo sự đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí”. Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM khẩn trương nghiên cứu xây dựng thí điểm cơ sở dữ liệu thông tin đất đai, bộ chỉ số đánh giá đất đai của TP.HCM…

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý quy hoạch của TP.HCM phải được đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, PHẢI thích ứng với biến đổi khí hậu; ngoài ra, càn phải được tính toán kỹ đến các yếu tố  môi trường, tài nguyên nước… Quy hoạch TP.HCM phải mang tính liên kết vùng, đặc biệt là những vấn đề như quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; quy hoạch xử lý chất thải gắn kết với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ như thế nào…

 

Bộ trưởng giao Tổng cục Môi trường sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá môi trường của các địa phương, trong đó có TP.HCM; xây dựng danh mục và các công nghệ liên quan đến chất thải cần kiểm soát trước khi cấp giấy phép đầu tư dự án.

 

“Thành phố sẽ không phát triển bền vững nếu không có sự phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực sông gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Vì vậy, Thành phố cần giám sát chất lượng nước và thủy văn, giám sát các số liệu tài nguyên nước; cần lưu ý phối hợp giải quyết tốt việc chia sẻ nguồn nước và giải quyết điều tiết các hồ chứa nước trong vùng như hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng. Bộ TN&MT giao Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM tham mưu cụ thể cho Lãnh đạo TP.HCM trong lĩnh vực này…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

 

Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường

 


Số lượt người xem: 1954    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm