• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
4
4
5
2
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 13 Tháng Bảy 2016 2:05:00 CH

Rà soát, đánh giá các quy định, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường

 



 
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát, đánh giá các quy định, chính sách pháp luật về TN&MT, báo cáo Chính phủ và đã được Quốc hội khóa XIII ban hành 06 luật, gồm: Luật khoáng sản năm 2010, Luật tài nguyên nước năm 2012, Luật đất đai năm 2013, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật khí tượng thủy văn năm 2015. Hiện nay, Bộ đang tập trung rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về đo đạc và bản đồ để xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật đo đạc và bản đồ, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10 năm 2016.
 
 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ, khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ đã rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường, cụ thể như sau:

 

Rà soát đánh giá tổng thể các quy định của Luật khoáng sản năm 2010

Qua rà soát cho thấy một số quy định chưa thống nhất với quy định hiện hành của pháp luật liên quan, cụ thể: Quy định về sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản (Khoản 1 Điều 31) chưa bảo đảm phù họp với thực tế vì khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì hợp đồng thuê đất cũng chấm dứt hiệu lực, do đó, việc thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản khó triển khai vì hợp đồng thuê đất đã hết hiệu lực; khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn doanh nghiệp đang làm thủ tục gia hạn (kéo dài thời hạn khai thác) thì lại phải làm thủ tục thuê lại đất (tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết, mà đây là quyền đương nhiên đối với doanh nghiệp); Quy định hồ sơ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản (Điểm đ Khoản 4 Điều 60) thì “bản sao giấy chứng nhận đầu tư của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản” là không khả thi vì trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng thì chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị nhận chuyển nhượng (chưa chắc chắn đơn vị nhận chuyển nhượng có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhận chuyển nhượng Giấy phép khai thác hay không?); Quy định tại Khoản 2 Điều 66: “Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải có đủ điều kiện được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản” là không khả thi vì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản trước khi nhận được giấy phép khai thác không thể có các điều kiện sau: (1) Dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều 10 của Luật khoáng sản; (2) Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát đầy đủ, chi tiết, đánh giá tổng thể các quy định của Luật khoáng sản năm 2010 để báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, Bộ đang tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các luật nói trên nhằm bảo đảm thực hiên có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngàỵ 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

 

Rà soát, bảo đảm thi hành Luật tài nguyên nước năm 2012

Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành 04 Nghị định có hiệu lực và đồng bộ với Luật tài nguyên nước, ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư. Năm 2015, Bộ đã rà soát và tham mưu trình Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa ở các lưu vực sông lớn trên cả nước để điều hòa, phân phối nguồn tài nguyên nước quý giá phục vụ các lợi ích khác nhau của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.

Các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước sau khi được ban hành đã đi vào cuộc sống và thực sự là công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý tài nguyên nước, tạo hành lang pháp lý cho khai thác, sử dụng, điều tra, quy hoạch, bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, quản lý lưu vực sông... Đồng thời các văn bản, quy định về tài nguyên nước góp phần vào việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

 

Đưa Luật đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống

Thi hành Luật đất đai, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu để Chính phủ ban hành 09 Nghị định, trong đó có 05 Nghị định có hiệu lực đồng bộ với Luật đất đai. Các Bộ đã xây dựng và ban hành 28 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Bên cạnh đó, để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn thi hành, Bộ TN&MT đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Nghị định này đã được Bộ trình Chính phủ và hiện đang rà soát, hoàn thiện để ban hành.

Nhìn chung, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật đất đai được trình ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật đất đai có hiệu lực thi hành; khắc phục được tình trạng Luật chờ các văn bản hướng dẫn như trước đây. Việc ban hành đồng thời các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật có hiệu lực cùng với Luật đất đai đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong việc chuẩn bị thi hành Luật đất đai; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành đồng bộ các quy định của pháp luật về đất đai.

Liên quan đến chính sách đất đai đối với các doanh nghiệp, đến nay cơ bản đã hoàn thiện và thể hiện sự tiến bộ, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Từ những quy định về giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đến việc mở rộng các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh đã giúp cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, bảo vệ và khai thác sử dụng đất có hiệu quả. Quyền sử dụng đất đai đã trở thành một nguồn lực tài chính để đầu tư phát triến sản xuất.

Chính sách, pháp luật về đất đai đã thiết lập sự bình đẳng hơn trong tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài; quy định cụ thể điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.

Ngoài ra, về chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất cũng đã được rà soát lại đảm bảo tính đông bộ giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai. Xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất. Việc ưu đãi phải thực chất và chỉ thực hiện ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn với mức độ miễn, giảm tiền thuê đất (thời gian) một cách hợp lý, phù hợp, tránh tâm lý trông chờ, dựa vào ưu đãi của Nhà nước.

Nhìn chung, chính sách pháp luật đất đai liên quan đến việc sử dụng đất của các doanh nghiệp đã được ban hành khá đồng bộ và kịp thời với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cơ bản là phù hợp, bình đẳng đối với mọi đối tượng và được thực tiễn chấp nhận.

 

Rà soát Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật đầu tư năm 2014

Bộ đã rà soát hai Luật này cho thấy đều thống nhất trong quy định về việc phải có đánh giá tác động môi trường phục vụ quyết định chủ trương đầu tư, nhưng còn có khác biệt ở việc Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định là có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điểm a Khoản 2 Điều 25) còn Luật đầu tư năm 2014 quy định là đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường (Điểm c Khoản 1 Điều 34 và Điểm c Khoản 1 Điều 35 Luật đầu tư năm 2014).

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 29/12/2015, Bộ TN&MT đã có Văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí về việc áp dụng theo Luật đầu tư năm 2014 trong việc không yêu cầu nhà đầu tư phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư mà chỉ cần có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường như quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 và Điểm c Khoản 1 Điều 35 Luật đầu tư năm 2014.

 

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật khí tượng thủy văn năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành

Hai Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Năm 2016, Bộ đã chủ trì xây dựng trình Chính phủ xem xét, ban hành 02 Nghị định hướng dẫn 02 Luật nêu trên.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn (có hiệu lực 01/7/2016), Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư hướng dẫn Luật khí tượng thủy văn (có hiệu lực ngày 01/7/2016), trong thời gian tới Bộ tiếp tục xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành 02 Luật nêu trên.

 

 

Nguồn: CTTĐT


Số lượt người xem: 3585    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm