• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
4
8
5
7
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 12 Tháng Bảy 2016 1:30:00 CH

Nhiều bất cập trong quản lý chất lượng nguồn nước

 

Việt Nam đang đối phó với tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước nghiêm trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố do xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt chưa đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường thì còn do bất cập trong hệ thống quản lý.

 

Yếu cả năng lực lẫn trang thiết bị

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường nước xuất phát từ những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.

 

 

Kiểm tra chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn trước khi đưa vào hồ chứa cung ứng nước đến người dân. Ảnh: CAO THĂNG

 

Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát Môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường. Rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự; còn các biện pháp xử lý khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp chây ỳ nên cũng không có hiệu quả.

 

Không dừng lại đó, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa, đại khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao. Chưa kể, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp, đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.

 

Lo ngại thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Yếu năng lực quản lý đã khiến cho chất lượng nguồn nước sạch tại nước ta suy giảm nghiêm trọng. Quan trọng hơn, những tác hại từ việc suy giảm nguồn nước đến con người và các hệ sinh thái đang ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Những hậu quả chính thường là suy kiệt trữ lượng nước trong mạng sông, trong các tầng chứa nước, trên lưu vực sông dẫn tới suy giảm nguồn nước có thể diễn ra trong thời kỳ dài; thay đổi nghiêm trọng môi trường và hệ sinh thái nước ở hạ lưu các dòng sông. Lưu vực sông là một hệ thống nhất với các bộ phận cấu thành quan hệ mật thiết, tương hỗ với nhau. Do vậy, nếu nguồn nước ở vùng hạ lưu bị suy giảm trong thời kỳ dài thì đều dẫn đến tình trạng môi trường, tài nguyên nước suy thoái đến mức không thể khôi phục được. Chẳng hạn như: Làm giảm nguồn cung cấp nước cho các tầng nước dưới đất; giảm trữ lượng, hạ thấp mực nước dưới đất trên vùng rộng lớn ven sông; gia tăng lún sụt mặt đất, sạt lở bờ, lòng dẫn... đến mức khó kiểm soát; dẫn tới hủy hoại tài nguyên và các hệ sinh thái lưu vực; gia tăng xâm nhập mặn; tác động đến đời sống, sức khỏe mọi người dân, gia súc, gia cầm, ảnh hưởng tới mùa màng, tới tốc độ tăng trưởng, thậm chí gây đình trệ sản xuất, dẫn tới buộc người dân phải di cư khỏi nơi đã sinh sống lâu nay. Thiếu nước nghiêm trọng, lâu dài khó giải quyết có thể dẫn tới xung đột giữa các cộng đồng dân cư; dẫn tới sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường kém bền vững; suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, khan hiếm, thiếu nước đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như sự chia sẻ công bằng và các quyền hợp pháp trong sử dụng nước. Tác động xã hội và môi trường do xung đột trong sử dụng nguồn nước thường rất sâu sắc và khó đánh giá, khắc phục.

 

Thực tế xảy ra thời gian qua cho thấy, nguy cơ thiếu nước, hiếm nước ngày càng tăng vào những tháng cuối mùa khô. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng bị ngưng trệ và chịu thiệt hại nặng. Một số vùng thiếu nước sản xuất lúa, phải chuyển đổi cây trồng, mùa vụ. Bảo đảm đủ nguồn nước cho đời sống, cho sản xuất đang là vấn đề thời sự ở nhiều vùng. Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững ở một số vùng quan trọng của đất nước như đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ đang trở thành vấn đề có tính quốc gia.

 

Có thể nói, tài nguyên nước không chỉ được xem như “tài sản chung” mà còn là “hàng hóa có giá trị thương mại và kinh tế.” Bảo vệ tài nguyên nước là vấn đề hết sức cấp thiết. Do vậy, trước thực tế đó, thời gian qua Chính phủ đã áp dụng một số cơ chế nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nước ở các khía cạnh khác nhau về chính sách, kỹ thuật thực hiện, năng lực và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, để tăng cường hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước, cần phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, với tư cách vừa là người trực tiếp sử dụng nước, vừa là người quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Quản lý dựa vào cộng đồng đã được giới thiệu và áp dụng ở nhiều vùng theo các cách khác nhau trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt và thủy lợi. Mặc dù còn nhiều bất cập về mặt pháp luật, thể chế và năng lực, nhưng cộng đồng địa phương đã chứng minh được tài nguyên nước sẽ được quản lý tốt hơn, nếu có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định.

 

 

Nguồn: Báo SGGPO.

 

 


Số lượt người xem: 4399    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm