• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
0
1
8
5
8
Tin tức sự kiện 09 Tháng Bảy 2013 4:00:00 CH

Bài toán khác cho xử lý nước thải

Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đợt 1 do hạn chế vốn đầu tư nên phải chấp nhận giải pháp tạm thời là xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Sài Gòn, để chờ triển khai giai đoạn 2.

Sau một năm đưa công trình vào khai thác, mặc dù chưa có số liệu quan trắc được công bố nhưng bằng trực quan có thể đánh giá chất lượng nước sông Sài Gòn tại khu vực xả nước và lân cận không có hiện tượng suy giảm đáng kể. Điều này chứng tỏ các dự báo của chuyên gia tư vấn dự án là đáng tin cậy. Từ đây cho phép ta nghĩ đến một giải pháp khác cho bài toán đầu tư thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) của TP. HCM.

Bao quanh tp có nhiều con sông lớn với khối lượng dòng chảy rất lớn nằm ở hạ lưu là sông nước mặn, hiện nay chỉ sử dụng vào mục đích giao thông đường thủy nên yêu cầu mức độ vệ sinh thấp hơn so với sông nước ngọt. Nếu ta khai thác năng lực pha loãng và tự làm sạch của nó thì trước mắt chưa cần xây dựng các nhà máy XLNT hoàn chỉnh mà vẫn đảm bảo yêu cầu vệ sinh (chỉ với nước thải đô thị). Bài toán pha loãng được nhiều nước quan tâm, đặc biệt là Mỹ. TP.HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi thì ta nên khai thác.

Theo quan điểm đó, đối với dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè đợt 2 nên như sau:

- Tiếp tục đầu tư tuyến cống bao để dẫn nước thải đến nhà máy XLNT như đã dự kiến ở Q.2, chấm dứt xả nước thải vào sông Sài Gòn, đồng thời thu nhận nước thải Q.2 và một phần của Q.9. Nước thải sau khi được xử lý sơ bộ sẽ được xả vào sông Nhà Bè.

- Nhà máy XLNT như dự kiến tạm thời chưa thực thi. Khoản vốn dự kiến xây dựng nhà máy đã được Ngân hàng Thế giới (WB) thỏa thuận nay đề nghị chuyển sang đầu tư cải tạo vệ sinh môi trường các kênh rạch trong thành phố. Bởi lẽ đối với TP.HCM, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhìn từ góc độ vệ sinh thì việc cải tạo kênh rạch, hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải nên có trước so với XLNT. Nếu đến năm 2020 toàn bộ kênh rạch có được chất lượng tương tự Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì thật tuyệt vời. Sau đó sẽ tập trung đầu tư các nhà máy XLNT quy mô lớn để đến năm 2025 hoặc chậm nhất là 2030 có được hệ thống thoát nước hoàn chỉnh cho một siêu đô thị, đó sẽ là một thành công lớn.

Như vậy mục tiêu không thay đổi nhưng giải pháp cần linh hoạt để thích ứng với năng lực tài chính còn hạn chế. Xin hãy hình dung ý nghĩa kinh tế của giải pháp thông qua ví dụ sau đây. Chẳng hạn, nếu việc xây dựng nhà máy XLNT vào năm 2015 được lùi lại đến 2025 mới đầu tư (10 năm) thì sẽ tiết kiệm được khoản chi phí vận hành tương đương tổng giá trị xây lắp, thiết bị của chính nhà máy đó.

 

 

Ông Phan Châu Thuận (giám đốc ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) trả lời:

Vừa qua WB đã đồng ý cho vay để thực hiện dự án vệ sinh môi trường TP hoàn chỉnh là sau khi thu gom nước thải phải đưa về nhà máy xử lý. Hiện nay việc thu gom nước thải từ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình) đổ ra sông Sài Gòn chỉ là một giải pháp tình thế. Do tổng vốn đầu tư dự án này quá lớn nên TP đã chấp thuận chia dự án này thành hai giai đoạn thực hiện. Hiện nay giai đoạn 1 đã hoàn thành (thực hiện hệ thống thu gom nước thải), sắp tới sẽ thực hiện giai đoạn 2 là xây dựng nhà máy XLNT Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Do đó nếu sử dụng vốn vay của WB vào mục đích khác như đầu tư cải tạo vệ sinh môi trường kênh rạch trong TP sẽ không được sự chấp thuận của WB.

Bên cạnh đó, kênh rạch của TP đều có các dự án ODA hoặc BT (đầu tư, chuyển giao) để thực hiện cải tạo, hoàn thiện mạng lưới thu gom và xây dựng nhà máy XLNT cho khu vực đó. Ví dụ lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi và kênh Tẻ (quận 1, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh) đã xây dựng Nhà máy XLNT Bình Hưng (huyện Bình Chánh), dự án XLNT lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Bình Chánh) và dự án XLNT lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, 11, Tân Phú) cũng sẽ xây dựng nhà máy XLNT cho lưu vực. Do đó có thể thấy việc đầu tư cải tạo vệ sinh môi trường kênh rạch trong TP đang được thực hiện đồng bộ nhằm cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, đảm bảo tính bền vững trong tiến trình phát triển TP.

Việc xây dựng Nhà máy XLNT Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 sắp tới còn có ý nghĩa nhằm phát huy những hiệu quả đã đạt được qua việc thực hiện dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 1. Đồng thời tránh được ý kiến dư luận xã hội cho rằng dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 1 chỉ thực hiện việc “mang nước thải từ nơi này chuyển đến nơi khác hoặc chuyển ô nhiễm từ nơi này đến nơi khác”.

Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP rất hoan nghênh và trân trọng ý kiến đóng góp của các tác giả cũng như mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để ban quản lý dự án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

N.ẨN ghi


Số lượt người xem: 6718    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm