• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
5
9
9
2
9
Tin tức sự kiện 24 Tháng Ba 2015 8:00:00 SA

Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Chung tay- Hành động quyết liệt ứng phó với Biến đổi khí hậu

Hằng năm thế giới cùng kỷ niệm ngày Khí tượng Thế giới 23/3. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày bản Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới có hiệu lực vào năm 1950, đây còn là dịp để tôn vinh những đóng góp của ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người. Chủ đề ngày Khí tượng Thế giới năm 2015 là “Khí hậu: Nhận thức để hành động”, để mỗi tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt ứng phó với BĐKH, làm cho thế giới tốt hơn.

 

 





 

 

“Khí hậu: Nhận thức để hành động”

 Trong thông điệp gửi các quốc gia thành viên, Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud nhấn mạnh, cần coi khí hậu là một loại tài nguyên để tăng sức mạnh cho phát triển bền vững, thông qua việc cung cấp, sử dụng hiệu quả thông tin khí hậu, thời tiết. Ông chỉ rõ, khí hậu, thời tiết là một loại tài nguyên đặc biệt. Có thể khai thác trực tiếp như năng lượng gió, nguồn nước mưa… hoặc gián tiếp thông qua sử dụng số liệu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất. "Để xác định tính khả thi, độ ổn định của năng lượng gió hay năng lượng mặt trời ở một khu vực, luôn cần các dữ liệu về khí hậu tin cậy, chính xác với mật độ đủ lớn. Hay việc sử dụng khí sinh học tự tạo cho nấu ăn và chiếu sáng đang được khuyến khích song phải hết sức thận trọng để không phát thải thêm khí nhà kính cũng như tăng rủi ro cho an ninh lương thực, khi phát triển các cây trồng để sản xuất biogas", ông Michel Jarraud dẫn chứng.

 

 Việc cung cấp các thông tin liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước rất cần thiết để hỗ trợ các hoạt động kinh tế xã hội quan trọng như nông nghiệp, sức khỏe, giao thông, năng lượng và quản lý tài nguyên nước. Với vấn đề thời sự hiện nay là biến đổi khí hậu, thông tin thời tiết, khí hậu và nước cũng hết sức quan trọng trong ứng phó với thách thức này. WMO từng nhấn mạnh tại nhiều Hội nghị về biến đổi khí hậu, các nghiên cứu, quan trắc, dự báo được cải thiện cùng với việc tăng cường năng lực cho hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia sẽ là những yếu tố quan trọng bảo vệ tính mạng và tài sản ở những nước dễ bị tổn thương

 

Thách thức từ bài toán biến đổi khí hậu

Khí hậu trái đất đang thay đổi, các quy luật khí hậu biến đổi khó lường với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như các siêu bão, triều cường, mưa đá và băng tuyết, sự gia tăng nhiệt độ đang ngày càng lớn, triều cường tiếp tục dâng cao, hạn hán kéo dài, nhiều vùng ở đồng bằng song Cửu Long và tỉnh Kiên Giang chúng ta có lúc rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng, kéo dài, thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống kinh tế và sức khỏe của người dân.

 

Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan cũng nhận định, tình hình hạn hán có khả năng xuất hiện nhiều và kéo dài hơn trong thế kỷ 21 ở hầu hết các vùng khí hậu trên cả nước. Cùng với sự gia tăng của nhiệt độ và các hiện tượng cực đoan, số lượng bão hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến ViệtNamcó thể giảm về tần suất nhưng tăng về cường độ và số lượng bão mạnh. Số ngày rét đậm, rét hại cũng có xu thế giảm, tuy nhiên số lượng các đợt rét lại biến đổi phức tạp và biến động mạnh từ năm này qua năm khác…

 

Theo các kịch bản phân tích, dự báo về biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và mực nước biển dâng. Thiên tai có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn, đó là sự đa dạng về loại hình, gia tăng về cường độ và tần suất. Có thể kể đến một số trận thiên tai lớn đã xảy ra gây thiệt hại nặng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng như: Lũ lớn ở các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung vào các năm 1999, 2007, 2012, 2013; lũ lớn trên hệ thống sông Hồng năm 1971; lũ lớn trên hệ thống sông Cửu Long năm 2010, 2011; bão Wayne tại Thái Bình 1986, bão Linda vào Cà Mau 1997; bão Xangsen vào Đã Nẵng 2006; bão Ketsana 2009 và bão Wuttip, Nari năm 2013 vào các tỉnh miền Trung… Hạn hán vào những năm 1988, 1993, 1998 hay triều cường dâng cao nhất trong vòng 50 năm ở TP Hồ Chí Minh… 

 

Theo số liệu thống kê hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1 – 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diễn biến của khí hậu cực đoan rất phức tạp và khó lường vì vậy đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà Khoa học, các nhà nghiên cứu để đưa ra những cảnh báo, dự báo kịp thời để giảm nhẹ được rủi ro thiên tai, hạn hán.

 

Một số hình ảnh lũ lụt, hạn hán trong những năm gần đây

 

 

 

Thông tin KTTV không thể thiếu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Dự báo khí tượng thủy văn là một trong những điều kiện, thông tin căn bản để phục vụ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương; góp phần phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; bảo đảm sự bình yên của cuộc sống và an toàn tài sản của nhân dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ngày nay, dự báo thời tiết hạn vừa, hạn dài đang ngày càng chính xác hơn nhờ vào sự phát triển của khoa học và sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ máy tính, góp phần cho ngành Khí tượng trong những năm qua đã có những thành tựu đáng kể. Thông tin về thời tiết, khí hậu từ các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày đến các bản tin dự báo khí hậu theo mùa - đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hiện tại. Tuy vậy, đôi khi chúng ta quên đi nỗ lực của những cán bộ viên chức ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) ngày ngày làm công tác quan trắc, phân tích, dự báo để mang đến cho cộng đồng các bản tin cần thiết. 

Kiến thức về khí hậu tích lũy trong thời gian dài vừa qua là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng ra những quyết định và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Các bằng chứng như nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển dâng hay cực đoan thời tiết, càng củng cố kết luận rằng khí hậu đang biến đổi. Trong đó, hoạt động của con người, đặc biệt là lượng phát thải khí nhà kính ngày càng tăng qua mỗi năm, là nguyên nhân chính của sự biến đổi này. Kiến thức khí hậu sẽ hỗ trợ các nhà quản lý các cấp đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để thay đổi và giảm nhẹ BĐKH xuống mức thấp nhất.

 

Nâng cao trách nhiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu 

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan chức năng đầu mối làm công tác dự báo cảnh báo, trong những năm qua, ngành khí tượng thuỷ văn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động dự báo thời tiết, khí hậu. Hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về khí tượng thủy văn đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua Luật khí tượng thủy văn trong năm 2015 này. Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ nhằm cung cấp các số liệu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo thiên tai, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Công nghệ và các điều kiện phục vụ dự báo khí tượng thủy văn, thời tiết của ViệtNamđã được cải thiện đáng kể trong 10 năm gần đây.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khí tượng thủy văn ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục. Vì vậy, trong lễ mít kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang yêu cầu trong thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn cần tập trung khắc phục, giải quyết được các tồn tại, hạn chế hiện nay; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển các hoạt động khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu; tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo thời tiết, khí hậu và cảnh báo thiên tai nhằm phục tốt hơn nữa công tác phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Đặc biệt,  nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, lối sống theo hướng thân thiện với khí hậu, có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ bầu khí quyển.

 

“Nhiệm vụ của lĩnh vực khí tượng thủy văn trong những năm tới sẽ nặng nề hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu có những diễn biến khó lường. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động của mỗi người trong công cuộc phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu.”- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

 

Nhân sự kiện Ngày Khí tượng thế giới năm 2015, Bộ trưởng cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng các doanh nghiệp trên cả nước tăng cường nhận thức về khí hậu, để có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực vì khí hậu nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các cấp chính quyền các địa phương trên cả nước cần quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn; bảo vệ, gìn giữ và phát triển các công trình khí tượng thủy văn để phục vụ tốt cho công tác phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

 

Theo Website Bộ TNMT.

 


Số lượt người xem: 2974    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm