• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
8
6
7
2
4
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 05 Tháng Bảy 2017 4:30:00 CH

Bộ luật Hình sự sửa đổi: Nghiêm trị tội phạm môi trường

 

 




 
Doanh nghiệp sẽ vướng vào vòng lao lý nếu không chú trọng bảo vệ môi trường

 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, với những điểm mới trong Luật sửa đổi lần này về tội phạm môi trường, doanh nghiệp sẽ vướng vào vòng lao lý nếu không chú trọng bảo vệ môi trường.
 

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng, Bộ luật Hình sự 2009 quy định doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về môi trường. Tuy vậy, trên thực tế, rất khó xác định được thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng về môi trường. Căn cứ này chỉ mang tính chất định tính, nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã định lượng hóa các vi phạm môi trường của doanh nghiệp như: Lưu lượng xả thải, khối lượng chất thải rắn thải ra, số lần vượt quy chuẩn môi trường… để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Một số trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như: Xả thải ra môi trường từ 500 m3/ngày trở lên, có thông số môi trường nguy hại vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 m3/ngày, có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên. Nặng hơn, doanh nghiệp chỉ cần xả thải 100 m3/ngày nhưng có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên, trước đó, đã xử phạt vi phạm hành chính do cùng lỗi này cũng bị xử lý hình sự.

 

Theo ông Thức, hiện, Việt Nam có khoảng 70% số doanh nghiệp có lưu lượng xả thải trên 100 m3/ngày. Như vậy, số lượng doanh nghiệp có thể bị vướng vào vòng lao lý sẽ rất lớn.

 

Về chất thải rắn, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự khi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại đặc biệt hoặc chất thải nguy hại thuộc Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 1.000 kg hoặc chất thải nguy hại khác từ 3.000 kg. Trong khi đó, về khí thải, nếu thải ra môi trường từ 150.000 m3/giờ, có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100.000 m3/giờ trở lên có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Hoàng Văn Thức cho rằng, đây là một chế tài rất mạnh, mang tính răn đe rất cao. “Với khung này, nếu không chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hoặc hệ thống xử lý môi trường hiện đại, doanh nghiệp rất dễ vướng vào vòng lao lý” - ông Thức nói.

 

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong 2 năm 2015 - 2016, đơn vị này đã thanh tra gần 1.000 doanh nghiệp. Trong đó, 25 - 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là nghiên cứu pháp luật bảo vệ môi trường. “Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018, số doanh nghiệp này nếu không cải thiện bảo vệ môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm ở mức cao nhất” - ông Thức nói.

 

Bên cạnh quy định mới của Luật Hình sự, Bộ TN&MT đang xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. “Việc kiểm soát có thể giống như chúng ta đang kiểm soát môi trường của Formosa. Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp này” - ông Thức khẳng định.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 2411    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm