• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
0
9
8
9
8
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 21 Tháng Mười 2015 7:55:00 SA

Tháo gỡ vướng mắc, thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào môi trường

Trung bình mỗi ngày, môi trường nước ta tiếp nhận hơn 1 triệu tấn chất thải rắn, hơn 100.000m³ nước thải đô thị. Đó là chưa kể lượng lớn chất thải phát sinh từ hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ xử lý môi trường nước ra rất lớn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy dịch vụ xử lý môi trường của các doanh nghiệp trong nước vừa thiếu, vừa yếu. Thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực này là rất cần thiết và cũng đã được các cơ quan chức năng tính tới.

 

Hệ thống xử lý nước thải của công ty Colgate Palmolive. Ảnh: Cao Thăng

 

Thị trường hấp dẫn vì tiềm năng khai thác lớn

Theo ThS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, dân số và các khu công nghiệp của Việt Nam tăng lên rất nhanh, tạo ra một thách thức rất lớn liên quan đến ô nhiễm môi trường. Thống kê sơ bộ về hiện trạng môi trường Việt Nam hiện nay cho thấy, hiện cả nước có 15 khu đô thị, 298 khu công nghiệp và 878 cụm công nghiệp. Thế nhưng, có đến 1/3 trong số các khu chế xuất, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Hoặc có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn vận hành theo hình thức đối phó. Chỉ tính riêng tại TPHCM - một trong những thành phố đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước, còn đến hơn 13 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng thu gom xử lý chất thải. Chưa tính, có đến 80% trên tổng số 12 triệu tấn chất thải rắn đô thị phát sinh hàng năm đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, tiêu tốn nhiều diện tích đất và nguy cơ phát sinh ô nhiễm thứ phát rất cao. Chính vì thế, nhu cầu xử lý ô nhiễm môi trường Việt Nam là rất cấp thiết.

 

Thực tế thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra những lợi ích tiềm năng và tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ môi trường. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư vào lĩnh vực môi trường đã tăng qua các năm. Nếu năm 2005 chỉ mới có 8 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực này thì đến nay, đã có hơn 40 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, số doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải, chất thải chiếm 31%; dịch vụ vệ sinh chiếm 24%; dịch vụ mặt bằng chiếm 7%; nước uống 7%.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, thể chế chính trị Việt Nam ổn định là yếu tố thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng. Hiện nay, các chính sách tạo điều kiện cho đầu tư vào lĩnh vực môi trường ở Việt Nam đang dần hoàn thiện. Bên cạnh đó, do tính chất cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với trách nhiệm xã hội và áp lực cạnh tranh về sản phẩm hàng hóa nên nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường để xử lý ô nhiễm, nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm trên thị trường càng cao. Mặt khác, xét về hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư ở Việt Nam có những lợi thế nhất định so với một số nước trong khu vực, nhất là chi phí cho nhân công. Điều đó làm gia tăng lợi nhuận của nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang có chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là nhân tố thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài vào môi trường, bởi lẽ đầu tư vào lĩnh vực môi trường đòi hỏi công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Cần hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng

Ghi nhận hiện nay cho thấy, các dòng đầu tư vốn của doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ môi trường đã bước đầu đã sinh lợi nhưng so với nhu cầu mà nhà nước kêu gọi thực hiện xã hội hóa đầu tư thì chưa đáng kể. Nguyên nhân là do hành lang pháp lý chưa được rõ ràng, minh bạch. ThS. Lại Văn Mạnh cho biết thêm, một số doanh nghiệp FDI còn phàn nàn về sự thiếu minh bạch của pháp luật và các quy định hiện hành. Các khuôn khổ pháp lý khá phức tạp nên rất khó để định hướng đầu tư. Mặt khác, quy trình thủ tục miễn thuế mỗi nơi mỗi khác lại đòi hỏi quá nhiều thủ tục hành chính, giấy phép cộng với yếu tố bất đồng ngôn ngữ khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngại. Để hạn chế tình trạng này, các công ty đề nghị luật và quy định áp dụng cần được soạn thảo một cách dễ hiểu và dễ thực hiện. Đặc biệt, các phải có bộ luật hoặc quy định về tổ chức đấu thầu minh bạch trong việc xây dựng các dự án bảo vệ môi trường, nhất là dự án công. Đồng thời, có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường.

 

Để kêu gọi thu hút mạnh các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực môi trường, theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, chúng ta phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh. Công bố công khai mọi quy trình, thủ tục có liên quan. Loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết và các loại phí không chính thức. Cần phải xử lý dứt điểm, kịp thời các vướng mắc trong quá trình cấp phép, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án. Đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ cho nhà đầu tư trong lĩnh vực môi trường nhằm giảm chi phí trung gian và tăng hiệu quả đầu tư, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ.

 

 

 

Nguồn: Báo SGGP. 


Số lượt người xem: 3328    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm