• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
0
4
4
3
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 16 Tháng Mười 2015 8:30:00 SA

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển đô thị bền vững, quyết liệt giảm ô nhiễm môi trường

 

(TN&MT) - Trong giai đoạn 2010 – 2015, TP. HCM tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu kinh tế của đất nước; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, chú trọng công tác bảo vệ môi trường… từng bước hướng tới đô thị trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

 

 

Phát huy vai trò đầu tầu kinh tế đất nước    

 

Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM khóa X diễn ra từ ngày 13 – 17/10, cho biết: Trong giai đoạn 2010 – 2015, kinh tế TP. HCM đạt tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại kinh tế đạt kết quả bước đầu, các nguồn lực xã hội được phát huy; góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng khá cao, bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước; từ năm 2013, GDP năm sau tăng cao hơn năm trước; quy mô kinh tế được mở rộng; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện. GDP bình quân đầu người tăng 12%/năm, đến cuối năm 2015, ước đạt 5.538 USD/người. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thực hiện nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp quy hoạch phát triển, chú trọng công nghệ cao và các ngành công nghiệp trọng yếu.

 

  Nhờ vậy, tỷ trọng kinh tế TP. HCM trong nền kinh tế đất nước ngày càng cao, từ 20,7% năm 2011 tăng lên 21,6% năm 2014; đóng góp thu ngân sách của thành phố vào ngân sách cả nước năm sau cao hơn năm trước, năm 2014 chiếm 30%, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. TP. HCM được xác định là đầu tầu giúp đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Phát triển đô thị bền vững

 

Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, TP. HCM đã tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với thực hiện quy hoạch xây dựng thành phố, quy hoạch phát triển giao thông, gắn với quy hoạch Vùng TP. HCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ; phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 toàn thành phố…Kết cấu hạ tầng đô thị (giao thông, bao gồm giao thông tĩnh, cấp nước, thoát nước, điện, viễn thông, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, công viên, cây xanh,…) được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị cuối năm 2010 đạt 5,84% và ước cuối năm 2015, đạt 8,56%; mật độ đường trên diện tích đất toàn thành phố cuối năm 2010 đạt 1,79 km/km2 và ước cuối năm 2015 đạt 1,97 km/km2. Thành phố cũng tiến hành nạo vét luồng sông Soài Rạp dài 54 km, rộng 120 - 160 m, sâu 9,5 m, tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 tấn.

 

 

TP. HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, cấp nước, thoát nước trọng điểm, tăng khả năng kết nối, phát triển  thành phố về phía Đông, Tây và Nam; từng bước giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước tại một số khu vực, giảm ô nhiễm môi trường; hệ thống giao thông đường thủy được tăng cường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực vận tải đường thủy, gắn với phát triển cảng biển cùng dịch vụ logistic (dịch vụ tiếp vận) về phía Đông và Nam thành phố. Thành phố đã huy động nguồn lực, cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống cư dân nông thôn.

 

Quyết liệt giải quyết   ô nhiễm môi trường

 

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP. HCM đặt ra mục tiêu: tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xây dựng TP. HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

 

Các chỉ tiêu chính được TP. HCM phấn đấu thực hiện gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm từ 8% - 8,5%, chuyển dịch cơ cấu theo định hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp và thủy sản; trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm từ 56% đến 58%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020, đạt 9.800 USD; đến năm 2020, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động làm việc. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm. Đến cuối năm 2020, đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân.

 

Đại hội đã xác định giảm ô nhiễm môi trường tiếp tục trở thành một trong những chương trình trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2015 – 2020.  Theo đó, TP. HCM sẽ triển khai thực hiện đồng bộ để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; hoàn tất việc di dời toàn bộ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

 

Nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

 

 

 

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.


Số lượt người xem: 4511    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm