• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
6
5
5
1
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 07 Tháng Mười Một 2015 9:35:00 SA

Phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020

 


(ảnh minh họa)

 
 
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng là những nội dung cơ bản được đề cập trong Báo cáo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
 

 

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất trồng lúa, phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu

 

Phương án điều chỉnh, đến năm 2020 diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.038,09 nghìn ha, tăng 306,33 nghìn ha so với Nghị quyết Quốc hội duyệt.

 

Đối với đất trồng lúa, trên cơ sở xem xét, cân đối kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu của các địa phương, đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước còn 3.760,39 nghìn ha, điều chỉnh giảm thêm 52,04 nghìn ha so với Nghị quyết Quốc hội; đất chuyên trồng lúa nước là 3.128,96 nghìn ha, điều chỉnh giảm thêm 92,95 nghìn ha so với Nghị quyết Quốc hội. Trong 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa được giữ lại, có khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết vẫn quay lại trồng lúa được và diện tích này vẫn thống kê vào diện tích đất trồng lúa, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa. Theo tính toán của các chuyên gia, với 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa thì diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 7 triệu ha (hệ số sử dụng đất trồng lúa bình quân là 1,95 lần); với năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha/năm (Năng suất lúa bình quân cả nước năm 2010 là 53,4 tạ/ha, năm 2012 là 56,4 tạ/ha, năm 2014 là 57,6 tạ/ha) thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm, vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia theo Kết luận số 53-KL/TW ngày 05 tháng 8 năm 2009 của Bộ Chính trị.

 

Đối với đất rừng phòng hộ, đến năm 2020 đất rừng phòng hộ của cả nước là 4.618,44 nghìn ha, chiếm 28,43% diện tích đất lâm nghiệp của cả nước, điều chỉnh giảm 1.223,25 nghìn ha so với Nghị quyết Quốc hội (5.841,69 nghìn ha), trong đó: chủ yếu chuyển sang rừng sản xuất (trên 1.100 nghìn ha) nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đồng thời vẫn giữ được chức năng phòng hộ, đáp ứng mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu; một phần diện tích chuyển đổi sang rừng đặc dụng để thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan như: khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (Sơn La), Chí Sán (Hà Giang), khu rừng bảo vệ cảnh quan Kinh Môn (Hải Dương), khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (Thái Bình), khu bảo vệ cảnh quan Hương Sơn (Hà Nội), Văn hóa - lịch sử Nam Đàn (Nghệ An), khu bảo tồn loài Sao La, khu bảo tồn loài voi (Quảng Nam), vườn quốc gia Thất Sơn (An Giang),...

 

Đối với đất rừng đặc dụng, đến năm 2020 cả nước có 176 khu rừng đặc dụng (gồm: 34 vườn quốc gia; 58 khu bảo tồn thiên nhiên; 14 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 61 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học) với tổng diện tích 2.462,31 nghìn ha. Trong tổng số 2.462,31 nghìn ha đất thuộc khu rừng đặc dụng có 2.358,87 nghìn ha đất rừng đặc dụng, tăng 87,67 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt, còn lại 103,44 nghìn ha mặt nước ven biển, núi đá và đất khác ngoài lâm nghiệp được quy hoạch vào hệ thống các khu rừng đặc dụng.

 

Đối với đất rừng sản xuất, đến năm 2020, diện tích đất rừng sản xuất là 9.267,94 nghìn ha, điều chỉnh tăng 1.135,82 nghìn ha so chỉ tiêu Quốc hội duyệt, do một phần diện tích rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất, đồng thời tăng diện tích khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới hệ thống rừng sản xuất tại các vùng trong cả nước.

 

Đối với đất nuôi trồng thuỷ sản, trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm kỳ đầu, tiềm năng đất đai, định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, đề nghị đến năm 2020 đất nuôi trồng thủy sản là 767,96 nghìn ha (chiếm 2,84% diện tích đất nông nghiệp), tăng 78,13 nghìn ha so với năm 2010 và điều chỉnh giảm 22,04 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt.

Đối với đất làm muối, trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm kỳ đầu, định hướng phát triển sản xuất muối, đề nghị đến năm 2020 diện tích đất làm muối sẽ còn 14,50 nghìn ha, điều chỉnh giảm 0,28 nghìn ha so với Nghị quyết Quốc hội duyệt để chuyển sang nuôi trồng thủy sản tại các khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

 

Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái

Phương án Điều chỉnh, đến năm 2020 diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 4.780,24 nghìn ha, giảm 100,08 nghìn ha so với Nghị quyết Quốc hội duyệt.

 

Đối với đất quốc phòng, đến năm 2020 diện tích đất quốc phòng của cả nước là 340,96 nghìn ha,  điều chỉnh giảm thêm 47,07 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (388,03 nghìn ha). Nhưng so với Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 05/12/2014, đất quốc phòng điều chỉnh giảm 20,81 nghìn ha, trong đó một số địa phương điều chỉnh tăng như: Kon Tum tăng 8,02 nghìn ha, Phú Yên tăng 0,65 nghìn ha, Hà Giang tăng 0,50 nghìn ha, Điện Biên tăng 0,35 nghìn ha, Quảng Bình tăng 0,31 nghìn ha; một số địa phương điều chỉnh giảm như: Đắk Lắk giảm 21,17 nghìn ha, Gia Lai giảm 5,52 nghìn ha, Hà Nội giảm 3,25 nghìn ha, Quảng Ninh giảm 0,74 nghìn ha.

 

Đối với đất an ninh, đến năm 2020 đất an ninh của cả nước là 71,14  nghìn ha, điều chỉnh giảm 10,70 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (81,84 nghìn ha). Nhưng so với Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 05/12/2014, đất an ninh điều chỉnh tăng 1,97 nghìn ha, trong đó một số địa phương điều chỉnh tăng như: Quảng Trị tăng 994,66 ha, Bình Thuận tăng 238,34 ha, Cà Mau tăng 212,36 ha, Thanh Hóa tăng 155,54 ha, Nghệ An tăng 160,51 ha, Bắc Ninh tăng 82,74 ha, Ninh Bình tăng 79,00 ha,...

 

Đối với đất khu công nghiệp (gồm đất khu công nghiệp và đất khu chế xuất), chỉ tiêu Quốc hội duyệt đến năm 2020, đất khu công nghiệp có 200,01 nghìn ha, tăng thêm 96,69 nghìn ha so với năm 2015. Theo đề xuất của các địa phương đến năm 2020 đất khu công nghiệp là gần 203 nghìn ha, vượt so với chỉ tiêu Quốc hội cho phép 2,94 nghìn ha. Trong đó, có một số địa phương đề xuất tăng: Bình Dương tăng 15,05 nghìn ha so với năm 2010 (tăng thêm 8,33 nghìn ha so với Nghị quyết Chính phủ duyệt); Nghệ An tăng 6,66 nghìn ha so với năm 2010 (tăng thêm 0,80 nghìn ha so với Nghị quyết Chính phủ duyệt); Hưng Yên tăng 2,57 nghìn ha so với năm 2010 (tăng thêm 1,4 nghìn ha so với Nghị quyết Chính phủ duyệt)…

 

Sau khi cân đối giữa kết quả thực hiện, nhu cầu của các địa phương và kết quả rà soát, điều chỉnh các khu công nghiệp trong cả nước theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đến năm 2020 đất khu công nghiệp là 189,50 nghìn ha (điều chỉnh giảm 10,51 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt) với tổng số 549 khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm: 464 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế với quy mô diện tích là 140,23 nghìn ha, chiếm 74,00% diện tích đất khu công nghiệp; 85 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu với quy mô diện tích là 49,27 nghìn ha, chiếm 26,00% diện tích đất khu công nghiệp.

 

Đối với đất phát triển hạ tầng, trên cơ sở kết quả thực hiện quy hoạch đến năm 2015, đề xuất nhu cầu của các địa phương  và nhu cầu của các Bộ, ngành, đến năm 2020 đất phát triển hạ tầng là 1.561,39 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt đến năm 2020 là 1.578,42 nghìn ha thì đất phát triển hạ tầng sẽ điều chỉnh giảm 17,03 nghìn ha. Phương án điều chỉnh đối với một số loại đất phát triển hạ tầng như sau: Đất cơ sở văn hoá: đến năm 2020 có 27,82 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt là 20,43 nghìn ha thì đất cơ sở văn hóa điều chỉnh tăng thêm 7,39 nghìn ha; Đất cơ sở y tế: đến năm 2020 có 10,98 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 10,07 nghìn ha thì đất cơ sở y tế điều chỉnh tăng 0,91 nghìn ha; Đất cơ sở giáo dục - đào tạo: đến năm 2020 đất có 68,48 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 81,77 nghìn ha thì diện tích đất cơ sở giáo dục - đào tạo điều chỉnh giảm 13,31 nghìn ha; Đất cơ sở thể dục - thể thao: đến năm 2020 có 46,81 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội đã duyệt là 44,76 nghìn ha thì diện tích đất cơ sở thể dục - thể thao điều chỉnh tăng 2,05 nghìn ha. Trong số 46,81 nghìn ha đất cơ sở thể dục - thể thao có 10,98 nghìn ha thuộc 96 sân golf.

 

Đối với đất di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh, đến năm 2020 đất di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh là 35,19 nghìn ha. So với Nghị quyết Quốc hội duyệt năm 2020 là 27,72 nghìn ha thì đất di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh được điều chỉnh tăng 7,47 nghìn ha. Việc điều chỉnh tăng này chủ yếu do một số địa phương đề nghị công nhận thêm một số di tích (tại các tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bình Phước,…).

Đối với đất bãi thải, xử lý chất thải, đến năm 2020 đất bãi thải, xử lý chất thải có 21,91 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 20,94 nghìn ha thì đất bãi thải, xử lý chất thải sẽ được điều chỉnh tăng 0,97 nghìn ha. Diện tích này bao gồm cả đất để xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại và 55 ha đất để xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân.

 

Nâng cao hiệu quả đầu tư cải tạo, khai thác thác đất chưa sử dụng

Trong 5 năm tới (2016-2020), cần tập trung đầu tư cải tạo, khai thác thác đưa vào sử dụng 977,64 nghìn ha đất chưa sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp; đến năm 2020 diện tích đất chưa sử dụng của cả nước còn 1.310,36 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 1.483,28 nghìn ha thì đất chưa sử dụng sẽ giảm thêm là 172,92 nghìn ha.

 

Quy hoạch, nâng cao hiệu quả một số loại đất sử dụng đa mục đích

Luật Đất đai 2013 quy định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia có thêm 3 chỉ tiêu gồm: đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế, đất đô thị (Nghị quyết số 17/2011/QH13 của Quốc hội không xét duyệt 3 chỉ tiêu này). Đây là 3 chỉ tiêu có tính tổng hợp, khoanh định theo không gian sử dụng, trong mỗi chỉ tiêu này có nhiều loại đất khác nhau như: đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở, đất hạ tầng… Cụ thể như sau: (i) Đất khu công nghệ cao, đến năm 2020 cả nước có 3 khu công nghệ cao với diện tích 3,63 nghìn ha (Khu công nghệ cao Hòa Lạc: 1.586 ha; Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh: 913 ha; Khu công nghệ cao Đà Nẵng: 1.130 ha). (ii) Đất khu kinh tế, đến năm 2020 cả nước sẽ phát triển 42 khu kinh tế, gồm 16 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch, với tổng diện tích 1.582,97 nghìn ha, gồm: 16 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích tự nhiên là 813,97 nghìn ha (diện tích đất liền 523,79 nghìn ha, diện tích mặt biển 290,18 nghìn ha); 26 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích 768,99 nghìn ha (diện tích đất liền 713,99 nghìn ha, diện tích mặt biển 55 nghìn ha). (iii) Đất đô thị, theo dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bộ dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII đã được trình ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (tháng 01/2015), đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa là 38 - 40% với khoảng 38 - 40 triệu dân đô thị. Như vậy, mức dự báo tỷ lệ đô thị hóa đã giảm xuống (Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 là 45%). Để đáp ứng tỷ lệ đô thị hóa theo dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đến năm 2020 đất đô thị có diện tích là 1.941,74 nghìn ha, tăng 424,59 nghìn so với năm 2010 và tăng 299,32 nghìn ha so với năm 2015. Riêng đất ở tại đô thị có 199,13 nghìn ha, chiếm 10,25% đất đô thị (bình quân có 50 m2/người).

Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện nội dung Phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia trước khi trình Quốc hội phê chuẩn. Tải nội dung dự thảo góp ý tại đây.

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TNMT.

 


Số lượt người xem: 3544    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm