• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
0
5
7
6
4
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 07 Tháng Mười Một 2015 9:25:00 SA

Quy hoạch phát triển TPHCM theo hướng nào? Bài 2: Đi cùng bước chân của người dân


Như bài trước chúng tôi đã phản ánh, tình trạng đô thị hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ ở nhiều quận huyện thuộc hướng Bắc và Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên, động thái của các sở ngành chức năng chủ yếu mới dừng ở mức lập quy hoạch và chuẩn bị thực hiện quy hoạch. Theo nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thành phố.

 

Thay đổi quan điểm quy hoạch

 

Là hướng phát triển đô thị phụ nên những năm qua, các địa phương thuộc hướng Bắc và Tây Bắc không được đầu tư nhiều như các hướng phát triển chính khác. Hiện nay, theo ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, đi về phía Bắc và Tây Bắc, cơ bản chỉ có đường Xuyên Á. Hiện nay, nhiều tuyến đường kết nối với đường Xuyên Á cũng như từ nội thành ra các quận huyện phía Bắc và Tây Bắc như đường Cộng Hòa, Trường Chinh… thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

Nhà san sát bên đường Trường Chinh. Ảnh: CAO THĂNG

 

Đường giao thông trong khu vực nội bộ các quận huyện phía Bắc và Tây Bắc đa phần là đường nhỏ, được xây dựng theo chương trình bê tông hóa đường nông thôn và mới đây nhất là theo chương trình nông thôn mới. Ngoài các tuyến xe buýt lên tới huyện Củ Chi, quy hoạch hệ thống metro và các hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác cũng chưa thấy xác định kéo tuyến lên vùng đất này. Trao đổi với Báo SGGP, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết đây chính là nguyên nhân quan trọng làm cho các nhà đầu tư phát triển đô thị không mặn mà với vùng đất này. Còn theo ông Hoàng Minh Trí, đồ án quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc xác định một trong những chức năng chính của đô thị này là giáo dục. Nhiều đại diện các trường đại học trong và ngoài nước đã đến xem xét thực địa khu đất được quy hoạch làm đô thị Tây Bắc với ý định sẽ đầu tư xây dựng trường học, song đa phần họ đã thay đổi ý định của mình bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại kết nối đến đô thị này chưa có và cũng chẳng biết bao giờ sẽ có.

 

Thay đổi quan điểm quy hoạch, theo ông Hoàng Minh Trí là điều kiện đầu tiên mà TPHCM phải làm nhằm “đi cùng bước chân” với người dân trong việc phát triển đô thị ở đây. Không phải ngẫu nhiên, người dân chọn vùng đất phía Bắc và Tây Bắc để sinh sống. Khu vực này có địa chất tốt, chi phí xây dựng vì thế thấp. Đây còn là vùng đất cao, ít khi bị ngập. “Nên chăng, đưa hướng Bắc và Tây Bắc trở thành một trong những hướng phát triển chính của thành phố, để thành phố có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho hướng này?”, ông Hoàng Minh Trí đặt vấn đề. “Thành phố cứ đi sau người dân trong việc phát triển đô thị, cứ để đô thị phát triển như vết dầu loang mà không có sự kiểm soát kịp thời như hiện nay thì “cái giá” về vật chất, môi trường phải trả về sau này sẽ rất lớn”, ông Võ Kim Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch TPHCM, nhận định như vậy khi nói về tính cần thiết trong việc điều chỉnh lại quy hoạch khu vực với thực tế đang diễn ra. “Sau này, thành phố muốn làm đường, xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, trường học, bệnh viện… một cách bài bản, sẽ lại phải “xới tung” các khu dân cư tự phát hiện nay. Việc này không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn tốn tiền, tốn thời gian”, ông Võ Kim Cương nói.    

 

Xây dựng cơ chế đặc biệt

 

Trở lại với tổ công tác xây dựng kế hoạch huy động vốn, kêu gọi đầu tư cho 10 khu vực dọc sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, tổ công tác sẽ nghiên cứu và đề xuất cho thực hiện những cơ chế đặc biệt nhằm kêu gọi đầu tư; đề nghị thành phố đầu tư “làm mồi” một số công trình cụ thể nhằm “kéo” các nhà đầu tư khác vào. Có thể là một số công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính chất khung, huyết mạch, không chỉ kết nối với nội thành hiện hữu mà còn với cả tỉnh Tây Ninh để phát triển kinh tế vùng. “Cần mở các nút thắt, nút cổ chai trên các tuyến đường hiện hữu kết nối nội thành với quận 12, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và đặc biệt nên xem xét “nối dài” tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương tới thị trấn Củ Chi, đô thị mới Tây Bắc. Nếu được, đầu tư mở rộng đường song hành với đường Xuyên Á để giao thông thông suốt hơn”, ông Hoàng Minh Trí nói.

 

Điều quan trọng khác, nên tăng cường công tác quản lý đô thị các vùng đất này, hạn chế đến mức tối đa tình trạng phát triển như vết dầu loang. Theo ông Lê Hoàng Châu, tuy hiện nay thị trường bất động sản còn khó khăn, nhưng khu vực này vẫn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Nếu TPHCM phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư.

 

 

Nguồn: Báo SGGP.


Số lượt người xem: 3864    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm