• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
3
7
9
8
5
Tin tức sự kiện 10 Tháng Tư 2015 8:25:00 SA

Công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp

Hiện nay, Nam Trung Bộ đang trải qua những ngày hạn hán khủng khiếp chưa biết đến bao giờ kết thúc, trong khi cách đó chưa lâu, TP.HCM lại ứ ngập nước do triều cường mỗi ngày; Và trong khi những khu rừng ở Tây Bắc, Tây Nguyên những ngày này đang khô nỏ với cảnh báo cháy rừng ở mức nguy hiểm nhất, thì Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc lại đang trải qua những đợt mưa ẩm liên miên khiến nông dân mất mùa nông sản... Những biến động thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra gần đây khiến người ta không thể không tự hỏi: Điều gì đang xảy ra? bao giờ thì nó chấm dứt? Chúng ta có làm được gì để thay đổi nó không? Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 5/4/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã phần nào giải đáp được những trăn trở này.

 

 




Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối ngày 5/4/2015.

 
 
 

PV: Thưa Bộ trưởng, một bức thư mà chúng tôi đã nhận được bằng cả hai cách là qua email và qua đường bưu chính là của một nhóm cư dân ở Bến Tre. Họ là những hộ nông dân nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề vì tình trạng ngập mặn ở đây đang tìm cách để hoãn trả các khoản vay ngân hàng. Trong bức thư, có một câu hỏi khiến tôi bị ám ảnh, xin được đọc nguyên văn: “Thưa Bộ trưởng, điều gì đang xảy ra ở đây vậy? Dường như nó đang càng ngày càng nặng lên?”. Bộ trưởng có một lời giải thích nào cho họ không?

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tôi rất chia sẻ với bà con về vấn đề này. Nguyên nhân dẫn tới trình trạng như người dân vừa nêu là do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề của toàn cầu, là một thách thức đối với nhân loại trong thế kỉ 21 này.

 

Nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu thì có nhiều, nhưng trong đó có hoạt động về phát triển kinh tế của con người dẫn tới việc phát thải khí nhà kính ngày càng tăng lên và trái đất của chúng ta sẽ ấm dần lên hay nói cách khác là nhiệt độ sẽ tăng lên. Và kết quả như chúng ta đã biết là nước biển sẽ dâng lên, tất nhiên là sẽ còn tùy theo thời gian.

 

Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất của BĐKH. Chỉ tính trong 10 năm qua (2001-2010), thiên tai đã làm thiệt hại khá lớn về người và tài sản.

 

Số người mất tích và số người chết khoảng 9.500 người, GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5%.

 

Chúng tôi muốn thông tin một việc rất quan trọng là kịch bản về biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu là vào cuối thế kỷ này, tức là năm 2100 thì nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C, kéo theo đó là mực nước biển có thể cao lên khoảng 1m so với giai đoạn 1980 đến 1999.

 

Nếu nước biển tăng lên cao 1m thì sẽ dẫn tới hậu quả là Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta sẽ ngập đến 39% diện tích và riêng thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, trung tâm kinh tế chính trị của chúng ta sẽ ngập khoảng 20% diện tích, còn các tỉnh đồng bằng sông Hồng mà có biển thì ngập khoảng 10%, các tỉnh miền Trung khoảng 3%, khoảng 10% -12% dân số của ta cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và tổn thất khoảng 10% GDP/năm.  

 

   

  Bản đồ nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng 1m 

 

PV: Vâng, chắc là Bộ trưởng đang nhắc tới những con số trên Bản đồ ngập úng nếu nước biển dâng lên 1m. Đồng Bằng sông Cửu Long phủ một màu đỏ, màu biểu thị ngập nước. Kiên Giang, Hậu Giang mất tới hơn 70% diện tích. Và kịch bản này sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ 21 này nếu chúng ta không có biện pháp ứng phó? Chính phủ đã có những giải pháp gì nhằm ứng phó với BĐKH?

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trước tình hình thực tế diễn ra như vậy, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Và giải pháp đầu tiên là phải tuyên truyền, quán triệt thực hiện mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương về ứng phó với Biến đổi khí hậu.

 

Theo đó, ứng phó với BĐKH phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Tiến hành đồng thời các biện pháp nhằm thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

 

BĐKH không chỉ có thách thức mà bên cạnh đó còn có cả cơ hội. Ví dụ bây giờ các tỉnh có biển do có xâm nhập mặn như vậy thì chúng ta có thể có những sự chuyển đổi.

 

Hiện nay, chúng ta đang tập trung để sản xuất lương thực và chủ yếu là lúa gạo, có thể thông qua đây những vùng xâm nhập mặn mà chúng ta có thể chuyển sang cây trồng khác phù hợp với điều kiện nước mặn như vậy.

 

Bây giờ phải xác định thích nghi, giảm nhẹ, ứng phó, tức là phải tập trung các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Trung ương đã xác định rõ thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hai thiên tai, trọng tâm là thích ứng.

 

Mục tiêu từ nay cho đến năm 2020 thì chúng ta tập trung về vấn đề thích ứng là chính giai đoạn sau đến năm 2050 thì lúc đó có thể chúng ta có điều kiện hơn, có nguồn lực hơn thì có thể biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu này.     

 

Một số nhiệm vụ được đề ra là: (1) Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; (2) Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn; (3) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

 

Trong thời gian qua, Chính phủ giao Bộ TN&MT xây dựng, công bố các kịch bản BĐKH, nước biển dâng để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp. Các kịch bản được xây dựng lần đầu năm 2009, cập nhật năm 2012 và dự kiến cuối năm nay sẽ có kết quả cập nhật lần thứ hai; sau đó cứ 5 năm cập nhật kịch bản một lần. 

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; chỉ đạo rà soát các quy hoạch. Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch Châu thổ ĐBSCL với cách tiếp cận mới, mang tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, dài hạn, có tính bền vững cao.

 

Đẩy mạnh vận động hỗ trợ của quốc tế, tranh thủ các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ để phục vụ ứng phó với BĐKH. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2014-2015, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH các tổ chức quốc tế đã cho vay, hỗ trợ trên 4.000 tỷ đồng để Việt Nam triển khai các giải pháp thích ứng.

 

PV: Tôi chưa nhìn thấy một chương trình hành động nào đó cụ thể kiểu như Hà Lan đã xây đê bao quốc gia để chống lại nước biển dâng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Hà Lan là một nước nằm dưới mặt nước biển từ 0,5 -1m nên họ có biện pháp là xây đê bao xung quanh đất nước. Trước đây có thể xem đó là tốt nhưng đến bây giờ thì ngay người Hà Lan họ cũng cho rằng là cần phải xem lại.

 

Đó là một kinh nghiệm cho thấy là việc Nghị quyết 24 của chúng ta thay đổi chủ trương từ “đối phó với biến đổi khí hậu” thành “thích ứng rồi đến ứng phó với BĐKH” như đã nêu trên.

 

Vừa qua nhờ có sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan và căn cứ vào Nghị quyết 24 của Trung ương, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu đã chỉ đạo xây dựng một chương trình kế hoạch châu thổ của đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch này có cách tiếp mới, mang tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, dài hạn và có tính bền vững cao. Cách tiếp cận mới này được nghiên cứu kỹ lưỡng từ bài học Công trình đầu tư đê biển kiên cố với nguồn lực đầu tư quá lớn của Hà Lan xây dựng cách đây hơn một nửa thế kỷ và đến nay cho thấy đó chưa phải là giải pháp tối ưu. Rút kinh nghiệm ở Hà Lan, chúng ta chủ trương triển khai theo hướng thích ứng là chính.  

 

PV: Thời gian không còn nhiều, xin gửi tới Bộ trưởng một câu hỏi khác: “Tôi có cảm giác ở Việt Nam, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu lâu nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức, nhiều người vẫn coi là chuyện ở tận đâu đâu. Nhưng vừa rồi tôi được biết Chính phủ đã quyết định phân bổ 3.000 tỷ đồng cho Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, không rõ thế là nhiều hay ít, nhưng Bộ trưởng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có giải pháp trọng tâm gì để khắc phục được vấn đề này trong thời gian tới hay chưa?

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đúng như vậy, không ít người trong số chúng ta vẫn coi vấn đề BĐKH không phải là trách nhiệm của mình, dẫn đến nhận thức, ý thức, hành động còn nhiều lúng túng.

 

Trong năm 2015 này, Chính phủ đã dành riêng 3000 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động ưu tiên cấp bách nhằm thích ứng với BĐKH. Tuy còn quá ít so với nhu cầu đầu tư của các địa phương, song đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ.

 

Mới đây, Ủy ban quốc gia về BĐKH đã họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhấn mạnh phải rà soát cập nhật các quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư trong 5 năm tới cho hoạt động trồng rừng gắn với xây dựng “đê mềm” chắn sóng, xây dựng các cống ngăn mặn và hạn chế ngập lụt đối với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ; đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của Nhà nước, sự hỗ trợ của quốc tế, cần có sự vào cuộc thực sự của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các doanh nghiệp.

 

Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu đầu tư cho thích ứng với BĐKH, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh vận động tài trợ quốc tế cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động ứng phó với BĐKH.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo Website Bộ TNMT.

 


Số lượt người xem: 3477    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm