• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
4
1
3
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 30 Tháng Chín 2015 7:55:00 SA

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945 - 2/10/2015) và đón nhận các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng

 



Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

 

Sáng ngày 29/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945 - 2/10/2015) và đón nhận các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng cho Ngành về những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trên chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển. Đến dự buổi lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; đồng chí Mai Ái Trực, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT; đồng chí Phạm Khôi Nguyên, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT.
 

 

Đến dự buổi lễ còn có các đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BCH Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT; đồng chí Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí là nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ TN&MT: Phạm Quốc Tường, Đỗ Hải Dũng, Đặng Hùng Võ, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Mạnh Hiển. Buổi lễ còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ; UBND và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản; các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí, phát thanh và truyền hình. Đặc biệt, còn có Đoàn đại biểu của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do ông Khampha Phommakaysone, quyền Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Lào dẫn đầu; Đoàn đại biểu đến từ Vương quốc Campuchia do ông Yos Mony Rath, Tổng cục trưởng Tổng cục Tài nguyên Khoáng sản dẫn đầu; ông Adichat Surikum, Tổng thư ký Ủy ban phối hợp điều tra tài nguyên khoáng sản ngoài khơi châu Á (CCOP). 

 

Về phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có: lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục qua các thời kỳ; các Liên đoàn Địa chất cùng các cán bộ, công nhân viên của Ngành đã nghỉ hưu; đại điện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

 

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

 

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam là dịp để tôn vinh và ôn lại quá trình xây dựng phấn đấu và trưởng thành của rất nhiều các thế hệ những người làm công tác địa chất đã lập nên những thành tích xuất sắc, làm vẻ vang cho ngành trong suốt 70 năm qua. Đây cũng là cơ hội để những nhà địa chất bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc sẻ chia của nhân dân đối với ngành, là động lực để khơi dậy ý chí, nghị lực và thắp sáng thêm ngọn lửa cho những người làm địa chất trẻ hôm nay tiếp tục kế tục sự nghiệp mà cha anh đã để lại, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

 

“Địa chất Việt Nam - 70 năm phát triển và trưởng thành”

 

Ngày 02 tháng 10 năm 1945, Bộ Quốc dân kinh tế ban hành Nghị định về việc tổ chức lại các cơ quan của Bộ, trong đó có Nha Kỹ nghệ. Đó là tổ chức tiền thân của Ngành Địa chất ViệtNam. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thời điểm lịch sử với nhiều tên gọi và phát triển thành nhiều tổ chức khác nhau, nhưng Ngành Địa chất vẫn luôn được duy trì, phát triển và trưởng thành một cách vững chắc, đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã đọc Diễn văn “Địa chất Việt Nam - 70 năm phát triển và trưởng thành”.

 

Đồng chí Trần Hồng Hà cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, với quyết tâm phấn đấu, 70 năm qua Ngành Địa chất Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động Ngành Địa chất dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình, vẫn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm, vừa chiến đấu trên mặt trận bảo vệ tổ quốc, vừa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thầm lặng làm việc ở những vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo để tìm kiếm tài nguyên, làm giàu cho Tổ quốc. Những sự cống hiến và hy sinh thầm lặng đó của các thế hệ những nhà địa chất ViệtNamđã góp phần không nhỏ vào những thành tích, những dấu mốc quan trọng của ngành. Điều đó được thể hiện trên các mặt như:

 

Về công tác điều tra cơ bản: đã triển khai có tính hệ thống, đồng bộ, tự lực, phù hợp với xu hướng khoa học của thế giới công tác điều tra địa chất và khoáng sản; đã hoàn thành bộ bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1963) kèm theo sách chuyên khảo thuyết minh (năm 1965), hoàn thành Bản đồ khoáng sản miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1972; đã thành lập và xuất bản Bản đồ địa chất Việt Nam, Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 là dấu mốc quan trọng, định hướng cho công tác nghiên cứu, điều tra địa chất, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, góp phần quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước…; đã đẩy mạnh nhiệm vụ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản ở các tỷ lệ; tăng cường công tác nghiên cứu chuyên sâu về cổ sinh-địa tầng, thạch luận, kiến tạo, địa mạo, sinh khoáng, địa hóa, địa vật lý, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa chất đô thị…

 

Về công tác tìm kiếm, đánh giá khoáng sản: Việc tìm kiếm, đánh giá khoáng sản là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành Địa chất nhằm bảo đảm an ninh nguyên liệu khoáng sản góp phần phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp ở nước ta. Trước năm 1990, các đơn vị địa chất đã tìm kiếm, phát hiện và thăm dò nhiều vùng mỏ, điểm khoáng sản như than, quặng sắt, đồng, thiếc, chì-kẽm, bauxit, đất hiếm, apatit, graphit, đá vôi xi măng, kaolin, felspat, đất sét v.v... Đến nay có hơn 5000 điểm quặng, mỏ khoáng của trên 60 loại khoáng sản đã được điều tra, đánh giá và một số mỏ đã và đang đánh giá ở phần dưới sâu. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, trên cơ sở điều tra, đánh giá một cách có hệ thống đã làm rõ hơn một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn làm cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khai thác - chế biến như: ti tan, bauxit, apatit, đất hiếm, than, urani, cát trắng, đá ốp lát, đá hoa trắng, đá vôi xi măng. Đây chính là tiền đề để hình thành và phát triển thành các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước trong ngành khai khoáng hiện nay như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam v.v...

 

Nhờ đó, từ chỗ chỉ có một số mỏ như thiếc Tĩnh Túc, vàng Bồng Miêu, Chợ Bến, antimon Chiêm Hóa, photphorit Nghệ An, than Đầm Đùn, Khe Bố v.v.. được khai thác ở giai đoạn đầu, đến nay đã có nhiều mỏ than, khoáng sản kim loại, phi kim loại, vật liệu xây dựng, vật liệu xi măng, nước khoáng v.v... đang được khai thác, chế biến trên phạm vi cả nước. Giá trị sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng ngày càng gia tăng, góp phần quan trọng vào tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm. Giá trị sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng trung bình chiếm khoảng từ 10-12% GDP và đóng góp trung bình từ 25-30% vào tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm.

 

Về công tác quản lý nhà nước: Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến nay các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và khoáng sản đã từng bước được xây dựng, bổ sung và hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, hoạt động thanh tra, kiểm tra đã từng bước được tăng cường. Hàng năm, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề, định kỳ trên phạm vi toàn quốc, qua đó, đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản.

 

Về công tác hợp tác quốc tế: Quan hệ hợp tác quốc tế về địa chất và khoáng sản ngày càng được củng cố, tăng cường, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế của đất nước, qua đó từng bước nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế về địa chất và khoáng sản.

 

Về công tác phát triển nguồn nhân lực: với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã từng bước được tăng cường, đổi mới cả về lượng và chất, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa năng lực của các cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ngành trong giai đoạn mới. Hiện nay, Ngành đang có lực lượng cán bộ chất lượng cao với hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hàng ngàn kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn giỏi, dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên ngành khoa học địa chất.

 

Cùng với công tác đào tạo, Ngành Địa chất đã và đang từng bước đổi mới thiết bị, hiện đại hóa các phòng phân tích thí nghiệm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học, các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác tổng hợp, nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản.

 

Về công tác xã hội: Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước còn khó khăn, qua nhiều thay đổi về tổ chức, sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy, Ngành Địa chất vẫn từng bước ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời thực hiện tốt công tác chính sách, xã hội, đóng góp xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp to lớn và nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức Ngành Địa chất Việt Nam. Qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Địa chất Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong các lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản về khoa học trái đất; điều tra, đánh giá và thăm dò, khai thác khoáng sản; điều tra địa chất môi trường, địa chất tai biến. Một số công trình, cụm công trình đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và trao tặng các phần thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Đặc biệt là những kết quả điều tra, đánh giá trong những năm gần đây về khoáng sản titan-zircon, bau - xit, than, urani... đã góp phần quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản luôn được tăng cường và có hiệu quả. Đặc biệt, Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cơ bản đầy đủ, đã thể chế hoá được các quan điểm, chính sách mới của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng; năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương đã được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.  

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, Ngành Địa chất Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là năm 2010 Ngành đã được tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quí nhất của Nhà nước. Đây là một vinh dự to lớn dành cho Ngành Địa chất Việt Nam.

 

Ngành Địa chất Việt Nam: Vững vàng tiếp bước trên con đường hội nhập

 

“Tiếp tục phát huy truyền thống 70 năm, đoàn kết, nhất trí, thi đua yêu nước, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu cấp thiết về tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định. 

 

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 02-NQ/TW), Ngành cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; tập trung đổi mới về tổ chức, cơ chế chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cả ở đất liền, vùng biển, khoáng sản ẩn sâu và làm rõ hơn về tiềm năng khoáng sản của đất nước; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác điều tra địa chất khoáng sản; tăng cường tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, hiện đại để từng bước đổi mới thiết bị, công nghệ trong nghiên cứu, phân tích thí nghiệm, điều tra, thăm dò; đẩy mạnh công tác điều tra tai biến, địa chất môi trường và các hoạt động nghiên cứu về địa động lực hiện đại, các diện tích chứa khoáng sản độc hại nhằm góp phần chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

 

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và truyền thống tốt đẹp trong suốt 70 năm qua của Ngành Địa chất Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị toàn Ngành tiếp tục quán triệt để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103-NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Theo đó, đánh giá các chính sách, quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; đẩy mạnh công tác lập bản đồ địa chất - khoáng sản 1:50.000, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, nhất là các khoáng sản ẩn sâu, có tính chất chiến lược, điều tra, đánh giá khoáng sản biển; nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản để kiểm soát tốt, chặt chẽ hơn khoáng sản nhằm thiết lập tài khoản quốc gia về tài nguyên khoáng sản, hạch toán trong nền kinh tế như nhiệm vụ Nghị quyết số 24 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng lực lượng các nhà địa chất đủ năng lực quản lý hiệu quả, có trình độ chuyên môn giỏi và công nghệ hiện đại; tăng cường và đa dạng hóa nguồn kinh phí, từng bước kinh tế hóa ngành điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản.

 

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để Ngành Địa chất Việt Nam nói chung, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, niềm tin yêu, sự đùm bọc của nhân dân.

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Đình Long  - nhà địa chất lão thành, anh hùng lao động, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ Địa chất cảm thấy vinh dự và tự hào được đứng trong hàng ngũ của những người Địa chất Việt Nam. Là người đã từng làm công tác địa chất lâu năm, cũng như những đồng nghiệp khác, ông vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Chính phủ thời gian qua đối với Ngành Địa chất. 

Ông Trương Đình Long  - nhà địa chất lão thành, anh hùng lao động, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ Địa chất phát biểu tại buổi lễ

 

Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những thành tích mà Ngành đã đạt được thời gian qua, sự ghi nhận của xã hội, của doanh nghiệp đối với kết quả đạt được của ngành đã đem lại cho các ngành kinh tế thật đáng tự hào những cũng là nhiệm vụ nặng nề đối với Ngành Địa chất thời gian tới.

 

“Thế hệ những người địa chất ngày nay, các bạn đã có những kiến thức mới hơn, cập nhật hơn, đã có phương tiện, thiết bị hỗ trợ tốt hơn cho công việc của người địa chất đỡ vất vả hơn, hiệu quả hơn, nền kinh tế đất nước đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội hơn, cùng nhiều thách thức hơn. Với những thành tích xuất sắc mà Ngành Địa chất đã đạt được thời gian qua, với truyền thống sẵn có nhất là tính tự lập, sự sáng tạo của Người Địa chất, chúng tôi những người thế hệ đi trước tin tưởng rằng những người làm địa chất ngày nay sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao để viết tiếp vào trang sử vẻ vang của Ngành trong thời gian tới” - Ông Trương Đình Long chia sẻ.

 

Phát biểu bế mạc tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt  Nam đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành và tri ân đến sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ TN&MT, các đồng chí lão thành ngành Địa chất; các đồng chí lãnh đạo UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện, giúp đỡ Tổng cục trong suốt 70 năm qua. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng chí là sự động viên, niềm cổ vũ lớn lao đối với những người làm địa chất, khoáng sản nói chung và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng.

 

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt  Nam phát biểu tại buổi lễ

 

Ông Đỗ Cảnh Dương cũng xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, những lời căn dặn cũng như các nhiệm vụ đó và xin hứa: toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Tổng cục đoàn kết một lòng, phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, cùng với những người làm công tác địa chất, khoáng sản trong các lĩnh vực khác hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước.

 

Tại buổi lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Nguyễn Văn Thuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Thứ trưởng Trần Hồng Hà trao tặng Cờ thi đua của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho Đảng bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” tiêu biểu 5 năm liền 2010 - 2014.

 

Một số hình ảnh trao tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý tại buổi lễ:

 


Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Nguyễn Văn Thuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

 

Thứ trưởng Trần Hồng Hà trao tặng Cờ thi đua của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho Đảng bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

 

 

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 4335    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm