• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
0
0
0
1
3
Tin tức sự kiện 29 Tháng Bảy 2013 1:50:00 CH

“Đau đầu” giải quyết cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

Để cải thiện chất lượng môi trường sống, hướng đến phát triển TPHCM trở thành thành phố xanh, hơn 1.300 doanh nghiệp đã phải di dời, chuyển đổi hoạt động sản xuất hoặc ngưng hoạt động. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề thuộc diện gây ô nhiễm môi trường phải di dời giai đoạn 2003 - 2006 gặp nhiều khó khăn vì thiếu sự đồng bộ trong hạ tầng khu tiếp nhận đến đã khiến cho thành phố một lần nữa phải đối diện với thực trạng tái diễn ô nhiễm môi trường.

Đi không được, ở không xong

Đó là tâm lý của hầu hết các doanh nghiệp được xem là đang hoạt động những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường. Đại diện UBND quận 12 khẳng định, nhiều doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với huyện để bày tỏ những khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như di dời cơ sở sản xuất. Nếu tiếp tục hoạt động thì bị người dân phản đối, gửi đơn thư khiếu kiện. Còn di dời đến nơi khác thì chỗ nào tiếp nhận. Chủ doanh nghiệp đã tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do khác nhau. Có đơn vị không tiếp nhận vì đây là những doanh nghiệp hoạt động ngành nghề phát sinh ô nhiễm. Cũng có đơn vị không tiếp nhận vì không có diện tích đất nhỏ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp không thể di dời vì không đủ vốn.

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện nay, huyện Bình Chánh có khoảng 600 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phát sinh. Điều tra thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở này là những doanh nghiệp nằm trong danh sách cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực nội thành giai đoạn 2003. Để ứng phó với thực tế phải di dời ra khỏi khu vực dân cư nội thành, một số cơ sở đã chuyển đổi ngành nghề sản xuất không phát sinh ô nhiễm. Còn phần lớn là di dời về vùng phụ cận. Huyện Bình Chánh được xem là một trong những khu vực hứng chịu nhiều nhất các cơ sở ô nhiễm di dời ra.

Tương tự trường hợp quận 12 và Bình Chánh, những quận huyện khác như quận 7, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình và Tân Phú… cũng đang tồn tại rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Thậm chí, ngay tại những quận nội thành như quận 5, quận 6 cũng tồn tại nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô gia đình đang gây ô nhiễm địa bàn dân cư sinh sống. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6 khẳng định, thống kê danh sách doanh nghiệp gây ô nhiễm thì dễ nhưng làm thế nào để giải quyết triệt để thực trạng này thì cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp.

Hàng loạt cơ sở sản xuất dễ phát sinh ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 nằm sát kênh Tham Lương. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Khó cũng phải xử lý

Ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là đúng. Chỉ có điều cách thực hiện chưa đồng bộ đã khiến cho thực trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục tái sinh. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra các vùng phụ cận và khu sản xuất tập trung trong khi chưa có sự đáp ứng kịp thời về hạ tầng tiếp nhận dẫn đến tái diễn hình thành những cụm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tập trung. Sở Công thương TPHCM cũng cho biết thêm, hiện thành phố có khoảng 30 cụm công nghiệp nhưng chỉ có 2 trong số đó là đã kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng. Số còn lại chưa thể tìm thấy chủ đầu tư hạ tầng. Mặt khác, hiện thành phố cũng chưa có chính sách ưu đãi, chính sách quản lý cho chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp giống như khu công nghiệp nên không hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, việc doanh nghiệp kể khó thì chắc chắn phải ghi nhận nhưng không thể vì thế mà cho phép họ sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Giai đoạn năm 2003, thành phố đã có chính sách hỗ trợ nhưng tại thời điểm hiện nay thì không thể tiếp tục lấy tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm. Bản thân doanh nghiệp nếu sản xuất gây ô nhiễm thì sẽ kiên quyết xử lý theo Luật Bảo vệ môi trường, còn nếu doanh nghiệp muốn di dời thì họ sẽ phải tự cân đối nguồn vốn, thậm chí có thể chuyển nhượng vị trí đất nơi họ đang sản xuất để lấy vốn di dời.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cũng chỉ đạo Sở Công thương rà soát lại tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp để tạo điểm đến thuận lợi cho doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ. Về phía Sở Công thương nghiên cứu sáp nhập 2 ban chỉ đạo là ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất theo quy hoạch và di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong đó, phân tích rõ đối tượng cơ sở nào thuộc diện gây ô nhiễm phải di dời theo quy hoạch, cơ sở gây ô nhiễm phải di dời dù phù hợp quy hoạch; và cơ sở sản xuất không gây ô nhiễm nhưng không phù hợp quy hoạch. Điều đáng nói, trong đợt rà soát tổng thể này, thành phố sẽ kiểm tra tổng thể việc quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp sản xuất không gây ô nhiễm, phù hợp quy hoạch nhưng vẫn bị các quận huyện cố ý làm sai quy hoạch để đuổi doanh nghiệp đi, gây ảnh hưởng, nhũng nhiễu hoạt động sản xuất doanh nghiệp.

MINH XUÂN


Số lượt người xem: 7454    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm