■  Danh sách các đơn vị hoạt động đo đạc bản đồ trên địa bàn TPHCM (cập nhật đến ngày 09/05/2024)  (10/05)
■  Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà đã xây dựng của Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức  (09/05)
■  Thông báo kết quả kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, công trình xây dựng của chủ đầu tư  (09/05)
■  Lấy ý kiến góp ý Dự thảo “Quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và điện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”  (08/05)
■  Công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của dự án “Xây dựng mới khối nhà A trụ sở Sở Xây dựng” tại số 60 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, Quận 3 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp  (07/05)
■  Công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường  (07/05)
■  Công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án “Đầu tư xây dựng Tổ hợp dịch vụ Thương mại” tại số 02 Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự  (07/05)
■  Đăng tải chọn cạnh tranh đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá khu đất tại số 737-739 Trần Hưng Đạo phường 1, quận 5  (07/05)
■  Đăng tải chọn cạnh tranh đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá khu đất tại số 32 Ngô Thời Nhiệm, Phường 7, Quận 3 do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 sử dụng  (07/05)
■  Công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án đầu tư “ Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức (Cơ Sở 2)” tại phường An Phú Đông, Quận 12 của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức  (07/05)
 
  • Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
6
1
0
8
3
Thông tin hoạt động 07 Tháng Năm 2012 2:20:00 CH

Tình hình thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015 (Kết quả năm 2011 và kế hoạch năm 2012)

BÁO CÁO

Tình hình thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường

giai đoạn 2011 – 2015 (Kết quả năm 2011 và kế hoạch năm 2012)

 

Bảo vệ môi trường được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ “Coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX có nêu “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, làm tốt vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Nghị quyết đã đề ra 6 Chương trình đột phá cần phải thực hiện, trong đó có Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, Thành ủy đã ban hành chương trình hành động số 14-Ctr/TU ngày 16/3/2011 và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015.

Ngày 21/12/2011, Ủy ban nhân dân thành phố có Công văn số 6537/UBND-THKH chỉ đạo báo cáo kết quả 01 năm thực hiện 06 chương trình đột phá và xây dựng kế hoạch năm 2012.

Ngày 01/3/2012, Ủy ban nhân dân thành phố có Thông báo số 108/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo một số nội dung nhằm hoàn thiện Báo cáo Chương trình giảm ô nhiễm môi trường năm 2011 để trình bày tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình triển khai thực hiện như sau:

          I. KHÁI QUÁT VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015:

          1. Mục tiêu:

          Nhằm ngăn chặn, không làm ô nhiễm môi trường tăng lên (ô nhiễm nước mặt, không khí, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại), khắc phục ô nhiễm và khôi phục môi trường những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, từng bước cải thiện chất lượng môi trường ngày càng tốt hơn. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được:

          - Đến cuối năm 2015: thu gom, lưu giữ, xử lý đạt 100% chất thải rắn thông thường đô thị (chất thải rắn sinh hoạt đô thị - chất thải rắn công nghiệp), chất thải rắn nguy hại – chất thải rắn y tế, nước thải công nghiệp và y tế; 100% khu công nghiệp – khu chế xuất và cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam.

          - Một số chỉ tiêu cụ thể:

STT

LĨNH VỰC

CHỈ TIÊU

TỶ LỆ

(%)

1

Quản lý môi trường

Cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam

80-90

Khu công nghiệp – khu chế xuất và cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam

100

Khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung

90

Khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải tập trung

50

Giảm thiểu mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt nội thành

80

Giảm thiểu mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt của ngoại thành

60

Giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất

70

Giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do các phương tiện giao thông

50

Người dân thành phố được phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường

100

2

Quản lý chất thải rắn

Lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế)

100

3

Công nghệ áp dụng để xử lý rác thải sinh hoạt đô thị

- Xử lý chất thải rắn làm compost

30% - 35%

- Đốt phát điện

5% - 10%

- chôn lấp hợp vệ sinh

60% - 70%

Theo Quyết định số 27/2011/QĐ-UB ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố, tỷ lệ các công nghệ được áp dụng để xử lý chất thải rắn đô thị: Compost: 40% ; phân loại tái chế: 10%; đốt phát điện 10%; chôn lấp hợp vệ sinh: 40%. Qua thống kê thực tế các dự án đã đi vào hoạt động, các dự án đang xây dựng và các dự đang xin chủ trương tỷ lệ xử lý chất thải rắn có điều chỉnh như trên.


          2. Nhiệm vụ - giải pháp

          Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015 đã được xác định cụ thể tại Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố. Bao gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

-    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường;

-    Thực thi đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị, các Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, các chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và của thành phố;

-    Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế; xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế;

-    Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường;

-    Thực hiện phủ kín trên địa bàn thành phố mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, nguồn nước sông và kênh rạch, đảm bảo yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến chất lượng không khí, nguồn nước; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường;

-    Tăng cường năng lực, bổ sung sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội để vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường;

-    Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác vùng và quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện và bảo vệ môi trường.

          II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NĂM 2011

          1. Mục tiêu của năm 2011:

          - Năm 2011 là năm đầu tiên, năm bản lề của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; trọng tâm trong năm 2011 là chuẩn bị cụ thể kế hoạch, kinh phí và phổ biến kế hoạch của Chương trình đến các Phòng, Ban, Đơn vị thuộc Sở, các Sở Ban Ngành và quận – huyện có liên quan. Các Sở Ban Ngành và quận – huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực của mình nhằm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường. Những kế hoạch đã thực hiện trong năm 2011 chính là nền tảng và tiền đề cho việc thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo.

          - Tiếp tục các chương trình, dự án, đề án đang thực hiện: hoàn thành những chương trình, dự án được yêu cầu phải dứt điểm trong năm 2011; tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, đề án phải hoàn thành trong năm 2012 và những năm tiếp theo như: vớt rác trên 4 tuyến kênh rạch chính; bổ sung, điều chỉnh quy trình thu gom, vận chuyển rác giữa các đơn vị thu gom, vận chuyển rác và các hộ gia đình; điều tra, thống kê và số hóa, xây dựng bản đồ GIS các nguồn thải lưu lượng lớn trên địa bàn thành phố; chuẩn bị lắp đặt từ 6-8 trạm quan trắc tự động giám sát nước thải tại khu chế xuất – khu công nghiệp, khởi công xây dựng các dự án xử lý chất thải từ nay đến năm 2015 theo Kế hoạch và triển khai một số hoạt động nghiệp vụ bảo vệ môi trường khác.

          2. Những công việc, các hoạt động, các chương trình, đề án, dự án đã thực hiện để bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm môi trường trong năm 2011

          2.1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường:

          2.1.1. Những việc làm được:

          - Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ký kết các chương trình liên tịch với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động thành phố (ký kết liên tịch đạt 100%) để thực hiện:

               + Ủy ban Mặt trận tổ quốc: Phát động cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đến 100% phường xã trên toàn địa bàn thành phố; hỗ trợ xây dựng 23 phường điểm thực hiện “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” cấp thành phố; Tổ chức 1.380 cuộc vận động tuyên truyền tại 23 phường điểm cấp thành phố.

               + Hội Liên hiệp phụ nữ: đã thành lập 322 câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường, các câu lạc bộ giúp chị em phụ nữ ở hộ gia đình, các chủ quán ăn giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, hỗ trợ sọt đựng rác cho các cửa hàng, các quán ăn, …Ngoài ra, Câu lạc bộ giúp tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, các nơi đến sinh hoạt, công tác.

               + Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Phối hợp thực hiện ngày chủ nhật xanh (làm vệ sinh tại các điểm nóng); các hoạt động bảo vệ môi trường trong chiến dịch Mùa hè xanh.

               + Liên đoàn Lao động thành phố: đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào khu nhà trọ công nhân thành khu nhà trọ xanh – sạch – đẹp.

               + Các quận – huyện và các trường tiểu học, trung học: Sở Tài nguyên và Môi trường đã in và phát hành 430.000 tờ bướm tuyên truyền về bảo vệ môi trường, 40 spot cho Phòng Tài nguyên và Môi trường quận – huyện, tổ chức cuộc thi vẽ tranh về môi trường cho các em học sinh nhân ngày môi trường thế giới 5/6, ngày đa dạng sinh học 22/5, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức vào tháng 9 hàng năm, …

          - Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài): đăng tin về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; thực hiện các phóng sự, chương trình về bảo vệ môi trường, phê phán những hành vi, hành động gây ô nhiễm môi trường, biểu dương việc làm, tấm gương tốt về bảo vệ môi trường: phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng xây dựng trang Doanh nghiệp Xanh – Đen, báo Tài nguyên Môi trường xây dựng trang Tài nguyên – Môi trường và Cuộc sống, báo Pháp luật xây dựng trang Nhịp sống đô thị; phối hợp Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh FM 99,9 MHz thực hiện chương trình Sài Gòn buổi sáng, đài Giao thông Đô thị FM 95,6 MHZ thực hiện chương trình Đô thị hôm nay, …

          - Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức định kỳ hàng năm Ngày Hội Tái chế chất thải (kể từ năm 2008).

          2.1.2. Những việc chưa làm được:

          - Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường chưa đến được với người lao động phổ thông như: lực lượng bán hàng rong, tài xế xe ôm, xe tải, khách vãng lai, …

          - Vận động, tuyên truyền nhiều nhưng việc biểu dương, khen thưởng cũng như xử phạt còn hạn chế.

          - Nhiều tuyến đường, nhiều khu vực vẫn còn tụ tập, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; các quán hàng rong quá nhiều, đây cũng là nguồn gốc của việc mất trật tự và xả rác, tiểu tiện phóng uế bừa bãi ở lề đường, vỉa hè. Muốn ngăn chặn việc này, cần lập lại trật tự lòng lề đường; chấn chỉnh, sắp xếp lại việc mua bán ở mặt tiền đường; mua bán ở lòng lề đường phải có chính sách và giải pháp cụ thể. Việc ngăn cấm, đi dẹp cũng chỉ là biện pháp tức thời đối phó. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải có quy định xử phạt rõ ràng. Hiện nay, muốn xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, tiểu tiện hay xả nước thải ra đường là khó thực thi, thiếu lực lượng.

          2.1.3. Nguyên nhân của việc làm được, chưa làm được:

          - Nguyên nhân của việc làm được:

   + Được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của cấp trên.

   + Có sự thống nhất và hợp tác giữa Sở, các Sở Ngành, Quận – Huyện và các Tổ chức chính trị xã hội trong mục tiêu chung là bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường phải có người chủ trì, có đơn vị phối hợp thực hiện và bảo vệ môi trường phải dựa vào cộng đồng.

   + Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các Mặt trận, Đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao vận động.

          - Nguyên nhân của việc chưa làm được:

                + Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

                + Dân số tăng quá nhanh, tầng lớp dân cư nghèo, người lao động nhập cư với số lượng lớn và tập quán sinh hoạt có khác nhau, nhận thức về bảo vệ môi trường không đồng đều, người lao động buôn bán lòng đường, vỉa hè là một thách thức đối với việc tuyên truyền nhận thức, một bộ phận vẫn còn tập quán, lối sống văn hóa đường phố cũng là nguyên nhân gây ra xả rác, xả nước thải bừa bãi lề đường, lòng đường, nơi vắng, kể cả ở cụm dân cư, khu dân cư.

                + Việc tuyên truyền chưa gắn chặt với việc xử lý vi phạm, thủ tục quá rườm rà, không xử lý người vi phạm tại chỗ được.

                + Chính quyền các cấp, cơ quan quản lý Nhà nước chưa quyết liệt.

          2.2. Các hoạt động nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, tiếp tục thực hiện đầu tư mới các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường:

          2.2.1. Những việc làm được:

          - Cơ bản hoàn thành dự thảo 5 định hướng quy hoạch: quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, quản lý chất thải y tế, nghĩa trang và bùn thải trên địa bàn Thành phố. Đây là 5 định hướng cơ bản để từng bước đưa hoạt động quản lý xử lý chất thải, nghĩa trang vào nề nếp.

          - Thực hiện phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án sản xuất, thương mại dịch vụ và buộc các dự án này sau khi được xác nhận đã hoàn thành các nội dung ĐTM (đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải đảm bảo quy chuẩn môi trường) mới được đưa vào vận hành.

          - Thực hiện thu phí bảo vệ môi trường, trong năm 2011 đã thu:

+ Phí nước thải công nghiệp: 7 tỷ đồng/năm ( thu 1.500 cơ sở sản xuất có nước thải và 14/14 khu chế xuất và công nghiệp).

+ Phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường: 170 tỷ đồng, sau khi chi trả cho các lực lượng cung ứng dịch vụ còn lại nộp về ngân sách 33 tỷ đồng.

-         Các công trình hạ tầng xử lý chất thải đã và đang thực hiện:

+ Hệ thống xử lý nước thải tập trung 14 Khu chế xuất – khu công nghiệp – khu công nghệ cao: đã hoàn thành 100%;

+ Nhà máy xử lý chất thải nguy hại 21 tấn Đông Thạnh – Hóc Môn: đã hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2011;

+ Nhà máy xử lý tái chế rác thành phân compost của Công ty tâm Sinh Nghĩa công suất 1000 tấn/ngày: đã xây dựng cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào Quý III năm 2012;

+ Hệ thống xử lý nước thải y tế:

§  Bệnh viện trung ương: trong năm 2011, 15/21 bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép. Dự kiến năm 2012, 10/21 bệnh viện còn lại sẽ cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép.

§  Bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố: trong năm 2011, 20/29 bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép. Dự kiến năm 2012, 9/29 bệnh viện còn lại sẽ cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép.

§  Bệnh viện Quận/huyện: trong năm 2011, 10/23 bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép. Dự kiến năm 2012, 13/23 bệnh viện còn lại sẽ cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép.

          - Về các chương trình, đề án nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường:

             + Từng bước kiểm soát, ngăn ngừa đi đến xử lý các nguồn thải, xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn môi trường: thực hiện theo đúng tiến độ năm 2011 điều tra, thống kê xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của 450 chủ nguồn thải có lưu lượng trên 50m3/ngày đêm trở lên xả thải trực tiếp ra kênh rạch cấp 1 và sông Sài Gòn (100%).

             + Đang phối hợp Viện Môi trường và Tài nguyên triển khai thực hiện Chương trình phân vùng xả nước thải sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn xả thải, xác định khả năng tiếp nhận nước thải của kênh rạch trên địa bàn Thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, đây là công cụ cơ bản góp phần quản lý chất lượng nước mặt trên địa bàn thành phố. Đến cuối năm 2011 đã triển khai thực hiện được 50% khối lượng công việc, dự kiến toàn bộ Chương trình sẽ hoàn thành vào đầu năm 2013.

             + Hiện nay, để tăng cường trách nhiệm của cơ sở sản xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường không tổ chức nghiệm thu các hệ thống xử lý nước thải nhưng các chủ nguồn thải có trách nhiệm xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, khi đi kiểm tra, nếu không đạt Sở sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

          - Chương trình phân loại rác tại nguồn: Đề khắc phục những vướng mắc trong phân loại rác tại các hộ gia đình, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Trung tâm thương mại, Siêu thị tổ chức phân loại rác tại nguồn. Hiện đang tổ chức triển khai ở 21 siêu thị Co-opmart trên địa bàn Thành phố và 03 Chợ đầu mối: Tam Bình – Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền:

+ Ở các siêu thị Co-opmart mỗi ngày phân loại được 600kg chất thải vô cơ, sau đó vận chuyển về lưu chứa ở trạm trung chuyển Tống Văn Trân, Quận 11. Khi đạt 3 tấn sẽ chuyển về Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) để xử lý. Chất thải rắn vô cơ một phần chuyển về VWS ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, một phần chuyển về Nhà máy Vietstar (Khu Liên hợp Tây Bắc Củ Chi), khối lượng 12-15 tấn/ngày.

+ Phân loại chất thải rắn hữu cơ ở Chợ Bình Điền khoảng 22 tấn/ngày vận chuyển về VWS để xử lý.

+ Phân loại chất thải rắn hữu cơ ở chợ đầu mối Tam Bình –Thủ Đức và Chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 60 tấn/ngày đưa về Nhà máy Vietstar để xử lý.

          - Tiếp tục duy trì cũng như mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác về bảo vệ môi trường vùng, khu vực và quốc tế, hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu:

+ Hợp tác chia sẻ thông tin, kiểm soát các nguồn thải ra nguồn tiếp nhận ở các vùng giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa –Vũng Tàu (sông Sài Gòn, Đồng Nai, sông Thị Vải, kênh Thầy Cai – An Hạ).

+ Hợp tác với thành phố Rotterdam (Hà Lan) thực hiện chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng về phía biển Đông thích ứng với biến đổi khí hậu”. Thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013.

+ Hợp tác với Chính phủ Tây Ban Nha (Quỹ FAD) thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật: nghiên cứu biện pháp quản lý ô nhiễm nguồn phân tán trên sông Sài Gòn và các sông nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng xong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015. Hiện đang trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

          - Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận – huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra môi trường đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong năm 2011, đã thành lập 16 đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường, kiểm tra 258 cơ sở. Qua thanh tra kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử phạt tổng cộng 112 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 4,1 tỷ đồng.

          - Phối hợp với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và các Sở Ngành liên quan kiểm tra giám sát tiến độ và chất lượng hệ thống xử lý nước thải y tế, chất thải rắn y tế của các cơ sở y tế Trung ương và địa phương.

          - Tổ chức sắp xếp Bộ máy phù hợp đề nâng cao năng lực tham mưu, năng lực quản lý Nhà nước:

+ Sắp xếp lại Chi cục bảo vệ môi trường, thành lập Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Chi cục bảo vệ môi trường.

+ Sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy làm việc của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố.

          2.2.2. Những việc chưa làm được, nguyên nhân:

          - Việc quản lý và kiểm soát các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường chưa được triệt để; chưa đảm bảo được yêu cầu các dự án chỉ được khởi công xây dựng sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận, các dự án chỉ được đi vào hoạt động chính thức sau khi được xác nhận hoàn thành các nội dung của báo cáo ĐTM. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các Sở Ban Ngành, Quận – huyện chưa được đồng bộ; sự thiếu ý thức và trách nhiệm trong việc tuân thử các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của chủ dự án.

          - Thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường, phí nước thải công nghiệp chưa triệt để, nguyên nhân chính là do chưa thống kê đầy đủ danh sách các chủ nguồn thải; phần trích lại cho chủ thu gom, vận chuyển như hiện nay không còn phù hợp (do đơn giá tiền lương và nhiên liệu tăng). Đối với phí nước thải công nghiệp, bản thân phí này theo quy định là thấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định này.

          - Ô nhiễm không khí do giao thông, ô nhiễm không khí ven đường cao, tuy nhiên, chưa có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết, chưa có cơ quan chủ trì, cơ quan địa phương phối hợp.

          - Đối với ô nhiễm chất lượng nước kênh Ba Bò: thành phố đang tiến hành dự án cải tạo xây dựng tuyến kênh phía thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chia sẻ thông tin, đôn đốc các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khẩn trương kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải khu dân cư, khu công nghiệp Sóng thần 1, khu công nghiệp Sóng thần 2, … ở tỉnh Bình Dương. Qua phối hợp và đôn đốc, mặc dù tỉnh Bình Dương có nhiều nỗ lực khắc phục, chất lượng nước kênh Ba Bò phía Bình Dương có cải thiện nhưng chưa nhiều: so với năm 2010, chất lượng nước khu vực kênh tiêu Ba Bò năm 2011 mức độ ô nhiễm bởi các chỉ tiêu DO, BOD, COD, TSS giảm (cụ thể: giá trị BOD giảm 1.08 ÷ 1.59 lần, COD giảm 1.01 ÷ 1.6 lần, TSS giảm 1.29 ÷ 2.73 lần, DO tăng lên từ 1.35 ÷ 2.46 lần) nhưng các chỉ tiêu vi sinh và chất hoạt động bề mặt vẫn chưa được cải thiện (Coliform tăng 1.55 ÷ 64.67 lần, chất hoạt động bề mặt tăng 1.14 ÷ 2.73 lần), nguyên nhân là do lượng nước thải sinh hoạt từ khu dân cư chưa được xử lý thải trực tiếp xuống lòng kênh. Bên cạnh đó, chất hoạt động bề mặt là những chất khó phân hủy sinh học nên khó xử lý trong hệ thống xử lý nước thải dùng phương pháp sinh học.

          - Khu công nghiệp Tân Phú Trung mặc dù có hệ thống xử lý nước thải nhưng nhiều cơ sở sản xuất trong Khu chưa đấu nối, một số cơ sở xả nước thải trực tiếp vào kênh Thầy Cai – An Hạ gây ô nhiễm môi trường.

          2.2.3. Giải pháp khắc phục:

          - Đối với công tác lập, xác nhận hoàn thành nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường:

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các chủ dự án;

+ Bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các Sở Ngành, Quận – Huyện;

+ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về Đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường của các chủ dự án;

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về Đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường của các chủ dự án.

          - Thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính đang dự thảo tờ trình Ủy ban nhân dân thành phố thay đổi Quyết định 88/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố; Về thu phí nước thải công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo trình Chính phủ điều chỉnh bổ sung Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp.

          - Giảm thiểu ô nhiễm không khí do giao thông, ô nhiễm không khí ven đường: Sở Tài nguyên và Môi trường củng cố tăng cường mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, Sở Giao thông Vận tải chủ trì Chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông, không khí ven đường.

          - Ô nhiễm kênh Ba Bò: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo xây dựng kênh Ba Bò. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở tỉnh Bình Dương đẩy nhanh các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm kênh ở địa phương một cách triệt để.

          - Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp tăng cường các biện pháp buộc các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp Tân Phú Trung phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của Khu; Sở Công Thương, Quận – Huyện kiểm soát ô nhiễm cụm công nghiệp.

          III. NHỮNG TỒN TẠI VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG NHỮNG TỒN TẠI NHẰM THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ VÀ ĐÚNG TIẾN ĐỘ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

          1. Những tồn tại mang tính chất thuộc phạm vi giải quyết của Thành phố:

          - Hiện nay, hầu hết các kênh rạch của thành phố đều bị ô nhiễm, có kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng (trừ hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé do có các dự án lớn đầu tư xử lý nên cải thiện tốt), chất lượng nước mặt hệ thống sông Sài Gòn và các nhánh sông suy giảm và có nguy cơ ô nhiễm hơn, nước thải sinh hoạt với khối lượng rất lớn của toàn thành phố chưa được xử lý. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước và đơn vị khác làm chủ đầu tư.

          - Xử lý và có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở Ngành liên quan thực hiện.

         

          2. Những tồn tại mà các sở ngành có trách nhiệm thực hiện kiểm soát, ngăn ngừa và khắc phục:

          - Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát xử phạt nghiêm minh hành vi gây ô nhiễm nước mặt ở các sông, kênh rạch.

          - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện quy hoạch đã có, đề xuất các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi, nhất là các hộ gia đình sản xuất chăn nuôi ở dọc sông Sài Gòn, kiểm soát các nguồn thải do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Quận – Huyện và Sở Ngành). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ các dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải suối Nhum.

          Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận - huyện tập trung kiểm tra giám sát hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải tại các khu đô thị, khu dân cư, khách sạn, nhà hàng, các cơ sở sản xuất, các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng Đề án di dời, sửa đổi Quyết định 200 về việc cấm đầu tư các ngành nghề như xi mạ, thuộc da, cao su, phân bón, thuốc trừ sâu, nhuộm.

          - Vấn đề văn minh, mỹ quan đô thị, xanh sạch đẹp đường phố trong khu phố, khu dân cư: theo chức năng, nhiệm vụ của từng Sở Ngành, Quận – Huyện và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp thực hiện vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

          3. Kiến nghị:

          - Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi Luật bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia góp ý Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo).

          - Ủy ban nhân dân thành phố xác định rõ quan điểm xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi; Trường hợp di dời (nếu có) đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt lộ trình cụ thể cho việc di dời, để không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn và các chỉ tiêu xử lý chất thải rắn đã đề ra theo Quyết định số 27/2011/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố.

          - Lãnh đạo Thành phố bố trí thời gian tham dự các sự kiện diễn đàn chính do Liên Hiệp Quốc tổ chức như: Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 17, các hội nghị do Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo thành phố lớn về biến đổi khí hậu – C40 tổ chức, …

          - Lãnh đạo thành phố tham dự hoặc ủy quyền cho Sở Ngành tham dự các hội nghị các thành phố lớn Châu Á, các hội nghị quốc tế về quy hoạch đô thị và phát triển bền vững khu vực hoặc quốc tế.

          - Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn ngân sách, ưu tiên bố trí đảm bảo đầy đủ và kịp thời kinh phí thực hiện chương trình giảm ô nhiễm của thành phố. (Phụ lục đính kèm)

          - Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Đài Truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường hỗ trợ, phối hợp với các Sở ngành, quận huyện trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

          - Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và vệ sinh đô thị, đặc biệt là tình trạng xã rác thải xuống kênh rạch.

          IV. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2012 NHẰM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

          1. Một số hoạt động thực hiện công tác bảo vệ môi trường hoàn thành trong năm 2012:

          1.1. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tiếp tục tăng cường hoạt động về chiều sâu lẫn chiều rộng trong việc vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường từ nơi ở cho đến nơi công tác, sinh hoạt, bảo vệ môi trường ở khu phố, đường phố nơi mình ở bằng việc không xả rác, nước thải ra môi trường công cộng, không vứt rác xuống kênh rạch. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngành, Quận - Huyện thực hiện các nội dung trong Bản cam kết Liên tịch với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Mặt trận tổ quốc, …

-    Sở Tài nguyên và Môi trường: kiểm soát ô nhiễm ở các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ do Thành phố cấp phép, chịu trách nhiệm vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị nghè, Tân hóa – Lò Gốm.

          - Thay mới hoặc nâng cấp 9 trạm quan trắc không khí tự động hiện có để hoạt động bình thường cho 3 thông số cơ bản (PM10, SOx, COx);

          - Tăng cường một số điểm quan trắc chất lượng môi trường sông Sài Gòn, cải tiến phương pháp lấy mẫu. Thay đổi một số điểm quan trắc kênh rạch có hiệu quả hơn. Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành phân vùng khu vực xả thải vào nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn Thành phố. Đây cững là một trong những giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm nước mặt;

          - Trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt dự án đầu tư thiết bị quan trắc tự động ở cửa xả các nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp – khu chế xuất –  khu công nghệ cao. Năm 2012 ghi vốn đầu tư để năm 2013 lắp đặt cho được từ 6-8 trạm quan trắc tự động (phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính);

          - Triển khai 02 chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn (Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên và các sở ngành, quận – huyện);

          - Hoàn thành chương trình thống kê các nguồn thải chính của thành phố, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối hệ thống GIS để giám sát xử lý của các nguồn thải, phấn đấu hoàn thành Đề án phân vùng nguồn xả thải chính vào hệ thống sông, kênh – rạch trên địa bàn Thành phố;

          - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính chuẩn bị trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi Quyết định 88/2008/QĐ-UBND về thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường hiện hành và hướng dẫn cho các tổ chức thu phí thực hiện theo lộ trình: thu bù đắp chi phí Ò thu đúng, thu đủ Ò ai xả chất thải thì phải trả tiền. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị lộ trình thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp – chất thải nguy hại trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét;

          - Phân cấp thêm cho một số quận – huyện trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải, rà soát quy định thu gom, vận chuyển cho hợp lý (Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với quận – huyện);

          - Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở Ban Ngành xử lý dứt điểm 02 cơ sở sản xuất nằm trong danh sách Quyết định 64 (Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son, Công ty Xi măng Hà Tiên). Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm xem lẫn trong khu vực dân cư, các cơ sở có ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường (nhuộm tẩy, cao su, xi mạ, cồn, bột giấy, thuộc da) hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời (có danh sách cụ thể) cho tồn tại nếu đúng quy hoạch nhưng chưa có hệ thống xử lý môi trường;     

          - Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Ban Ngành, Quận - Huyện tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, nếu nghiêm trọng thì áp dụng biện pháp xử lý cao nhất (đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, …). Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoặc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các Sở Ban Ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố theo thẩm quyền hoặc báo cáo Trung ương sửa đổi điều chỉnh việc xử phạt các cơ sở sản xuất tái phạm nhiều lần, không khắc phục ô nhiễm thì đình chỉ hoặc đóng cửa hoặc di dời (thực hiện như thế nào, cưỡng chế ra sao). Sở Tài nguyên và Môi trường rất muốn thực hiện việc này nhưng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.

          Từ nay đến 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì hoặc có những lĩnh vực Sở Tư pháp chủ trì để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Trung ương chỉ đạo thực hiện chỉnh sửa, bổ sung áp dụng các hình phạt như: đình chỉ, đóng cửa, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào Luật bảo vệ môi trường hoặc Nghị định, trong đó có:

          + Các cơ sở gây ô nhiễm vượt quy chuẩn bị xử phạt nhiều lần, tái phạm nhiều lần thì phải đình chỉnh sản xuất (Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định đình chỉ, nhưng ai giám sát, khi nào khắc phục xong cho hoạt động trở lại).

+ Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm  nghiêm trọng không khắc phục thì cấm hoạt động, di dời (đề xuất việc cấm hoạt động, di dời thực hiện như thế nào).

          + Sản xuất các ngành nghề gây ô nhiễm, không đúng quy hoạch, nằm trong khu dân cư là di dời.

          - Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan và Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường để có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường kịp thời, tránh thanh tra kiểm tra nhiều lần gây phiền hà cho cơ sở sản xuất.

          - Đối với các cơ sở sản xuất hoạt động tốt, công tác ngăn ngừa, khắc phục và cải thiện môi trường đảm bảo thì biểu dương, khen thưởng thông qua các kênh thông tin đại chúng, hoặc khen thưởng, biểu dương tại các hội nghị về bảo vệ môi trường.

          - Đối với các tỉnh lân cận, giáp ranh:

             + Tiếp tục phối hợp, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đôn đốc các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở Bình Dương kiểm soát triệt để nguồn thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm dân cư ở địa bàn Bình Dương gây ô nhiễm kênh Ba Bò, kiểm tra, ngăn ngừa các nguồn thải gây ô nhiễm  sông Sài Gòn vùng giáp ranh (Củ Chi – TPHCM, Phú Cường, Phú An, Thanh Tuyền, Thanh An – Bình Dương).

             + Tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước ở tỉnh Long An giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa các nguồn thải xả nước thải công nghiệp không đạt quy chuẩn ra sông Cần Giuộc, kênh Thuỷ lợi  Thầy Cai – An Hạ.

             + Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phối hợp quan trắc, chia sẻ thông tin về chất lượng môi trường sông Thị Vải, Cái Mép, Gành Hào.

          1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát, dự án xử lý nước thải suối Nhum.

1.3. Sở Giao thông Vận tải: phối hợp với Ủy ban nhân dân các Quận – Huyện: giải quyết ô nhiễm do rác thải theo tuyến sống, kênh rạch đã được phân cấp.

1.4. Sở Công Thương: phối hợp với  Ủy ban nhân dân các Quận – Huyện kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp.

          1.5. Sở Y tế: Hoàn thành các dự án xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế.

1.6. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước: phối hợp các Sở Ngành, Ủy ban nhân dân các Quận – Huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Nhà máy xử lý rác thải đô thị ( Bình Hưng – Bắc Sài Gòn, … ) các hệ thống tiêu thoát nước, kênh Ba Bò, ….

          1.7. Ban Quản lý vệ sinh môi trường, Ban Quản lý nâng cấp đô thị: chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đã được Thành phố giao.

          1.8. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao: quản lý và kiểm soát về bảo vệ môi trường ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; đảm bảo các doanh nghiệp nằm trong các khu này phải đấu nối tất cả hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở trong khu vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung (có lắp đặt thiết bị quan trắc tự động để Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đồng kiểm soát. Các cụm công nghiệp phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của khu hoặc phải có hệ thống xử lý nước thải riêng để xử lý nước thải của cụm công nghiệp đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam).

1.9. Ủy ban nhân dân các quận – huyện: chủ trì việc thực hiện cộng đồng bảo vệ môi trường như: không xả rác, nước thải ra môi trường, không xả rác xuống kênh rạch, vận động bà con xây dựng bể tự hoại, thu gom rác thải đúng quy cách, giờ giấc. Tham gia bảo vệ môi trường ở khu dân cư, khu phố không rác; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư. Kiểm soát ô nhiễm ở các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất do quận huyện cấp phép; Xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về bảo vệ môi trường ở địa phương; Kiểm soát việc xả rác bừa bãi ở đất trống, khu dân cư, xả rác trên tuyến kênh rạch quận –  huyện quản lý.

          2. Một số chương trình, dự án hoàn thành, khởi công xây dựng trong  năm 2012, hoàn thành trong năm 2013, một số dự án trình xin chủ trương để hoàn thành kế hoạch xử lý chất thải 2011 – 2015 (phụ lục đính kèm):

          - Cuối năm 2012 đưa nhà máy xử lý tái chế, xử lý rác thành phân compost công suất 1000 tấn/ngày đêm vào hoạt động (Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa).

          - Khởi công xây dựng Bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3 công suất 1.500 – 2.000 tấn/ngày, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong Quý II năm 2013.

          - Khởi công xây dựng Bãi chôn lấp chất thải nguy hại công nghệ mái vòm (AirDome) hiện đại, dự kiến hoàn thành trong Quý III năm 2013.

          - Khởi công các công trình mở rộng đường từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đến Quốc lộ 50, dự kiến hoàn thành trong năm 2013.

          - Cuối năm 2012 xây dựng hoàn thành đường số 1 trong khu liên hợp Tây Bắc Củ Chi.

          - Trình Ủy ban nhân dân thành phố xin chủ trương chấp thuận 01 dự án đốt rác, tái sử dụng năng lượng để phát điện công xuất 1.000 - 2.000 tấn rác/ngày (Dự trù triển khai sau năm 2015 nhằm đảm bảo tỷ lệ với các công nghệ áp dụng cho xử lý chất thải rắn của thành phố là: chôn lấp hợp vệ sinh: 60-70%; tái chế - compost: 30-35%; đốt – sản xuất năng lượng: 5-10%).

         

          Như vậy,  trong số 39 chương trình, dự án thuộc Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015, tính đến hết năm 2012 dự kiến hoàn thành 4 chương trình, đến hết năm 2013 dự kiến hoàn thành thêm 7 chương trình; 28 chương trình, dự án còn lại cũng đang được triển khai. Với kết quả thực hiện như trên, các Sở Ngành, Quận – Huyện cần chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn nữa mới đảm bảo hoàn thành Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015 theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra của Uỷ ban nhân dân thành phố. 


Số lượt người xem: 3056    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm