• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
4
7
2
8
3
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 08 Tháng Bảy 2015 7:45:00 SA

Nên có lộ trình ban hành luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

(TN&MT) - Đây là đề xuất của PGS.TS Phan Trung Hiền, Phó Trưởng khoa, Khoa Luật (Đại học Cần Thơ), khi trao đổi với chúng tôi về thiệt hại của người bị thu hồi đất và chính sách bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất.

 

 

 

Theo PGS.TS. Phan Trung Hiền: Cho đến nay, pháp luật đất đai nước ta vẫn xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại theo phương pháp liệt kê; tức là khi pháp luật liệt kê loại thiệt hại nào thì Nhà nước sẽ bồi thường những loại thiệt hại đó, ví dụ: Thiệt hại về đất, về công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi. Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của phương pháp này với những đóng góp của nó trong suốt những năm qua.

 

Tuy nhiên, với sự đa dạng của người sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường và trong thời kỳ hội nhập, phương pháp này tỏ ra không còn đủ sức để bảo vệ cho người có đất bị thu hồi. Ví dụ đơn giản là những thiệt hại về địa thế kinh doanh, thiệt hại do mất nguồn nước sản xuất, thiệt hại do nhà dưới gầm cầu do cầu mở rộng và xây cao, thiệt hại do nhà đất giáp ranh với nghĩa trang sau khi thực hiện dự án, thiệt hại về sản xuất (mất mùa) do ánh sáng điện cao áp hai bên đường cao tốc, thiệt hại về tinh thần do những căng thẳng lo âu khi công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, thông tin chậm đến người dân… là những thiệt hại mà pháp luật nước ta vẫn còn bỏ ngỏ và người dân phải gánh chịu.

 

PV: Thưa ông, Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục những bất cập trong chính sách bồi thường thiệt hại thu hồi đất hay chưa?

 

PGS.TS. Phan Trung Hiền: Chính sách, pháp luật bồi thường thiệt hại thu hồi đất thời gian qua theo Luật Đất đai năm 2003 có một số bất cập như sau:

 

(1) Chưa quy định rõ trách nhiệm đối với quy hoạch quá hạn 3 năm (quy hoạch treo) gây thiệt hại cho người dân trong phạm vi quy hoạch;

 

(2) Bồi thường về đất căn cứ vào bảng giá đất, trong nhiều trường hợp, không sát với giá thị trường;

 

(3) Chưa làm rõ trách nhiệm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, cũng như tạo cơ chế để thực thi hóa quy định này;

 

(4) Thời gian chi trả tiền bồi thường và cụ thể trách nhiệm khi chi trả chậm.   

 

PGS.TS Phan Trung Hiền
PGS.TS Phan Trung Hiền

  

 

Những bất cập này đã được Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành khắc phục theo các mức độ như sau:

 

(1) Trong trường hợp đã quá 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất thì người dân không còn bị hạn chế quyền về xây dựng công trình mới và trồng cây lâu năm (Khoản 3 Điều 49 LĐĐ). Đây là quy định nhằm “tháo gỡ” khó khăn cho người dân trong phạm vi quy hoạch quá hạn. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể nội dung này nên việc thực hiện sẽ gặp khó khăn. Ví dụ: Nếu việc công bố quy hoạch chưa được thực hiện triệt để thì người dân không biết được chính xác thời điểm nào mình sẽ không còn bị hạn chế quyền về xây dựng…

 

(2) Việc bồi thường đã được quy định theo giá đất cụ thể thay cho bảng giá đất (điểm đ khoản 4 Điều 114 LĐĐ); tuy nhiên, vẫn chưa có những quy định để bảo đảm việc tư vấn giá đất thực sự độc lập vì thẩm quyền đề nghị, quyết định và xác định giá đất đều là cơ quan hành chính Nhà nước. Người bị thu hồi đất hầu như vẫn còn đứng ngoài quy trình xác định giá đất khi Nhà nước định giá thửa đất của họ.

 

(3) Mặc dù pháp luật đã quy định trách nhiệm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, tuy nhiên các quy định về việc thực thi hóa các quy định này vẫn chưa được cụ thể, đặc biệt là vấn đề kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định này. Vì vậy, vấn đề bảo đảm sinh kế lâu dài của người dân vẫn còn là vấn đề nan giải trong nhiều trường hợp.

 

(4) Đã quy định thời gian chi trả tiền bồi thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất và làm rõ hình thức “phạt” theo Luật quản lý thuế do chi trả chậm (Điều 93). 

 

PV: Được biết, PGS.TS có thời gian nghiên cứu sâu về luật liên quan đến chính sách bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại Anh, theo ông những việc gì có thể vận dụng để giải quyết hài hòa lợi ích, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả trong việc thu hồi đất cho triển khai các dự án?

 

PGS.TS. Phan Trung Hiền: Theo tôi, có thể tham khảo, tiếp thu một số điểm sau đây:

 

Thứ nhất, phải đặt tiêu chí việc làm khi thống kê, đánh giá kết quả, hiệu quả của các dự án thu hồi đất.

 

Thứ hai, các quy định thiệt hại và bồi thường thiệt hại nên quy định theo hai nhóm: Nhóm theo phương pháp liệt kê, nhóm theo phương pháp xác định mở dựa trên các quy định về bồi thường thiệt hại dân sự, thiệt hại môi trường... Các loại thiệt hại thuộc nhóm này thông thường là: Thiệt hại về tài sản, quyền về tài sản hoặc thiệt hại về tinh thần, sức khỏe.

 

Thứ ba, quy định rõ hơn vị trí người khiếu nại và người bị khiếu nại trong quy trình giải quyết khiếu nại theo hướng cân bằng giữa quyền và trách nhiệm giữa các bên. Trong đó, cần có cơ chế để người khiếu nại có thể được hỗ trợ pháp lý thông qua các tổ chức tư vấn pháp lý miễn phí.

 

Nhiều hộ đang mong ngày thoát ra khỏi hàng rào sắt sau khi cầu xây xong
Nhiều hộ đang mong ngày thoát ra khỏi hàng rào sắt sau khi cầu xây xong

 

Thứ tư, đối với các trường hợp giá trị bất động sản tăng lên sau giải phóng mặt bằng như: Nhà ra mặt tiền, bị thu hồi diện tích nhỏ nhưng giá trị bất động sản tăng lên rất lớn… thì cần phải có sự điều tiết của Nhà nước. Trong trường hợp này, pháp luật của Anh chỉ bồi thường cho những trường hợp này khi tổng giá trị tăng lên của giá trị bất động sản nhỏ hơn thiệt hại về đất khi giải phóng mặt bằng. Ngược lại, các trường hợp giá trị bất động sản tăng cao hơn hoặc bằng thiệt hại về đất thì không phải bồi thường. Nếu làm được điều này thì các dự án mở rộng lộ giới, mở rộng con hẻm có thể “tiết kiệm” cho Nhà nước hàng tỷ đến chục tỷ đồng/1 dự án. Tất nhiên, để thực hiện điều này thì phải có lộ trình, mà quan trọng nhất vẫn là bảo đảm công khai, minh bạch, phổ biến, tuyên truyền cũng như thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định và ổn định giá cả thị trường bất động sản.

 

P/V: Ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng, cấp thẩm quyền địa phương và Trung ương?

 

PGS.TS. Phan Trung Hiền: Để giải quyết một cách có hệ thống các bất cập nêu trên, tôi nghĩ: Việt Nam nên có lộ trình ban hành: “Luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất” bên cạnh Luật Đất đai hiện hành với những lý do sau đây:

 

Thứ nhất, “thu hồi đất” và “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, tuy quan hệ chặt chẽ, nhưng là hai vấn đề mang bản chất khác nhau, nên cần được điều chỉnh riêng. “Thu hồi đất” mang bản chất hành chính, mệnh lệnh; trong khi “bồi thường” mang bản chất dân sự, kinh tế, thể hiện tính công bằng, ngang giá theo quy luật “chủ thể nào gây thiệt hại, chủ thể đó phải bồi thường”, “thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó”.

 

Thứ hai, hướng dẫn của các cơ quan hành pháp không thích hợp để điều chỉnh vấn đề “bồi thường thiệt hại.” Nếu nhìn nhận Việt Nam có 1,2 triệu đơn khiếu nại từ năm 2003 - 2010, trong đó gần 70% là đất đai, thì sẽ thấy đây không phải là vấn đề nhỏ. Chỉ cơ quan dân cử - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân mới có đủ điều kiện nhìn nhận vấn đề thiệt hại và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất ở phạm vi toàn diện, cân bằng các lợi ích trong xã hội.

 

Thứ ba, cần đảm bảo bình đẳng hóa mối quan hệ giữa “Nhà nước” và “Nhân dân”. Nếu Nhà nước thu hồi đất bằng luật (Luật Đất đai), thì nên bồi thường thiệt hại bằng luật (Luật riêng về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất). Các thiệt hại cần phải “bồi thường” thì không nên sử dụng cụm từ “hỗ trợ”.

 

Thứ tư, việc thu hồi đất không chỉ gây thiệt hại đối với đất và quyền sử dụng đất, mà còn liên quan đến công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi… Đó là chưa kể đến các thiệt hại tinh thần và các thiệt hại liên quan đến quyền tài sản… Đa số các nội dung đó vượt khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai nên nhất thiết phải có đạo luật riêng cho vấn đề này.

 

Ở các nước tiên tiến, luật về bồi thường trong những trường hợp này được quy định từ rất sớm. Anh là nước xây dựng đạo luật riêng về bồi thường và giải phóng mặt bằng từ năm 1539 tức là cách đây hơn 470 năm!

 

PV: Xin cảm ơn PGS.TS!


 

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường.


Số lượt người xem: 3167    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm