• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
6
4
3
0
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 03 Tháng Chín 2015 1:20:00 CH

Điều tra, đánh giá khoáng sản phải gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả

 

(TN&MT) - Những năm qua, đóng góp của ngành khai khoáng đối với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước rất to lớn, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp. Có những năm, doanh thu về khai khoáng đóng góp đến 10 - 15% GDP của cả nước. Tuy nhiên, khoáng sản không phải tài nguyên vô tận nên việc quản lý và sử dụng hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng hiện nay. Với trọng trách là cơ quan Nhà nước Quản lý về địa chất và khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành địa chất, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam PGS. TS Đỗ Cảnh Dương (ảnh) đã có chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

 

Thưa ông, nhìn lại trang sử 70 năm, Ngành Địa chất và Khoáng sản đã đạt được nhiều thành tựu tự hào, xin ông cho biết đâu là dấu ấn nổi bật của ngành trong thời gian vừa qua?

 

Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: Suốt chặng đường đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cùng với quan tâm của Nhà nước, đội ngũ những người làm công tác địa chất, khoáng sản đã không ngừng nêu cao tinh thần yêu nước, vừa dũng cảm chiến đấu trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, vừa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thầm lặng đi tìm tài nguyên làm giàu cho Tổ quốc với nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

 

Cho đến nay, Ngành địa chất đã hoàn thành được công tác đo vẽ, lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản trên đất liền ở tỷ lệ 1/500.000, 1/200.000 và hơn 60% diện tích đã được lập bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản ở tỷ lệ 1/50.000. Về địa chất khoáng sản biển, đã lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/500.000 cho vùng biển Việt Nam ở độ sâu 0-30m nước với diện tích trên 245 ngàn km2.

 

Về khoáng sản trên đất liền, chúng ta đã tìm kiếm, phát hiện được hơn 5.000 mỏ và điểm quặng của 60 loại hình khoáng sản, trong đó có 10 loại khoáng sản được đánh giá là có tiềm năng lớn như: titan, bauxit, apatit, đất hiếm, urani, than, cát trắng, đá ốp lát, đá vôi xi măng, đá hoa trắng. Cần lưu ý thêm rằng, nguồn khoáng sản nêu trên đang được khai thác, không chỉ đảm bảo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động mà còn đang cung cấp nguyên liệu khoáng, phục vụ hiệu quả cho phát triển các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời là cơ sở tin cậy để đảm bảo an ninh khoáng sản nước ta.

 

Là thế hệ kế tục sự nghiệp, chúng tôi ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình trước thế hệ cha anh và nỗ lực phấn đấu hết mình, bằng trí thức và lòng nhiệt huyết, vượt qua mọi thách thức, nắm bắt cơ hội để hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ của ngành trong công cuộc CNH - HĐH đất nước.

 

 

Về thành tựu điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nổi bật nhất của ngành trong 5 năm qua, theo tôi, là đã thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn để có được những thông tin cụ thể, chính xác hơn về tiềm năng khoáng sản của đất nước và có những phát hiện khoáng sản mới trong công cuộc tìm kiếm khoáng sản trên mọi miền tổ quốc. Ví dụ như, việc hoàn thành “Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu” đã xác định nước ta có tổng tài nguyên quặng titan - zircon tới trên 660 triệu tấn; Kết quả của “Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam” đã khẳng định nước ta có 10,5 tỷ tấn quặng bauxit nguyên khai; Hoặc những thông tin mới nhất từ Đề án Điều tra, đánh giá tiềm năng than phần đất liền, bể Sông Hồng cho thấy ở đây có tiềm năng than rất lớn kéo dài từ Khoái Châu - Hưng Yên đến Tiền Hải – Thái Bình và Hải Hậu – Nam Định, than có chất lượng tốt, chủ yếu là than cục, có chất lượng tốt cho sử dụng làm than năng lượng. Mật độ chứa than cao ở độ sâu từ -333m đến -1.200m.

 

 Được biết, thời gian gần đây công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã có bước chuyển biến rõ nét.  Với sự ra đời của Luật Khoáng sản 2010, đã tạo hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh cho hoạt động khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản. Ông đánh giá như thế nào về nhìn nhận trên, thưa ông?

 

Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: Đây là một đánh giá đúng và khách quan. Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 với nhiều điểm mới, nhiều quy định mang tính “đột phá” nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Ở đây, tôi xin nêu ra hai vấn đề cơ bản:

 

Thứ nhất, để đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản cũng như phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản, Luật Khoáng sản 2010 đã có các điều khoản quy định về: Bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước trong khai thác khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Thăm dò khoáng sản, Khu vực hoạt động khoáng sản v.v..

 

Thứ hai, để đảm bảo lợi ích của toàn dân – là những người chủ thực sự của tài nguyên đất nước mà Nhà nước là đại diện, để tăng thu ngân sách Nhà nước từ khoáng sản thì Luật Khoáng sản đã có các điều khoản quy định về: Hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

 

Đến nay, Tổng cục đã tính toán và trình Bộ TN&MT phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho tất cả Giấy phép đã cấp trước ngày Luật có hiệu lực cũng như Giấy phép cấp mới thuộc thẩm quyền của Bộ. Theo số liệu thống kê mới nhất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các Giấy phép nêu trên đã thực hiện trong năm 2014 và đến tháng 7/2015 là gần 3.500 tỷ đồng. Nếu tính cả các Giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm sẽ đóng góp cho ngân sách trung bình khoảng 4.000 tỷ đồng.

 

Để Luật Khoáng sản 2010 thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những thành quả như trên, công tác thanh kiểm tra là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vậy xin ông cho biết chúng ta đã thực thi nhiệm vụ này như thế nào trong thời gian vừa qua?

 

Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương:Thanh tra, kiểm tra là hoạt động có vai trò quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Chính vì lẽ đó, công tác này đã được Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là từ khi tái lập Tổng cục vào năm 2011. Hiện nay, trực thuộc Tổng cục có 3 Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản khu vực Bắc, Trung, Nam thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khoáng sản.

 

Đến nay, Tổng cục đã chủ trì thực hiện 2 đợt kiểm tra trên phạm vi toàn quốc, 3 đợt thanh tra chuyên đề và hàng trăm lượt thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân. Theo đó, Tổng cục đã rà soát công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của tất cả các địa phương, rà soát toàn bộ thực trạng pháp lý và việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để tăng cường hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật về khoáng sản.

 

Đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đó là: Quản chặt, quan tâm tới môi trường, chống thất thoát và làm tăng giá trị gia tăng ngành khai khoáng, theo ông, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào trong thời gian tới?

 

Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: Kết quả đã đạt được trong thời gian qua và trong 5 năm trở lại đây của công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản là đáng kể nhưng cũng còn nhiều việc phải thực hiện. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 24/5/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, Tổng cục sẽ tập trung vào một số công việc như:

 

Thứ nhất, hoàn thành xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/ 2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản để trình Chính phủ trong năm 2015; đánh giá 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản vào năm 2016 để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về khoáng sản;

 

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản, kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, đặc biệt là việc gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, Tổng cục sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hiệu quả tiến tới kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

 

 

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.


Số lượt người xem: 4764    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm