• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
3
3
3
5
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 08 Tháng Tám 2014 11:15:00 SA

Luật Đất đai 2013: Tăng trách nhiệm người đứng đầu

(TN&MT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này vẫn diễn ra rất phức tạp. Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương.

 

Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn ra rất phức tạp. Ảnh: H. Minh
 
Thực thi chính sách còn bất cập
 
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 528 vụ việc tồn đọng kéo dài có 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo. Trong đó, khiếu nại về đất đai là 422 vụ việc (chiếm 79,9%), cụ thể là về bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án thu hồi đất là 217 vụ việc (chiếm 51%); tranh chấp đất đai 115 vụ việc (chiếm 27%); đòi lại đất cũ 78 vụ việc (chiếm 18%) và các khiếu nại khác có liên quan về đất đai như cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi giấy phép... 12 vụ việc; khiếu nại về nhà ở 42 vụ việc (chiếm 7,9%). Đặc biệt, có những vụ việc kéo dài trên 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành và hầu hết đều có tới 3 đến 4 quyết định giải quyết hành chính nhưng do không thỏa mãn với quyết định nên người dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn.
 
Thực hiện chủ trương của Đảng và trên cơ sở pháp luật hiện hành, thời gian qua, các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm tập trung giải quyết để giảm số vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn diễn biến phức tạp, gay gắt, kéo dài, tập trung vào lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng phát triển các khu đô thị (chiếm gần 70% tổng số vụ việc, trong đó chủ yếu là khiếu nại về giá đất bồi thường. Đây là nguy cơ tiềm ẩn sự mất ổn định ở một số địa phương.
 
 Theo một số chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa đủ rõ dẫn đến công tác xét xử, giải quyết còn nhiều hạn chế. Chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không được hoàn thiện đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu nhất quán dẫn tới việc thực hiện chính sách trong nhiều trường hợp tùy tiện, không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Nhất là các chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về dân sự tạo ra bất cập, đặc biệt trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.
 
Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật về đất đai của các địa phương còn nhiều bất cập, nhất là trong việc thu hồi đất. Cụ thể, sau khi có Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều địa phương chưa kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh để triển khai; nhiều địa phương cấp huyện và cấp xã chưa nắm chắc những quy định mới của pháp luật về đất đai nên vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã bị hủy bỏ hoặc thay thế, nhiều trường hợp áp dụng sai quy định. Những bất cập này đã tạo nên những vụ việc khiếu kiện mới về đất đai. Đồng thời, sự yếu kém, bất cập trong công tác quản lý đất đai cùng với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có những hành vi vụ lợi trong quản lý, sử dụng đất đai, nhũng nhiễu, thiếu công tâm là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh những tranh chấp, khiếu nại về đất đai...
 
Tăng cường sự giám sát của các tổ chức, công dân
 
Để khắc phục bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, Bộ TN&MT cho biết, Luật Đất đai 2013 đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự theo dõi, giám sát, đánh giá của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về việc quản lý và sử dụng đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất. Theo đó, công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền.
 
Bên cạnh đó, luật cũng quy định về hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất để đánh giá việc thi hành pháp luật đất đai, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, sự tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước và các địa phương.
 
Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; quy định xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ vi phạm pháp luật đất đai và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.
 
Một số chuyên gia cho rằng, để hạn chế, ngăn chặn vấn đề này cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành để giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng chuyển đơn thư của công dân lòng vòng hoặc chậm giải quyết, né tránh trách nhiệm. Đồng thời, thường xuyên thanh kiểm tra phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, vi phạm trong thực hiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.
 
                                                                                                                                                             Trường Giang

Số lượt người xem: 3852    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm