• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
8
6
0
9
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 12 Tháng Tư 2019 10:30:00 SA

Xây dựng quy trình quản lý nhà nước về các hoạt động xây dựng bất động sản

 

(HCM CityWeb) - Ngày 10/4, UBND TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP. Tham dự và chủ trì hội nghị có: Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; đại diện các sở, ngành, các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.

 

Toàn cảnh hội nghị

 

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) tại hội nghị cho biết, các cơ quan của TP và Trung ương sau khi rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn TP, đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, Horea mong muốn UBND TP cho công bố danh mục 124 dự án này để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp người mua nhà yên tâm.

 

Hiệp hội cũng kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vì quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp do chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Liên quan đến đất công, Horea cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất mà Sở Tài chính đề xuất trước đây...

 

Đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giúp các dự án sớm triển khai

 

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều đại diện doanh nghiệp mong TPHCM có cơ chế để đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giúp các dự án sớm triển khai.

 

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long phân tích: Hiện nay, các chính sách từ Luật cho đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn có những chồng chéo, mâu thuẫn và không khả thi dẫn đến có nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán và có nhiều thanh tra, kiểm toán “treo” 2 - 3 năm chưa ra được kết luận, gây sự bất an, chưa rõ ràng cho doanh nghiệp. Những vướng mắc này thuộc về thẩm quyền của cấp Trung ương, do đó đề nghị TP có sự tác động ở mức độ cao hơn nữa.

 

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành trình bày về những khó khăn khi làm hồ sơ thủ tục đóng tiền sử dụng đất. Theo ông Nguyễn Văn Đực, ngoài Công ty Địa ốc Đất Lành, ông có thêm Công ty Địa ốc Xanh khi làm thủ tục pháp lý để xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất mất 18 tháng nhưng chưa xong do phải đi lòng vòng từ Cục Thuế TP đến UBND TP. Vì vậy, đề nghị UBND TP nên ủy quyền cho các sở, ngành giải quyêt vấn đề này. 

 

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland, kiến nghị TP sớm có văn bản “giải tỏa” 7 dự án nhà ở do công ty đầu tư tại quận Phú Nhuận để người dân được giao dịch.

 

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, công ty đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Đây chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công. Trong 150 ha này, bà Loan cho rằng, có một dự án đất ở diện tích 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè (TPHCM), khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã qua nhiều cấp. 

 

Xây dựng quy trình quản lý nhà nước về các hoạt động xây dựng BĐS

 

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ và nhận trách nhiệm. Hiện nay, UBND TP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an để thống nhất: Đối với những trường hợp TP thực hiện kế thừa, tiếp nối, nếu chưa phát hiện vấn đề gì thì vẫn làm bình thường; còn nếu phát hiện sai thì phải truy xử lý từ gốc.

 

Về các kiến nghị cụ thể, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, các dự án thanh tra kết luận có sai thì phải dừng lại để thực hiện theo đúng quy định. Những dự án mà cơ quan công an đang thụ lý thì dừng lại vì đây là luật quy định. Còn những dự án không thuộc hai trường hợp này, UBND TP làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ, cơ quan Kiểm toán… TP sẽ thống nhất tháo gỡ 124 dự án để tiếp tục làm (tiếp tục triển khai các thủ tục hành chính bình thường, nhưng phải đúng quy định pháp luật); còn trong quá trình triển khai, nếu phát hiện sai pháp luật thì phải ngưng lại. UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường mời doanh nghiệp lên để công khai đầy đủ, hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục, triển khai nhanh các dự án, không để lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.

Về 300 mặt bằng có ý kiến tạm dừng, hủy quyết định đầu tư, theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ được phép bán chỉ định nhưng các doanh nghiệp này không làm thủ tục tài chính. Đến nay đã quá thời gian quy định 24 tháng, các doanh nghiệp không mua thì Nhà nước thu hồi. UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính là Thường trực Ban chỉ đạo 167, mời doanh nghiệp lên để tìm hiểu lý do, nếu chính đáng mà có cơ sở xem xét tiếp tục bán thì đề xuất triển khai; còn nếu không thì thu hồi bán đấu giá, chứ không để lãng phí tài sản.

Đối với 7 dự án tại quận Phú Nhuận do Novaland làm chủ đầu tư, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo theo đề xuất của Sở Xây dựng, triển khai các thủ tục bình thường. Đến nay đã có 4 dự án hoàn tất các thủ tục, bán cho người dân. UBND TP không có văn bản nào chỉ đạo ngưng cấp giấy, giao dịch cho người dân.

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp BĐS đối với sự phát triển của TP. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chưa khi nào thời cơ cho kinh doanh BĐS, xây dựng lớn như hiện nay ở TP. Bởi vì, cứ 5 năm dân số TP tăng 1 triệu người và lo chỗ ở cho 1 triệu người là một thị trường lớn. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người của người dân TP tăng lên và sức chi trả tăng thêm.

 

Để giải quyết thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp BĐS được thuận lợi hơn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP xây dựng quy trình liên quan đến quản lý nhà nước về quá trình triển khai các hoạt động xây dựng BĐS để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án được biết; từng sở, ngành cần có thời gian giải quyết hồ sơ cụ thể. Đối với cơ chế xử lý các dự án xây dựng BĐS trong quá trình triển khai, trong quá trình vận dụng các quy định pháp luật mà còn có ý kiến khác nhau thì phải bàn bạc để tháo gỡ và nếu vượt thẩm quyền TP thì kiến nghị cấp Trung ương xem xét...

 

 

Nguồn: HCM CityWeb


Số lượt người xem: 2120    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm