• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
8
6
2
1
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 12 Tháng Năm 2017 8:05:00 SA

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mong muốn phát triển hợp tác với tất cả các quốc gia về các lĩnh vực khác nhau nhằm ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

 

 




 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp toàn thể 2 chiều 11/5/2017 với chủ đề "Ứng phó với biến đổi khí hậu"

 
Sáng 11/5 tại TP.HCM, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương về “Ứng phó biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc. Sau phiên khai mạc, Hội nghị đã họp Phiên toàn thể 1 với chủ đề “Các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của các Nghị viện để đạt Mục tiêu này” dưới sự điều hành của Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.
 

Chiều ngày 11/5, Phiên toàn thể 2 có chủ đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu” đã họp với sự tham dự của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Điều hành phiên họp toàn thể 2 là GS Mai Trọng Nhuận và GS Trần Thục. Hai Giáo sư đều là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

 

Phiên họp toàn thể 2 diễn ra với  sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Jenty Kirsch Wood, Cố vấn về thích ứng với BĐKH; ông Jesper Moller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam; bà Anna Schreyoegg, Cố vấn Chính sách và giảm thiểu tác động của BĐKH, GIZ Việt Nam; Nghị sỹ Lorna Anne C.Eden, Trợ lý Bộ trưởng Chính quyền địa phương, nhà ở và môi trường của Fiji…

 

Phiên họp chiều 11/5 đã giới thiệu bức tranh tổng quan và cập nhật về tình hình BĐKH trên toàn cầu và tác động của BĐKH đối với sự phát triển bền vững trong khu vực, các thách thức trước mắt và trong dài hạn đi kèm với những cơ hội mở ra cho việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững hơn. Các đại biểu đã trao đổi về cách thức các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiến hành để giải quyết các thách thức, khai thác các cơ hội này và các hành động của Nghị viện.


Tại phiên họp toàn thể thứ 2, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình BĐKH toàn cầu và sự tác động đến sự phát triển bền vững trong khu vực; những thách thức  ngắn hạn và dài hạn cũng như cơ hội và đề xuất cho sự thay đổi phát triển bền vững.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2016 lại phá kỷ lục của năm 2015, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử tồn tại của loài người; Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển tiếp tục tăng, đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm. Biến đổi khí hậu được dự báo là có nhiều diễn biến phức tạp trong những năm tới, tiếp tục tạo ra nhiều thách thức về kinh tế - xã hội, an ninh và môi trường.

Các thách thức này là do các tác động trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu, làm gia tăng mức độ rủi ro của các tác động hiện hữu khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên.

 

Nhiệt độ gia tăng, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt, triều cường, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm giảm khả năng cung ứng các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân đang là một trong các thách thức trực tiếp từ tác động của biến đổi khí hậu.

Lượng mưa giảm trong mùa khô gây nên hạn hán và tăng trong mùa mưa gây nên lũ lụt ở nhiều nơi; tần suất và cường độ các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng gia tănglàm tăng nguy cơ thiếu lương thực, xung đột tài nguyên, gia tăng ô nhiễm môi trường và có thể tạo ra bất ổn xã hội. 

 

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một trong những khu vực dễ bị tổng thương, chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều loại hình thiên tai, hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô, tần suất và mức độ ngày càng lớn. Số liệu 2015 cho thấy, trong tổng số 90 cơn bão toàn cầu, 344 thảm hoạ thiên tai thì có đến gần 50% số đó xuất hiện ở các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều loại hình thiên tai, thảm họa tự nhiên tác động nặng nề đến các quốc gia trong khu vực như Ấn độ, Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Srilanka, Trung Quốc... tác động trực tiếp đến 59,3 triệu người, khoảng 16.000 người tử vong, tăng gấp đôi so với năm 2014, gây thiệt hại kinh tế khoảng 45,1 tỷ USD, thậm chí con số còn cao hơn nếu tính toán các thiệt hại gián tiếp khác.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định: Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững đối với tất cả các nước trên thế giới, từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu cũng là cơ hội để các quốc gia thay đổi để phát triển, cụ thể như sau:

Một là, cơ hội tăng cường đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau về tài chính, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trên cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris.


Hai là, cơ hội thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, lối sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, từ sử dụng năng lượng đen sang phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình này.


Ba là, cơ hội cho đầu tư thông minh, thân thiện với khí hậu. Vấn đề này đã được xác định rõ như là một trong 3 mục tiêu chính của Thoả thuận Paris là nhằm “Điều chỉnh dòng tài chính phù hợp với lộ trình phát triển phát thải thấp và thích nghi khí hậu”.

 

GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH điều hành Phiên toàn thể chiều ngày 11/5

 

Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Nhận thức được những thách thức và cả những cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại, trong thời gian vừa qua Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã tiên phong trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại, thể hiện ở thành công nổi bật sau:


Một là, sớm xây dựng, ban hành và thực hiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hệ thống tổ chức ứng phó biến đổi khí hậu, là quốc gia đầu tiên xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu;


Hai là, phát huy sức sáng tạo cộng đồng, xã hội thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu: chung sống khôn ngoan với lũ lụt, hạn mặn và biến đổi khí hậu, chuyển hoá các thách thức từ biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển;


Ba là, tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu: các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, dự báo và xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá tổn thương; các công nghệ phát triển năng lượng tái tạo, các mô hình thông minh/thích ứng biến đổi khí hậu (làng, nông nghiệp, đô thị....); phát triển các tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu như viện/trung tâm biến đổi khí hậu;


Bốn là, triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

 

Các đại biểu dự Phiên toàn thể 2 buổi chiều ngày 11/5

 

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dẫn lời ông Ban Ki-Moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc: “Biến đổi khí hậu không quan tâm đến biên giới quốc gia nào, nó cũng không tôn trọng quy mô của một quốc gia hay sự phồn thịnh của quốc gia đó. Do đó, chúng ta xem nó như là một “thách thức toàn cầu”, đòi hỏi sự đoàn kết toàn cầu”. Theo tinh thần đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ở những khu vực khác nhau trong ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững trên các lĩnh vực sau:


Thứ nhất, để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia và khu vực, thông qua Liên minh Nghị viện Thế giới để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đầy đủ các quy định toàn cầu về BĐKH, bao gồm Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris… phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia hoặc khu vực trên cơ sở hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương.


Thứ hai, tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách, thể chế pháp luật về ứng phó với BĐKH ở mỗi nước; bảo đảm một bộ chính sách và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hài hoà, thống nhất để thực hiện đầy đủ các cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của mỗi nước, đáp ứng nhu cầu minh bạch trong việc hỗ trợ ứng phó với BĐKH phù hợp với yêu cầu của Hiệp định Paris. 

 

Thứ ba, khuyến khích mọi thành phần kinh kinh tế, mỗi cá nhân, tổ chức của mỗi nước nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, nâng cao mức độ đóng góp cam kết ở NDC để thu hẹp khoảng trống trong giảm phát thải toàn cầu và đạt được mục tiêu cuối cùng nêu trong công ước.

 

Thứ tư, phân bổ các nguồn lực quốc gia và tăng cường giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của các Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và công dân trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về thích ứng với BĐKH. Cụ thể là việc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ trong Công ước về BĐKH, Hiệp định Paris và các điều ước quốc tế liên quan khác về BĐKH.


Thứ năm, để phát triển và thông qua các chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, nhằm tăng cường sự đầu tư giảm lượng phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, dần dần chuyển đổi nền kinh tế từ  chủ yếu phụ thuộc vào vào nhiên liệu không tái tạo sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất và tiết kiệm năng lượng.

 

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trân trọng đề nghị Liên minh nghị viện thế giới (IPU) tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa trong việc giúp đỡ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và các biện pháp pháp lý để ứng phó với BĐKH.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 2353    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm