• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
6
5
0
1
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 11 Tháng Năm 2017 8:10:00 SA

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần đồng bộ, minh bạch

 


Ngày 9-5, Báo SGGP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố”. 

 

Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại TPHCM”, ngày 9-5

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của gần 50 chuyên gia, cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan. Các ý kiến cho rằng, để có thể cải thiện chất lượng môi trường thành phố, cần quản lý, nâng cấp công tác thu gom, quét dọn rác. Việc đấu thầu thu gom quét dọn rác đã được phân cấp cho quận, huyện nhưng phải minh bạch. Cuối cùng là thực hiện cho được chương trình phân loại rác tại nguồn. 

Hạ tầng tiếp nhận rác manh mún

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, thành phố đang có 22 công ty dịch vụ công ích quận huyện, 1 Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị chịu trách nhiệm thu gom, quét dọn rác tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Thế nhưng rác vẫn ngập đường phố. Đặc biệt, tại quận huyện vùng ven, ngoại thành, khu vực giáp ranh quận huyện, mặt đường, cầu. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đó là do chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường kém nhưng thực tế không phải như thế. Hiện chỉ có 40% trong tổng lượng rác thải sinh hoạt do lực lượng rác chính quy thu gom. Số còn lại do lực lượng rác dân lập thu gom. Lực lượng này chịu trách nhiệm thu gom rác tại hộ dân và tập kết tại các điểm hẹn nhưng do lực lượng này không chịu bất kỳ sự quản lý của cơ quan chức năng nào nên chất lượng dịch vụ rất kém. Lực lượng này cũng thiếu hợp tác đồng bộ với lực lượng chính quy.

Một vấn đề nóng khác là số lượng trạm trung chuyển rác cũ đang giảm dần do đóng cửa trong khi quy hoạch mới cho trạm này lại không được quận huyện ưu tiên chừa quỹ đất, khiến cho ô nhiễm thứ cấp trong hoạt động thu gom rác ngày càng tăng. Đại diện UBND quận 9 cho biết, trên địa bàn quận đã giảm từ 9 trạm trung chuyển xuống còn 3 trạm nên tình trạng quá tải tại các trạm luôn thường trực. Quận đã thực hiện phân giờ để hạn chế ô nhiễm thứ cấp do xe rác tập trung nhiều nhưng do không thể chờ lâu, các xe rác thường đổ thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân. Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết, chỉ sau khi đóng cửa trạm trung chuyển rác tại quận Bình Thạnh, trên địa bàn quận phát sinh 40 điểm tập kết rác. Tại các điểm tập kết rác không có đầu tư hạ tầng tiếp nhận giống như trạm trung chuyển nên ô nhiễm mùi hôi, nước là khó tránh khỏi. Mặt khác, các trạm trung chuyển hiện tại được đầu tư và vận hành 100% chi phí của công ty. Trong khi đó nếu đúng ra là thành phố phải chi trả chi phí vận hành cho đơn vị đầu tư. Nếu cách tính và trả chi phí không đúng và đủ như hiện nay thì rất khó để các đơn vị đầu tư nói chung đảm bảo chất lượng môi trường cho các trạm trung chuyển. 

Liên quan đến hoạt động quét dọn và vận động người dân thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN), nhiều đại biểu cho rằng đang có sự chồng chéo và bất cập. Cụ thể, với hoạt động quét dọn rác, cùng một tuyến đường nhưng có đến 4 đơn vị cùng thực hiện quét dọn rác là công ty dịch vụ công ích quận, huyện; Công ty Công trình giao thông công cộng; Công ty Quản lý cầu phà và công ty công viên cây xanh. Thế nhưng, đường vẫn bẩn, mặt cầu và chân cầu vẫn ngập rác, bụi và xà bần. PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn cho biết thêm, với chương trình PLRTN, dù đã thực hiện rất nhiều lần, người dân tiếp nhận và thực hiện khá tốt nhưng công tác thu gom không đồng bộ nên kết quả thực hiện chưa cao, gây mất niềm tin của cộng đồng vào chương trình. 

Chưa hết, GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT, Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, công nghệ xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp mà thành phố đang áp dụng (chiếm 80% tổng lượng rác thải sinh hoạt) đang tiềm ẩn nhiều rủi ro ô nhiễm môi trường. Quy cách xây dựng mà bãi chôn lấp rác đang áp dụng theo tiêu chuẩn Mỹ. Trong khi đó, đặc thù quy cách này là xây dựng trên nền đất cứng, còn tại thành phố là đất sình lầy. Nhà đầu tư chưa tính hết yếu tố sụt lún hạ tầng nên nguy cơ rò rỉ nước rỉ rác ra môi trường là khó tránh khỏi. 

Minh bạch, công bằng với nhà đầu tư môi trường

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, phải cải thiện lại hiện trạng quản lý rác thải hiện nay. Trước mắt phải đưa được lực lượng rác dân lập vào quản lý. Họ phải hoạt động đúng quy định, đảm bảo chất lượng, thời gian, trang thiết bị đúng quy chuẩn khi tham gia vào hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. 

 

Kênh Tàu Hủ xanh đẹp sau khi được cải tạo, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường TPHCM . Ảnh: Cao Thăng

Với khía cạnh là nhà đầu tư, ông Huỳnh Minh Nhựt cho rằng, thành phố cần phải tính đúng, tính đủ cho dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Cụ thể, với trạm trung chuyển, phải thiết lập và giữ quy hoạch diện tích đất dành cho công trình này. Địa bàn thành phố rộng, mật độ giao thông dày đặc, hệ thống tuyến đường hẻm nhiều nên không thể áp dụng giải pháp sử dụng xe ép rác thu dọc tuyến mà bắt buộc phải sử dụng xe ép cỡ nhỏ để thu gom. Và như vậy thì phải có những trạm trung chuyển rác. Thành phố cũng có thể thực hiện xã hội hóa đầu tư trạm trung chuyển này theo quy chuẩn chất lượng nhất định. Vấn đề còn lại phải tính đúng và trả đủ chi phí vận hành cho nhà đầu tư. 

Riêng hoạt động xử lý chất thải, công ty thống nhất với chủ trương của thành phố là phải cải tiến công nghệ xử lý theo hướng giảm chất thải chôn lấp và tăng lượng rác tái chế. Để có thể thực hiện được vấn đề này, thành phố cần khống chế giá thành đầu vào và tăng giá thành đầu ra với những sản phẩm làm từ rác như điện sạch, compost… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm vừa có lợi cho môi trường và người dân. Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, cơ quan chức năng khống chế đầu vào xử lý rác thải là khoảng 16cent/tấn nhưng ngược lại đầu ra là điện từ rác lại được nhà nước mua với 17cent/tấn. Hiện công ty đã và đang vận hành nhà máy xử lý rác thành điện năng tại Gò Cát. Điện rác đang được bán với giá 1.500 đồng/kWh - quá thấp. 

Việc phân cấp đấu thầu thu gom quét dọn rác về cho các quận huyện là hợp lý. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Văn Phước, cùng với vấn đề phân cấp, cần phải áp dụng cơ chế giám sát độc lập để minh bạch quá trình đấu thầu và lực chọn thầu. Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có năng lực tham gia thầu và nhận thầu, tránh tình trạng doanh nghiệp năng lực kém nhưng nhờ “lót tay” mà lại được trúng thầu. 

Với chương trình PLRTN, để tránh đi vào vết xe đổ trước đây, giải pháp thực hiện phải tính đến lợi ích cho người dân. Đơn cử như mô hình khu phố xanh do công ty thực hiện với sự tham gia của hơn 2.000 hộ dân quận Tân Phú. Sở dĩ các hộ dân đã duy trì thường xuyên hoạt động phân loại rác tại nguồn từ năm 2013 đến nay là do công ty đã áp dụng chính sách tích điểm từ rác vô cơ đổi đổi phiếu quà tặng siêu thị Co.op. Chính sách này đem lại những lợi ích kinh tế nhất định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân thực hiện PLRTN và quan trọng hơn, thành phố thực hiện được hiện quả chương trình PLRTN, tiến tới giảm chi phí xử lý rác nhờ tăng lượng rác tái chế. 

Về phía Sở Giao thông Vận tải cho biết đang đẩy nhanh việc  phân cấp và giao toàn quyền quận huyện phụ trách, chịu trách nhiệm công tác vệ sinh cầu đường và dạ cầu. Việc thực hiện có thể chồng lấn ranh giới qua các quận huyện khác để giảm chồng chéo khu vực giáp. Dự kiến đến tháng 5 sẽ có kết quả đánh giá và giải quyết dứt điểm tình trạng chồng chéo trong hoạt động vệ sinh môi trường nhưng chất lượng vẫn kém. 

Kết luận tại cuộc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đơn vị chức năng và sự ghi nhận của Sở TN-MT về việc cần thiết phải áp dụng các giải pháp mới, quyết liệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Với vai trò là đơn vị tuyên truyền, Báo SGGP sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường của thành phố. Báo SGGP cũng sẽ tiếp tục ghi nhận và thông tin tiếp những ý kiến đóng góp của bạn đọc, chuyên gia, tổ chức cá nhân về giải pháp cải thiện chất lượng môi trường cho thành phố.

* Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng: 


Sở TN-MT ghi nhận tất cả những đóng góp của các chuyên gia, các cơ quan chức năng cho vấn đề môi trường. 6 vấn đề nêu ra trong tọa đàm sẽ được sở ghi nhận và chuyển vào báo cáo với UBND TP và cuộc họp của HĐND TPHCM vào cuối tháng 5 tới. Thứ nhất, xem xét cải thiện hiệu quả quản lý lực lượng rác dân lập. Đây được xem là yếu tố mấu chốt để cải thiện chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Thứ hai là sở yêu cầu quận huyện giữ cho được diện ích đất dành cho trạm trung chuyển, điểm hẹm kết hợp điều chỉnh quy hoạch xây dựng phù hợp, từ đó, tạo cơ sở để lập dự án đầu tư từ vốn ngân sách. Thứ ba là xem xét lại cách tính chi phí vận hành trạm trung chuyển sao cho tính đúng, tính đủ, đảm bảo lợi ích cho đơn vị đầu tư. Thứ tư là quyết tâm thực hiện PLRTN. Việc phân loại rác phải được thực hiện từ hộ gia đình, lực lượng thu gom, nhà máy xử lý. Đây là cơ sở để tăng lượng rác tái chế. Thứ năm là phương tiện vận chuyển, thành phố sẽ đưa ra quy định cụ thể để các công ty dịch vụ công ích xây dựng lộ trình đầu tư. Riêng với phương tiện mà lực lượng thu gom rác dân lập sử dụng để thu gom rác từ hộ gia đình đến các điểm hẹn, sở sẽ có chính sách hỗ trợ tài chính để lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi phương tiện theo đúng quy cách mà thành phố yêu cầu. Thứ sáu là, sở sẽ đẩy mạnh việc phân cấp về cho các quận huyện thực hiện đấu thầu thu gom, quét dọn kết hợp tính toán lại diện tích lòng đường cần quét để đảm bảo yêu cầu chất lượng vệ sinh môi trường của thành phố. 


* GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT, ĐHQG TPHCM: 


Hiện nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải theo phong trào mà chưa đi vào cụ thể dẫn đến kết quả chưa được như ý muốn. TPHCM đặt mục tiêu thu gom 100% rác thải, tuy nhiên, rác thải ở khu vực ngoại thành vẫn tràn lan, bỏ bừa bãi chỉ một phần trong nội thành là làm được. Chúng ta phải phân tích từng đối tượng cụ thể để có cách tuyên truyền phù hợp, nên giao cho tổ khu phố hoặc tổ tự quản môi trường ở quận huyện đảm đướng nhiệm vụ này. Phải đưa ra tiêu chí người gây ô nhiễm phải trả tiền để có chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đối với phương tiện vận chuyển rác nên xã hội hóa việc đầu tư loại phương tiện này, phải tổ chức đấu thầu để xem đơn vị nào đáp ứng được các tiêu chí thành phố yêu cầu thì sẽ lựa chọn. Mặt khác, thành phố đang khuyến khích xử lý rác thải thành phân compost và phát điện song vấn đề đặt ra ở đây là thành phố phải có giải pháp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm này. 


* PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH TN-MT:


rác thải thì mỗi ngày một tăng mà thành phố vẫn chỉ mới có các giải pháp thí điểm. Thực tế, nhiều người dân đã ý thức được việc phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên sau khi thu gom lực lượng thu gom và vận chuyển rác lại đổ chung với nhau. Chính sự thiếu đồng bộ giữa các khâu nên kết quả chưa được như mong muốn. TPHCM cần đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với từng đối tượng; từng bước áp dụng và đẩy mạnh công nghệ trong xử lý rác thải để tạo ra những sản phẩm có ích từ rác, phải xem rác là tài nguyên thứ cấp chứ không phải thứ bỏ đi. Thành phố cần phải đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác thu gom vận chuyển và xử lý rác thải thì mới tạo ra được sự cạnh tranh. Việc khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, từng cá nhân phải nhận thức được trách nhiệm và cùng chung tay bảo vệ môi trường, mới có thể tạo ra chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. 

 

 Xem thêm tại đây: http://www.sggp.org.vn/giai-phap-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-can-dong-bo-minh-bach-443951.html

 

Nguồn: Báo SGGPO


Số lượt người xem: 2439    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm