• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
6
7
9
3
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 06 Tháng Tư 2016 2:55:00 CH

Môi trường nông thôn “oằn mình” vì thuốc bảo vệ thực vật

 




Thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường nông thôn

 
 
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giờ đây không còn là “vũ khí” tối thượng giúp người nông dân chống lại sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập trên mỗi cánh đồng, bởi những tác động tiềm ẩn về môi trường và sức khỏe con người.
 

 

 

Con dao hai lưỡi

 

Có vai trò quan trọng trong việc giữ vững năng suất, đảm bảo an ninh lương thực, thuốc BVTV được sử dụng hầu khắp ở các vùng trên cả nước với chủng loại và lượng dùng ngày càng tăng.

 

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 3 năm gần đây, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần. Chính việc lạm dụng thuốc BVTV đã gây nên những tác hại lớn tới môi trường.

 

Theo một con số được đưa ra bởi các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. Lượng thuốc BVTV dư thừa thẩm thấu xuống đất và nguồn nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do ý thức của người dân còn kém nên sau khi sử dụng thuốc, vỏ bao bì được vất ngay xuống đồng ruộng.

 

Vì vậy, “căn cứ vào số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm thì môi trường Nông nghiệp Việt Nam có khoảng từ 150 - 200 tấn thuốc từ bao bì thải loại vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường”, GS. TS. Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết.

 

PGS Đỗ Kim Vân dẫn một nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam cho thấy, lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc BVTV còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc. “Thói quen xả thải bừa bãi các vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV là nguồn tiềm ẩn nguy hiểm gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất ở các vùng nông thôn”, PGS Vân nói.

 

Nguy hiểm hơn trong việc sử dụng thuốc BVTV là tồn tại hơn 1.560 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, có khoảng 200 điểm trong số này có mức độ rủi ro cao. Đặc biệt, số điểm ô nhiễm này tăng hàng năm sau. Đây chính là những “quả bom nổ chậm” khi nó nằm lẫn trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và sức khỏe con người.

 

Kiên trì vì môi trường nông nghiệp sạch

 

Để khắp phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các Bộ, ngành trung ương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động nguy hại từ việc sử dụng thuốc BVTV. Các chương trình tuyên truyền để cải thiện ý thức dùng thuốc BVTV an toàn đã được triển khai và từng bước đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 -2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương mới xử lý được 60 điểm tồn lưu hóa chất BVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đạt gần 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai xử lý thí điểm tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất chứa chất BVTV tồn lưu, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất này. Nhưng với số lượng các điểm tồn lưu hóa chất BVTV đã phát hiện thì việc xử lý vẫn còn quá khiêm tốn.

 

Để xử lý vấn đề này, Bộ TN&MT đã phối hợp với các ban, ngành, các địa phương xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường. Bộ cũng đang phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) xây dựng dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV dạng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tồn lưu tại Việt Nam” để tiếp tục điều tra, bổ sung các khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu; tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm tại các điểm này.

 

Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo một Thông tư ban hành về việc thu gom và xử lý rác thải từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Một khi được thông qua, quy định đó sẽ có những chế tài cụ thể đối với những hành vi gây hại cho môi trường, góp phần trả lại môi trường sản xuất nông nghiệp sạch.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT.


Số lượt người xem: 5777    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm