• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
5
0
7
6
4
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 06 Tháng Tám 2015 1:50:00 CH

Mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia: Chưa đáp ứng nhu cầu trong quản lý

 


 

 
(TN&MT) - Những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã dẫn đến những biến động lớn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và các dạng tài nguyên. Tuy nhiên quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 còn bộc lộ nhiều bất cập.
 
 
Nhiều nhưng chưa phù hợp với xu thế
 
 
Dự thảo tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030  nêu rõ qua 7 năm thực hiện quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập. Hiện trên cả nước đã xây dựng và vận hành mạng lưới với gần 700 trạm và gần 2.000 điểm quan trắc tài nguyên và môi trường. Hệ thống mạng lưới quan trắc được trải đều trên cả nước đã thu thập được khối lượng lớn tư liệu của nhiều lĩnh vực, tuy nhiên số liệu này chưa đáp ứng tốt nhất nhu cầu phục vụ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
 
 
Theo xu thế phát triển và quá trình đô thị hóa, năm 1999 cả nước có 629 đô thị, đến nay có 772 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I. Tính trung bình 1 đô thị chưa có đến 1 trạm quan trắc. Trong khi đó, sự bùng nổ đô thị hóa lại dẫn tới nhiều vấn đề ô nhiễm phát sinh gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Mặt khác, mạng lưới quan trắc của Việt Nam đã được xây dựng ở rộng khắp và trải đều ở các tỉnh nhưng chưa có quy hoạch quan trắc kiểm soát tài nguyên nước, nguồn nước xuyên biên giới, điều tiết hồ chứa nước. Mạng lưới quan trắc cũng chưa tính đến mô hình dự báo số trị, mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển, mạng lưới ra đa biển, trạm phao biển, mạng quan trắc tai biến địa chất và các trạm định vị vệ tinh và địa động lực.
 
 
 Nhiều hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường được Bộ TN&MT đưa vào khai thác sử dụng
Nhiều hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường được Bộ TN&MT đưa vào khai thác sử dụng
 
 
Một vấn đề nữa đang đặt ra đối với công tác quản lý Nhà nước  là việc một số chương trình đề án lớn của Chính phủ cần thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường như Đề án Bảo vệ môi trường đối với các lưu vực sông có nguy cơ ô nhiễm lớn như lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Các Đề án này đặt ra yêu cầu tăng cường mạng lưới thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường nhưng chưa thể đáp ứng được thực tế đang diễn ra. 
 
 
Ngoài ra, việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng mạng lưới quan trắc cũng lộ rõ nhiều hạn chế. Phần lớn hiện nay, các trạm, điểm quan trắc trong mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Bộ TN&MT và các Bộ ngành khác được đầu tư từ năm 2007. Từ năm 2007 đến nay chỉ có  Bộ TN&MT đầu tư cho toàn bộ mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường là 1.746.686 triệu đồng; Bộ Quốc phòng đã đầu tư cho mạng lưới quan trắc môi trường cho khoảng 50.000 triệu đồng. Các bộ, ngành khác không có đầu tư mới, việc duy tu sửa chữa thay thế trang thiết bị được chủ yếu sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường khiến việc cải thiện và xây dựng thêm gặp nhiều hạn chế.
 
 
 
Tăng dày quan trắc nhưng không lãng phí!
 
 
Theo Dự thảo nội dung Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 7 mạng thành phần theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT và 1 mạng phòng thí nghiệm. Theo đó, mạng quan trắc tài nguyên và môi trường toàn quốc quy hoạch giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 1.685 trạm quan trắc, 6.332 điểm quan trắc và 15.557 công trình quan trắc. Với định hướng lồng ghép các trạm, điểm, công trình quan trắc để xây dựng các trạm tổng hợp nhằm hạn chế đầu tư và hạn chế sử dụng đất đai. Quy hoạch này sẽ lồng ghép 62 trạm quan trắc 3 lĩnh vực (khí tượng, môi trường, đo đạc bản đồ) với 167 trạm và 768 điểm quan trắc cho hai lĩnh vực khí tượng thủy văn cùng các điểm quan trắc nước dưới đất.
 
 
Quan điểm của Bộ TN&MT trình Chính phủ phê duyệt của việc xây dựng quy hoạch này phải có tính kế thừa, tận dụng tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có; đầu tư xây dựng mới phải có tập trung, có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu số liệu, thông tin điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường của đất nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đồng thời mạng lưới quan trắc phải đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, toàn diện trên phạm vi toàn lãnh thổ và có đội ngũ cán bộ năng lực để vận hành. Đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quan trắc, phân tích truyền tin và xử lý thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa trên cơ sở phát huy nguồn lực sáng tạo…
 
 
Tại Hội thảo “Xin ý kiến của các Bộ, ngành để góp ý cho dự thảo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, các đại biểu cho rằng, trong mục tiêu dự thảo quy hoạch cần phải lồng ghép mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường với các bộ ngành khác. Đồng thời, bổ sung cụ thể các chỉ số cần đạt được trong mỗi mục tiêu của từng Bộ ngành từ đó làm rõ hơn mục tiêu đối với Bộ ngành. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường hơn nữa việc kết nối sử dụng các thông tin dữ liệu giữa các trạm quan trắc của Bộ ngành và địa phương để tạo nên một hệ thống dữ liệu thống nhất và đầy đủ phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
 
 
 
 
 
 
 
Theo Website Bộ TNMT.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Số lượt người xem: 4613    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm