• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
6
9
1
0
4
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 15 Tháng Mười Một 2014 11:05:00 SA

Hoán đổi ngày làm việc để nghỉ lễ, Tết kéo dài: Tiện cho ai?

 (PLO)- Bắt đầu từ năm 2013, Chính phủ đã thực hiện việc hoán đổi ngày nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ khác để cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ liền và dài ngày trong các dịp lễ, Tết. 

Năm 2013, lần đầu tiên các cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày, Tết Âm lịch 9 ngày (từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 8 Tết), nghỉ lễ Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm ngày (tổng cộng 18 ngày). 

Qua năm 2014 cũng tương tự, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Tết âm lịch 9 ngày, lễ 30-4, 1-5 nghỉ 5 ngày và 2-9 nghỉ 4 ngày (tổng cộng 18 ngày).

Năm nay, ngay tháng cuối năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án nghỉ tết Nguyên đán và các dịp lễ trong năm 2015Theo đó, nghỉ Tết Nguyên đán năm 2015 dự kiến cũng sẽ kéo dài 9 ngày, dịp Giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm Giải phóng miền Nam, Quốc tế lao động cũng được đề xuất nghỉ liền một mạch với tổng số ngày nghỉ là 8 ngày.

Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc nghỉ lễ kéo dài sẽ có lợi hơn hay có hại nhiều hơn.

Lợi

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc hoán đổi ngày nghỉ làm các kỳ nghỉ lễ, tết được kéo dài hơn, người lao động có thể chủ động sắp xếp công việc, giải quyết việc của gia đình, nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe; chăm sóc, gần gũi các thành viên trong gia đình. 

Các ngày làm việc được liền mạch, không ngắt quãng.

Nhiều gia đình, hai vợ chồng quê ở hai nơi, nghỉ ít ngày quá nên khó sắp xếp được ăn Tết ở đâu, vì chuyện này mà đã lục đục, cắn rắn nhau vì ai cũng muốn đưa gia đình về nhà mình ăn Tết.

Chị HC tâm sự: “Tết chỉ được nghỉ có 4 ngày, năm nào vợ chồng tôi cũng giận hờn nhau về việc ăn Tết ở đâu, quê vợ hay quê chồng. Từ khi hoán đổi ngày nghỉ, Tết được nghỉ dài ngày vợ chồng tôi nhẹ hẳn cả người, năm nào cũng được ăn Tết ở cả hai quê”.

 

Tranh thủ đi xe đò về quê ăn Tết 

 

Những công nhân quê ở xa, nghỉ ít ngày quá thì không thể về thăm quê, thăm gia đình, con cái. Đi xe ô tô, tàu thì không có đủ ngày nghỉ. Nhiều người hàng 4, 5 năm vẫn chưa thể về thăm quê. Phải dành dụm thật lâu mới có đủ tiền mua vé máy bay tranh thủ bay về đoàn tụ gia đình. Tết được nghỉ dài ngày, mọi người có thể đi xe đò, tàu để về thăm quê, được ăn tết với gia đình mà vẫn còn đủ ngày để quay lại làm việc.

Nghỉ lễ kéo dài cũng là dịp người lao động được nghỉ xả hơi sau nhiều ngày lao động liên tục, căng thẳng, mệt mỏi. Mọi người tranh thủ dịp này nghỉ ngơi; tổ chức đưa gia đình đi chơi xa thăm bà con, họ hàng, đi du lịch, vui chơi, thư giãn.

 

Đưa gia đình đi du lịch xa

Cũng có ý kiến cho rằng hoán đổi ngày làm việc còn tránh được việc ngày làm, ngày nghỉ lắt nhắt; có nhiều ngày nghỉ lễ trong năm mà nghỉ ít ngày quá cũng chẳng làm được việc gì, không đi được đâu. Chưa kịp nghỉ lại phải quay lại làm việc ngay cũng khiến tâm lý không ít người mệt mỏi, căng thẳng thêm.

 


 
Ngoài ra, nghỉ lễ dài ngày, người dân đi du lịch, mua sắm nhiều cũng là một cách kích cầu, thúc đầy nền kinh tế phát triển như Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu ý kiến khi lần đầu đề xuất hoán đổi kéo dài ngày nghỉ lễ, tết.

Hại

Lịch hoán đổi ngày nghỉ chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là công chức, viên chức), nghĩa là chỉ áp dụng với "người nhà nước". Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của việc hoán đổi ngày nghỉ này lại phủ sóng mọi hoạt động của xã hội và gây nên nhiều ý kiến trái chiều về những sự bất tiện khi thực hiện.

Đơn cử như cũng vì có chung suy nghĩ nghỉ lễ dài ngày nên tranh thủ đi du lịch, tranh thủ về quê mà mỗi dịp lễ Tết, giao thông luôn là nỗi ám ảnh của mọi người trên cả nước. Tình trạng kẹt xe diễn ra khắp nơi; các khu vui chơi, du lịch luôn trong tình trạng quá tải; nạn chặt chém hoành hành, tai nạn giao thông tăng cao, vấn nạn móc túi, cướp giật.v.v. xảy ra khắp nơi.

Nhiều kỳ nghỉ lễ đã trở thành ác mộng của nhiều gia đình.

 

Tai nạn tàu hỏa kinh hoàng ở Sa pa dịp lễ 2-9-2013 khiến 12 người bị chết, 41 người bị thương

Sau mỗi kỳ nghĩ lễ, tết, các báo lại đồng loạt đưa tin thống kê về các vụ tai nạn thương tâm, những con số tai nạn, vi phạm gia thông, tội phạm… át cả niềm vui nghỉ lễ vừa diễn ra.

Đặc biệt, có nhiều ý kiến cho rằng hoán đổi ngày làm việc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước. Hiện nước ta đã gia nhập WTO nên các công ty nước ngoài đến kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam là rất nhiều và ngược lại, các DN Việt Nam ký kết hợp tác với các công ty nước ngoài cũng không ít.

Người nước ngoài sẽ không thể hiểu nổi nếu tất cả công nhân người Việt Nam và các đối tác DN Việt Nam “đột nhiên” “án binh bất động” trong gần nửa tháng trời, không ở đâu làm việc, xác nhận giấy tờ hay thông quan hàng hóa… Việc này có ý kiến cho rằng sẽ gây thiệt hại không ít cho các công ty, hay doanh nghiệp nếu không kịp hoàn thành hợp đồng theo đúng tiến độ đã ký kết trước đó.

 

Giao thông ùn tắc sau mỗi kỳ lễ, Tết là ác mộng của mọi người

Nhiều phụ huynh còn phàn nàn việc các em học sinh được nghỉ lễ kéo dài gây “khủng hoảng” thật sự cho phụ huynh không phải là cán bộ, công chức nhà nước. Những ngày cuối năm thường rất bận rộn, các em nghỉ sớm nên sẽ không có ai trông coi, các em dễ tụ tập sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Những em nhỏ đi mẫu giáo còn là nỗi đau đầu của phu huynh khi không tìm được chỗ gửi con trong những ngày, tháng cuối năm “nóng bỏng”.

Ngoài ra, cỏn có rất nhiều ý kiến có chỉ ra rằng, hoán đổi ngày làm việc thực sự không hiệu quả. Những ngày làm bù ít có ý nghĩa bởi tâm lý người dân cũng ít khi nhớ được hôm đó là ngày làm bù để đến giải quyết công việc. Nghỉ Tết kéo dài khiến việc bắt nhịp trở lại để làm việc cũng chậm, làm việc không hiệu quả do tâm lý còn "mơ màng" việc ăn chơi vừa qua.

Vậy theo bạn, việc hoán đổi ngày làm việc để kéo dài ngày nghỉ lễ, Tết có hợp lý không? Có phù hợp tình hình xã hội hiện nay không? Nên nghỉ và làm việc đúng theo Bộ Luật Lao động đã quy định hay làm bù, nghỉ dồn là tốt hơn? Việc nào là tốt nhất cho bạn? Chúng tôi hoan nghênh tất cả những ý kiến đóng góp, nhận định của bạn đọc xung quanh vấn đề này. Các bạn có thể gửi ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài viết này.

 

Điều 115 Bộ Luật lao động quy định về Nghỉ lễ, tết:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Như vậy tổng các ngày được nghỉ chính thức về lễ tết là 10 ngày.

LIÊN THANH


Số lượt người xem: 4347    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm