• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
6
2
7
7
Thông tin cần biết 16 Tháng Giêng 2017 2:05:00 CH

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tạo thế và lực mới cho sự phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường

 





 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Hoàng Minh)

 
Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu, Tiến sỹ Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã dành cho Báo Tài nguyên và Môi trường cuộc phỏng vấn về những vấn đề mà ông quan tâm, kỳ vọng trong năm 2017.
 

PV: Năm 2016 vừa qua là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân triển khai thực hiện nhiệm vụ đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vào cuộc sống, xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật mà Bộ TN&MT đã đạt được?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2016 là năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân, Bộ TN&MT đã nắm bắt kịp thời sự vận động của thực tiễn; đổi mới trong công tác điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trong khuôn khổ cuộc trả lời phỏng vấn này, tôi có thể nói ngắn gọn về những kết quả nổi bật mà ngành TN&MT đã đạt được trong một năm vừa qua:

Một là, chúng ta đã kịp thời đổi mới tư duy theo tinh thần của Chính phủ: liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân. Đây là một thay đổi lớn hy vọng mang lại sinh khí mới, khơi dòng cho cuộc sống phát triển một cách mạnh mẽ, vững chắc ở nước ta trong nhiều năm tiếp theo. Sự thay đổi tư duy này được bắt nguồn từ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và phải được lan tỏa đến mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến địa phương. Sự đổi mới tư duy này cũng có đòi hỏi rất cao về tính sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác lãnh đạo cho đến từng công chức trong hệ thống quản lý Nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành TN&MT đã, đang và sẽ thấm nhuần tinh thần đổi mới này để nâng cao hiệu quả công việc của mình.

Hai là, trong năm 2016, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống tổ chức bộ máy của ngành nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng một cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả. Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ TN&MT đang trong quá trình hoàn thiện. Chúng tôi mong muốn, thông qua Nghị định này, cơ cấu tổ chức của ngành sẽ có nhiều đổi mới, sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.

Ba là, hệ thống chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của ngành đã được rà soát trên tinh thần xóa bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và mỗi người dân. Những văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của ngành gây trở ngại, tốn kém, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nếu thuộc quyền hạn của Bộ TN&MT sẽ được sửa chữa hoặc thậm chí hủy bỏ ngay. Trong trường hợp các văn bản này thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn, sẽ được kiến nghị càng sớm càng tốt. Sự kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được nhân dân đánh giá cao.

Bốn là, trong năm 2016, chúng ta cũng đã hoàn thành thực hiện 501 trong tổng số 596 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có chất lượng tốt, đang tích cực triển khai 88 nhiệm vụ trong thời gian được giao. Chỉ còn 1,2% các nhiệm vụ chưa được thực hiện đúng tiến độ. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ và rõ ràng, chúng ta đã rất cố gắng để hoàn thành nó. Trong số các nhiệm vụ đó, có thể kể ra là:

Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương, tập trung xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm, được dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra ngoài việc xử lý, chấn chỉnh công tác quản lý TN&MT còn phát hiện những bất cập, lỗ hổng trong chính sách, pháp luật để tiếp tục hoàn thiện.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều sai phạm trong thực thi công vụ được xử lý nghiêm minh.

Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đối thoại trực tiếp với nhân dân và doanh nghiệp nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thông qua đó, nắm bắt kịp thời những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành TN&MT để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn...

Trong năm qua, Bộ TN&MT đã tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các rủi ro, sự cố do cả nhân tai lẫn thiên tai gây ra. Trong công việc này có thể nói rằng, chúng ta đã làm hết sức mình để giảm thiểu hậu quả các rủi ro, sự cố đó, bảo vệ quyền lợi và tính mạng của người dân. Chúng tôi tin rằng, đa số người dân hiểu được sự cố gắng của chúng ta và cùng với chúng ta chia sẻ khó khăn, vượt qua thách thức.

 

PV: Với một năm có nhiều “sóng gió” đối với ngành, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung, xin Bộ trưởng cho biết, ngành TN&MT sẽ phải tập trung vào những giải pháp chủ yếu nào trong thời gian tới, để không còn xảy ra sự cố môi trường nhưng vẫn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của đất nước?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi đã nhiều lần phát biểu trên các diễn đàn và trả lời báo chí về sự cố môi trường miền Trung. Đến thời điểm này, việc khắc phục các lỗi kỹ thuật gây ra sự cố đã được chủ đầu tư thực hiện đạt 93%. Công việc sẽ được tiếp tục một cách khẩn trương, cầu thị để mọi lỗi kỹ thuật đều được khắc phục một cách triệt để, nhằm vận hành nhà máy một cách an toàn, hiệu quả. Chủ đầu tư đã cam kết thay đổi công nghệ ở những công đoạn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm theo hướng hiện đại hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Trong năm 2017, để hạn chế đến mức tối đa khả năng gây ra sự cố môi trường, một số giải pháp chính đã được đưa ra. Cụ thể:

Cuối năm 2016, chúng ta đã tiến hành thanh tra hàng loạt các cơ sở sản xuất có quy mô xả thải lớn (200m3/ngày đêm trở lên) trên phạm vi toàn quốc. Kết quả thanh tra cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất chưa đáp ứng quy chuẩn xả thải của Việt Nam. Đầu năm 2017, tất cả những cơ sở thuộc loại này sẽ phải hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Tiếp tục rà soát về bảo vệ môi trường tất cả các tổ chức sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, bắt buộc họ thực thi một cách nghiêm chỉnh các giải pháp được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Mọi hành vi vi phạm về môi trường, thậm chí, ngay cả ĐTM đã được phê duyệt nhưng chưa tính hết các nguy cơ cũng sẽ được xử lý theo luật định một cách kiên quyết, không khoan nhượng.

Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp của địa phương trên tinh thần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Người đứng đầu chính quyền của từng cấp sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi được phân công chịu trách nhiệm.

Nâng cao nhận thức và văn hóa ứng xử với môi trường của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, của mỗi công dân thông qua việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các chương trình phát triển đất nước.

Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường cũng sẽ được xem xét một cách nghiêm túc, có tầm nhìn dài hạn, có tính liên vùng trong các chương trình phát triển ở cấp quốc gia hoặc địa phương. Chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến những chỉ số quan trọng về môi trường: sức chịu tải của môi trường, công nghiệp sản xuất phát thải các bon thấp…

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát về môi trường trên phạm vi cả nước. Vấn đề đặt ra, việc thanh tra sẽ phải được thực hiện với sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để không chồng chéo. Việc thanh tra cũng phải được thực hiện bởi những công chức có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao. Việc thanh tra cần phải được thực hiện nhờ các trang bị thiết bị kỹ thuật tiên tiến, để có thể ghi nhận các dấu hiệu ô nhiễm một cách chính xác, nhanh chóng, tự động và liên tục. Nghĩa là, chúng ta phải cố gắng ở mức cao nhất để việc thanh tra ít làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng cần có thêm chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường tự động.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà tiếp xúc cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Việt Hùng

 

PV: Không chỉ lĩnh vực môi trường mà nói rộng hơn ra tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước mà ngành TN&MT phụ trách đều nhận được sự quan tâm của người dân, dư luận và báo chí. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp của người dân và báo chí đối với sự phát triển của ngành trong năm qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong năm 2016, khi đứng trước những khó khăn to lớn, ngành TN&MT đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Chúng ta đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân và báo chí cả nước. Tất cả những điều đó, theo quan điểm của tôi, là động lực quan trọng để ngành TN&MT tiến mạnh, tiến vững chắc về phía trước.

Trong quá trình thực hiện các công việc, Bộ TN&MT đã chủ động thông qua các phương tiện truyền thông cung cấp thông tin một cách kịp thời, trung thực, chính xác đến toàn thể nhân dân. Báo chí là một trong những kênh thông tin đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong năm vừa qua. Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các biên tập viên, phóng viên báo chí đối với ngành TN&MT.

Tôi luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ báo chí, người dân và các đoàn thể xã hội, nhất là trong việc giám sát hoạt động của ngành hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ TN&MT luôn lắng nghe, ghi nhận và mong muốn nhận được nhiều hơn nữa những thông tin mang tính phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ TN&MT để chúng tôi có thể tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm đó một cách kịp thời nhất.

 

PV: Bộ trưởng luôn nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đó là xây dựng một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động và gần dân”. Tinh thần này sẽ được lan tỏa trong ngành TN&MT như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Như ở trên tôi đã nói, để có một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân, chúng ta phải bắt đầu từ nhận thức. Từ nhận thức thiết kế các chính sách, pháp luật, sau đó, tổ chức bộ máy để thực hiện các chính sách, pháp luật đã đề ra. Cuối cùng là hành động quyết liệt vì lợi ích của người dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TN&MT đã lĩnh hội tinh thần “liêm chính, kiến tạo, hành động và gần dân” của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và xác định đây chính là tinh thần chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ TN&MT.

Trong thời gian tới, chúng ta phải làm tốt hơn việc này. Năm 2017, sẽ là năm mà ngành TN&MT thực hiện phương châm: “Hành động và hiệu quả”. Có thể kể ra một số công việc có tính đột phá theo tinh thần đó:

Trước hết, huy động tốt hơn các nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước: Đất đai phải được tích tụ vào tay những tổ chức, cá nhân có khả năng sản xuất kinh doanh với hiệu quả kinh tế cao, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước phải được thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí, thất thoát. Công nghiệp bảo vệ môi trường phải được xem là một ngành kinh tế có thể mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước. Chung quy là, tính kiến tạo ở đây là việc đề ra những chính sách có tính mới, phù hợp với thực tiễn sinh động của cuộc sống và thực hiện nó một cách quyết liệt, hiệu quả.

Tiếp theo, ngành TN&MT sẽ đề cao việc thực hiện đạo đức công vụ trong công tác quản lý Nhà nước. Tôi cho rằng, tính liêm chính của chính quyền trước hết thể hiện ở việc không lãng phí, sau đó là không tham nhũng. Sự lãng phí thực ra đang diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi và làm thất thoát nguồn lực của đất nước rất lớn. Không thể trở nên giàu có nếu không thực hành nguyên tắc tiết kiệm, chống lãng phí. Điều đó đúng với mọi tổ chức, cá nhân trong cả lĩnh vực sản xuất lẫn kinh doanh.

Đặc biệt, cần phải rút ngắn con đường từ lời nói đến việc làm. Nói phải đi đôi với làm. Trong năm 2016, chúng ta đã bước đầu làm được việc này. Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 30/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được xây dựng và ban hành trong một thời gian rất ngắn. Và chính nó đã trở thành công cụ chính sách đáp ứng một cách nhanh chóng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Tuy vậy, tôi cũng thừa nhận rằng, sự chuyển động mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, hành động của chúng ta trong thời gian vừa qua diễn ra chủ yếu ở cấp Trung ương. Ở cấp địa phương, sức ì cơ chế vẫn còn rất nặng nề. Cần phải huy động mọi sức lực, trí tuệ để tạo ra một hệ thống quản lý Nhà nước vận hành trơn tru, an toàn và hiệu quả.

Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước muốn trở thành một tổ chức gần dân, trước hết, họ phải hiểu được một cách cặn kẽ những mong muốn của người dân. Hành động quản lý của họ phải được dân hiểu, dân tin và dân thực hiện một cách tự giác. Với nhận thức đó, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý của mình ở cấp địa phương thực sự có đạo đức, có năng lực chuyên môn tốt, thực hiện các công vụ thân thiện, tạo cơ hội tiết kiệm sức lực, kinh phí, thời gian cho mọi tổ chức và cá nhân có liên quan. Mục tiêu cuối cùng là, các tổ chức và người dân coi các cơ quan quản lý Nhà nước là nơi tạo điều kiện cho mình thực hiện các quyền công dân, tạo cho họ quyền bình đẳng phát triển trong mọi tình huống. Các công cụ quản lý tiên tiến (Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến…) sẽ hỗ trợ chúng ta thực hiện mong muốn này.  

Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã tiên phong trong đổi mới, nâng cao hiệu quả làm việc, Bộ TN&MT cũng sẽ đồng hành triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả tinh thần này.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp khách quốc tế (Ảnh: Việt Hùng)

 

PV: Trước thềm năm mới, thông qua Báo Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng có lời gửi gắm gì tới cán bộ, viên chức và người lao động ngành TN&MT?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2016 đã đi qua, ngành TN&MT có những kết quả bước đầu tốt đẹp. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành những nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Tôi cảm ơn các tập thể, cá nhân đã có nhiều cố gắng, góp phần vào thành tích này.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, trước hết, tôi muốn dành những tình cảm thân thiết, những lời chúc tốt đẹp đến những người lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động mà trong những ngày sắp tới sẽ không được nghỉ Tết, tiếp tục công việc vì sự vận hành của hệ thống. Tôi chúc họ sức khỏe, hạnh phúc và hoàn thành tốt những công việc được giao vì hạnh phúc của những người khác.

Tôi cũng muốn được chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt của những công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành TN&MT đã nghỉ hưu. Chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của họ vì sự nghiệp phát triển của ngành.

Cuối cùng, thông qua Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành TN&MT.

PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 1961    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm