Căn cứ Tiêu chí xác định các dự án ưu tiên về biến đổi khí hậu và các định hướng ưu tiên về biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu kết luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn các dự án ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020, cụ thể phải: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của trung ương và địa phương; Có tính liên vùng, đa mục tiêu, có tác dụng lan tỏa; Có tác động trực tiếp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; Có/áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến; Phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, tạo được sinh kế bền vững lâu dài trước các tác động của biến đổi khí hậu; Phù hợp với Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu); Ưu tiên các dự án được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo cụ thể bằng văn bản (đối với địa phương đề xuất nhiều dự án); Có quy mô phù hợp, suất đầu tư hợp lý, phải hoàn thành dứt điểm trước năm 2020.
Từ 63 đề xuất dự án được rà soát từ trên 400 dự án của các Bộ, ngành, địa phương và 20 dự án được rà soát từ 34 dự án được phê duyệt danh mục trong giai đoạn 2012-2015 của Tổ Công tác, Hội đồng thẩm định liên ngành và các chuyên gia, các nhà khoa học đã thẩm định, xác định được 66 dự án.
Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung lựa chọn được các dự án phù hợp với Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long, có tác dụng bổ sung, phát huy hiệu quả của các dự án đã, đang được triền khai trong khu vực, dựa trên cách tiếp cận tổng thể như: Trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, tăng cường khả năng hấp thụ C02 và tạo sinh kế bền vững cho người dân; Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt; hệ thống kiểm soát mặn, các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; Xây dựng, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân.
Đối với các tỉnh ven biển tập trung lựa chọn các dự án: Trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, tăng cường khả năng hấp thụ CƠ2 và tạo sinh kế bền vững cho người dân; Xây dựng, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông, nâng cao khả năng thoát lũ kết hợp các giải pháp công trình mềm ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân; Xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước ngọt (đối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận), hệ thống kiểm soát mặn (đối với các tỉnh thường xuyên bị xâm nhập mặn) phục vụ sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung lựa chọn được các dự án: Trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, kết hợp phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế bền vững; Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; tăng cường khả năng cấp nước trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa; Xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát lũ, kiểm soát lũ trên các sông lớn.
Đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các dự án ưu tiên được lựa chọn như: Xây dựng, nâng cấp các hồ chứa/hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa.
Để triển khai các nhóm dự án nêu trên, ngoài nguồn cân đối từ ngân sách nhà nước cần thiết phải tiếp tục vận động từ các nguồn hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án bảo đảm hiệu quả.
Nguồn: CTTĐT