• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
3
7
0
6
5
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 13 Tháng Mười 2016 8:00:00 SA

Thích ứng với thiên nhiên để chống ngập bền vững

 

Bài 1: Không theo kịp... biến đổi khí hậu

 

 

TPHCM đã tốn hơn 20.000 tỷ đồng để chống ngập. Tuy nhiên, với những trận mưa lớn gây ngập sâu và rộng khắp trên gần 60 tuyến đường vừa qua, chứng tỏ công tác chống ngập của thành phố chưa hiệu quả. Bài học kinh nghiệm và giải pháp để xử lý vấn đề này như thế nào? 

Hơn 10 năm trước đây, khi lập rào chắn đường để thi công hệ thống thoát nước cho các lưu vực thuộc khu nội thành như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm…, các sở ngành chức năng của TPHCM đã đề nghị người dân “chia sẻ khó khăn với thành phố”. “Có tuyến cống thoát nước mới, mặt đường được tái lập lại, người dân sẽ không còn phải đối mặt với tình trạng ngập nước, kẹt xe nữa”, đó là lời hứa của cơ quan quản lý. Thế nhưng…

 

Cống thoát nước chưa xây xong đã lạc hậu

Ngay khi những thước cống đầu tiên được lắp đặt vào hệ thống thoát nước của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên viên của các sở, ngành chức năng TPHCM đã phát hiện ra rằng, tiết diện thiết kế của cống không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Trong khi hầu hết các cống được thiết kế để tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình từ 75mm - 92mm trong thời gian mưa 3 giờ, thì những cơn mưa có vũ lượng lớn từ 100mm-150mm và thời gian mưa ngắn hơn, dồn dập hơn đã xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố. Cá biệt, cơn mưa tối 26-9-2016 vừa có vũ lượng lên tới 204mm. Cơn mưa đã nhấn chìm gần 60 con đường của thành phố ngập tới hơn 1/2m. Sự lạc hậu của những tuyến cống là nguyên nhân chính làm cho thành phố tốn hơn 20.000 tỷ đồng nhưng chống ngập không hiệu quả. Trong đó kinh phí cải thiện môi trường, chống ngập nước cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 hơn 200 triệu USD và giai đoạn 2 đang thực hiện gần 450 triệu USD; cho lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé giai đoạn 1 khoảng 6.043 tỷ đồng, giai đoạn 2 bao gồm thêm cả lưu vực kênh Đôi - kênh Tẻ khoảng 11.282 tỷ đồng…

 

Công trình thi công thoát nước trên rạch Hàng Bàng (quận 6, TPHCM). Ảnh: Cao Thăng

 

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu TPHCM (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), có đến 4 cơ quan tư vấn trong và ngoài nước cùng nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống thoát nước của 3 lưu vực nêu trên. Tư vấn quốc tế gồm PCI (Nhật), CDM (Mỹ), Black and Veatch (Bỉ). Tư vấn trong nước là Phân viện Nghiên cứu thủy văn phía Nam. Các cơ quan này đã dựa vào số liệu thống kê về các cơn mưa tại TPHCM trong thời gian 40 năm trước để đưa ra các đề xuất về tiêu chuẩn mưa thiết kế. 40 năm kể từ năm 1962 đến năm 2001, trên địa bàn TPHCM chỉ xuất hiện 9 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 30 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Tính riêng trong 5 năm từ 2011-2016 đã có 13 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Cùng với mưa, mực nước tại trạm Phú An trong 17 năm từ năm 1990 đến 2007, dao động dưới 1.50m. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, mực nước triều thường xuyên giữ trên mức báo động 3 (+1.50m). Từ năm 2011 đến năm 2015 mực nước duy trì ở mức cao +1,60m, chạm mức +1.68m. Bên cạnh đó, tổ hợp bất lợi (mưa to kết hợp với triều cường) xuất hiện ngày càng nhiều hơn và diễn ra trên diện rộng trong 5 năm từ 2011-2015 (đỉnh triều từ +1,30m đến +1,68m kết hợp mưa với vũ lượng từ 30mm đến 143mm).

Khi nhận biết được nguy cơ lạc hậu của các tuyến cống thoát nước, đã có ý kiến đề nghị điều chỉnh thiết kế tiết diện cống cho phù hợp hơn. Thế nhưng, do hầu hết các dự án cải thiện môi trường, chống ngập nước của TPHCM đều vay vốn ODA. Thủ tục vay, đấu thầu và điều chỉnh dự án rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, vì nhiều lý do, việc triển khai các dự án đã không đảm bảo tiến độ. Không những người dân bức xúc mà các nhà tài trợ cũng lo lắng… Trong bối cảnh này, lại có ý kiến, TPHCM không nên quá lo lắng về những cơn mưa lớn. Có thể đó chỉ là đột biến. Chính vì vậy, TPHCM đã không xem xét đến việc điều chỉnh thiết kế cống thoát nước.

Hậu quả của việc công trình chống ngập không theo kịp những diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang diễn ra ngày một rõ nét, đó là tình trạng ngập ở TPHCM ngày càng nan giải. Cứ mưa là ngập, rõ nét nhất là cơn mưa ngày 26-9-2016. Nhiều nơi trong khu vực nội thành của thành phố nằm gọn trong ba lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, vốn đã được xóa ngập khi thành phố thực hiện xong các dự án cải thiện môi trường, vẫn ngập sâu trong nước. Tình trạng ngập kinh hoàng của khu dân cư mới nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận thuộc lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một minh chứng. Cống mới lạc hậu, tất nhiên, cống cũ chẳng thể khá hơn. Hầu hết các tuyến cống cũ của TPHCM chỉ đáp ứng tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng 30 - 40mm, chưa kể còn bị lún, sụt, bồi lấp…

 

Không tuân thủ quy hoạch, đi ngược tự nhiên

Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, TPHCM có địa hình dốc, cao ở hướng Bắc và thoải dần về hướng Nam. Cao độ chênh lệch giữa hai khu vực có nơi lên tới 3m - 4m. Nhiều điểm ở hướng Bắc thuộc các quận như 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi cao tới 6m so với mực nước biển, trong khi đó ở hướng Nam như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ có khu vực chỉ cao hơn 1m, thấp hơn đỉnh triều khá nhiều. Với đặc điểm địa hình như vậy, từ lâu hướng Nam đã là hướng thoát nước chính của cả thành phố.

 

Chặn nước thủy triều, một phương pháp chống ngập hiệu quả tại TPHCM (Ảnh phay ngăn triều kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Ảnh: CAO THĂNG

 

Tuy nhiên, do chủ trương đầu tư về phía biển (phía Nam) nhằm phát triển kinh tế biển, lưu giữ và phát triển thương cảng Sài Gòn đã có truyền thống hàng trăm năm cộng với trước đó đã có sự hình thành và phát triển của Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nên TPHCM vẫn chọn phát triển về hướng Nam là một trong những hướng phát triển chính. Lúc ấy, trước những lo ngại của các chuyên gia môi trường rằng phát triển đô thị về hướng Nam sẽ chặn mất lối thoát nước của thành phố, ông Hoàng Minh Trí cho biết, TPHCM đã giao Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) xây dựng đồ án quy hoạch phát triển đô thị cho cả khu vực. IPC đã tổ chức thi và tuyển chọn được nhà tư vấn SOM của Mỹ. Là một trong những chuyên gia tham gia vào việc thẩm định đồ án quy hoạch này, ông Hoàng Minh Trí nhớ lại, đồ án quy hoạch của nhà tư vấn SOM đặt ra yêu cầu phải bảo vệ tối đa hệ thống sông, kênh, rạch và mảng xanh bảo vệ dọc hai bên kênh, rạch của khu Nam nhằm đảm bảo thoát nước cho cả thành phố. Phát triển đô thị ở đây phải thực hiện theo hướng nén để tiết kiệm đất. Đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994 và còn đoạt được một giải thưởng lớn trong khu vực về những giải pháp thiết kế thích ứng với tự nhiên. Vậy nhưng có dịp tới khu Nam thời gian sau này, ông Hoàng Minh Trí nhận xét, ở đây gần như không có dấu ấn của đồ án quy hoạch nêu trên. Nhiều kênh, rạch đã bị san lấp; nhiều mảng xanh dọc kênh, rạch không còn. Nhà cửa mọc lên san sát. Nếu đồ án quy hoạch của SOM được thực hiện một cách nghiêm túc thì tình trạng ngập ở TPHCM đã không trầm trọng như hiện nay, ông Hoàng Minh Trí nói. 

Theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020, TPHCM sẽ phát triển 3 đô thị vệ tinh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn chỉnh nhằm giảm tải cho đô thị hiện hữu. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển đô thị ở TPHCM gần như không theo mô hình này mà loang dần ra như vết dầu loang. Khu dân cư này nối tiếp khu dân cư kia, lấn dần các diện tích đất vốn trước kia để nước thoát tự nhiên. Vẫn biết, là trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM phải mở rộng và phát triển cả về không gian đô thị lẫn các cơ sở sản xuất. Thế nhưng với sự phát triển loang dần ra và thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống thoát nước, TPHCM phải đối mặt với một hậu quả tất yếu: ngập.

 

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hệ thống thoát nước hiện nay thiếu trầm trọng lại được quản lý một cách manh mún. Trung tâm điều hành chống ngập chỉ quản lý khoảng 1/3 trên tổng chiều dài cống thoát nước trên địa bàn thành phố là 3.099km. Còn lại do địa phương và Ban quản lý các dự án cải thiện môi trường… quản lý. Theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020, TPHCM cần có 6.000km cống các loại trong phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước). Hiện TPHCM mới đầu tư được khoảng 43,22%; còn thiếu hơn 3.407km cống các loại cần bổ sung. Nguyên nhân: do kinh tế khó khăn, nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng các công trình thoát nước.

 

 

Nguồn: Báo SGGPO


Số lượt người xem: 2836    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm