• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
4
4
7
8
0
Tin tức sự kiện 20 Tháng Ba 2013 7:55:00 SA

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu

 Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Chiến lược BĐKH quốc gia đã và đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ dài hạn mạnh mẽ của các nhà tài trợ quốc tế và hiện nhiều dự án liên quan đến BĐKH đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH và môi trường thời gian qua được phát triển đúng hướng theo quan điểm đổi mới về chính sách đối ngoại, góp một phần đáng kể nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ và các đối tác quốc tế cho công tác quản lý tài nguyên môi trường.

Bảo tồn rừng ngập mặn có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của BĐKH. Ảnh: HUY ANH

Phục hồi rừng ngập mặn

Mấy năm gần đây, BĐKH luôn là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới. Những thiệt hại về người và của do BĐKH gây ra đặt chính phủ các nước phải xây dựng những chính sách tiên phong về vấn đề này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có cả một chiến lược với các kịch bản về tác động của BĐKH trong vòng 50 năm và nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề BĐKH. Trước những dự báo mang tính sống còn đối với Việt Nam, Chiến lược BĐKH quốc gia đã và đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ dài hạn mạnh mẽ của các nhà tài trợ quốc tế. Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, trong năm 2012, bộ đã mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH, môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và quản lý đất đai. Hiện, bộ này đang chủ trì, tham gia 58 chương trình, dự án hỗ trợ nước ngoài với tổng kinh phí cam kết gần 430 triệu USD.

Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từ năm 1994 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với các địa phương ven biển trồng 22.000ha rừng ngập mặn. Những địa phương giữ được rừng ngập mặn, sự thiệt hại do bão gây ra không đáng kể so với các địa phương ven biển khác không còn rừng ngập mặn. Vừa qua, với sự hỗ trợ ứng phó BĐKH của Chính phủ Đan Mạch, Quảng Nam và Bến Tre đã được chọn triển khai một số mô hình thí điểm về xây dựng một số tuyến đê biển đi đôi với việc trồng mới, phục hồi hàng trăm hécta rừng ngập mặn; xây dựng nhà đa năng phục vụ người dân ở những vùng thường xuyên bị thiên tai và công trình cấp nước ngọt ở những nơi có mức độ nhiễm mặn cao...

Thực tế cho thấy, khi tốc độ ấm lên toàn cầu nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng, mực nước biển dâng ngày càng cao thì vấn đề bảo tồn rừng ngập mặn có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của BĐKH, giúp giảm thiểu tới 50% năng lượng tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển. Trong năm 2013, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương triển khai dự án phục hồi rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH. Cùng với tổng kinh phí 248,3 tỷ đồng của Chương trình ứng phó với BĐKH trong năm 2013, trong đó có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đã dự thảo kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn trong cả nước đến năm 2015, với tổng kinh phí lên tới 1.900 tỷ đồng.

Thu hút nguồn tài chính

TPHCM được đánh giá là một trong 10 thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, chính vì thế, những năm gần đây, ứng phó và thích ứng với BĐKH đã được Thành ủy và UBND TPHCM xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của TPHCM. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH thời gian qua cũng được TP triển khai rất hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, TPHCM đã triển khai 16 nhiệm vụ cho các sở ngành trong việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong từng lĩnh vực. Hiện Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đã gấp rút xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn đến năm 2015 cho TP.

Để chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ giúp đỡ về công nghệ, tài chính và tư vấn của các nước phát triển, TPHCM đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm, tài chính của các quốc gia phát triển. Thời gian qua, TPHCM cũng đã hợp tác với TP Rotterdam (Hà Lan) thực hiện Chương trình TPHCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với BĐKH đã tạo điều kiện tập huấn đào tạo cho cán bộ ở các ngành, các cấp để học tập trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ quản lý, phát triển nguồn nhân lực. Sắp tới, TPHCM cũng sẽ hợp tác với TP Osaka (Nhật Bản) thực hiện 6 dự án môi trường tại TPHCM.

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết để nâng cao hiệu quả của công tác ứng phó và thích ứng BĐKH, TPHCM sẽ tiếp tục mở rộng, củng cố các quan hệ quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài chính, đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực quản lý đô thị; tiếp tục hoàn thiện các nghiên cứu, đánh giá chi tiết định tính và định lượng về ảnh hưởng của BĐKH trong các ngành và lĩnh vực, khả năng dễ bị tổn thương và khả năng  ứng phó cũng như nguy cơ di dân dưới tác động của nước biển dâng nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó cho các ngành, lĩnh vực còn lại.

HÀ PHƯƠNG

 
 

TPHCM trồng thêm 1 triệu cây xanh trong năm 2013

(SGGP).- Theo kế hoạch trồng, bảo vệ rừng và cây xanh trên địa bàn TPHCM trong năm 2013 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, TPHCM sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh tại các quận huyện, tương đương với khoảng 593ha nhằm tăng diện tích mảng xanh thành phố, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, TP cũng sẽ trồng các loại cây trâm, gáo, nhạc ngựa nước, sao, dầu, tràm, dừa lá… ven các sông rạch để chống sạt lở tại các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh với số lượng gần 256.000 cây, tương đương khoảng 42ha. Ngoài ra, TP cũng sẽ trồng mới khoảng 20ha rừng phòng hộ Cần Giờ và 83ha rừng tại huyện Bình Chánh. Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015, TP sẽ tận dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời để phát triển thêm 250ha diện tích công viên, cây xanh ở các quận nội thành; cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu với diện tích khoảng 200ha.

 M.HUY

Ưu tiên thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020

(SGGP).- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát nội dung các chương trình, đề án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện kế hoạch Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phải lựa chọn đúng các nhiệm vụ cần thiết, đơn vị chủ trì phù hợp để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả triển khai kế hoạch, tránh chồng chéo, trùng lặp các nội dung đã được giao trong các chương trình, đề án khác gây lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, bổ sung căn cứ xác định về nhu cầu vốn, khả năng huy động và cơ cấu nguồn tài trợ để thực hiện kế hoạch nhằm đảm bảo tính khả thi và chủ động các biện pháp huy động phù hợp với điều kiện thực tế.

 V.H.A.

 


Số lượt người xem: 3651    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm