• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
4
5
0
4
0
Tin tức sự kiện 19 Tháng Hai 2013 8:15:00 SA

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số điểm mới của dự thảo Luật

 

 
Trong gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2003, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường...Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước đảm bảo; đồng thời từng bước hạn chế, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm về đất đai. 

Tuy vậy, chính sách pháp luật đất đai vẫn còn một số hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính về đất đai. Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai nhằm giải quyết những vướng mắc bất cập, bức xúc trong công tác quản lý, sử dụng đất, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.  

  Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 và những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi tiếp thu ý kiến Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 206 điều với 7 nội dung cơ bản, trong đó có một số điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003 cụ thể như: Chương I những quy định chung gồm 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11): Đã sửa đổi nội dung giải thích một số từ ngữ như Nhà nước giao đất, Nhà nước cho thuê đất...; bổ sung mới nội dung giải thích một số từ ngữ như quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, đất xây dựng đô thị, hệ thống thông tin đất đai...nhằm giúp cho việc hiểu và thi hành Luật một cách thống nhất. 

Chương II về quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai gồm 2 mục với 16 điều (từ Điều 12 đến Điều 27). Đây là Chương mới quy định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai. Chương III về địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai gồm 2 mục với 6 điều (từ Điều 28 đến Điều 33). Mục này có một số nội dung mới như: Quy định về các hoạt động, nội dung và việc tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; quy định bổ sung thực hiện kiểm kê đất đai theo chuyên đề, nhằm phục vụ cho các yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế-xã hội. 

Chương IV về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm 16 điều (từ Điều 34 đến Điều 49). Chương này có một số điểm mới là quy định về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Quy định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và tầm nhìn 20 năm; kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là 5 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm... 

Đặc biệt, Chương VI về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm 3 mục với 32 điều (từ Điều 59 đến Điều 90) có những điểm mới cơ bản đó là: Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất, trong đó có các trường hợp thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế-xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế, đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất lâu nay. 

Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể việc xử lý đối với trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép chấp thuận cho phép chậm tiến độ 1 lần và chậm không quá 12 tháng. Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ hoặc quá thời hạn cho phép được chậm tiến độ nêu trên, Nhà nước thực hiện thu hồi đất và người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất. 

Bổ sung quy định về trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thỏa thuận được với người có đất bị thu hồi về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất được ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất mà không phải chờ đến hết hạn thông báo thu hồi đất. 

Đồng thời bổ sung quy định cưỡng chế quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và quyết định thu hồi đất; quy định thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo hướng Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất, là người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế; người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì không được ủy quyền... 

  Văn Hào

 

  


Số lượt người xem: 4373    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm