• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
5
1
5
0
2
3
5
Tin tức sự kiện 30 Tháng Mười Một 2012 11:10:00 SA

Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường) Ngày 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) với tỷ lệ các đại biểu Quốc hội tán thành là 94,98%.

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày cho biết, hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành không quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngay trong dự án Luật.

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH tán thành việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh PCTN và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật PCTN; bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và vẫn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội,  Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo quy định của pháp luật đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác PCTN.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, một số ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước.

UBTVQH nhận thấy, đây là vấn đề được các vị ĐBQH và cử tri quan tâm, nhưng cũng là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, sâu sắc, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu  đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN trong thời gian tới.

Về ý kiến ĐBQH đề nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập có một số thẩm quyền điều tra đặc biệt, UBTVQH nhận thấy, hiện nay, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội thì “Khi xét thấy cần thiết Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”. Hơn nữa, nội dung này đang được Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo nghiên cứu trong việc chuẩn bị dự án Luật tổ chức điều tra hình sự sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2013 đồng thời với việc Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Do đó, trước mắt chưa bổ sung về vấn đề này.

Không kê khai tài sản của bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột…

Báo cáo của UBTVQH nêu rõ, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập và quy định rõ hơn về xác minh tài sản, thu nhập để khắc phục tính hình thức, hiệu quả thấp của biện pháp phòng ngừa này. Một số ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như dự thảo Luật. Ý kiến khác đề nghị cần phải mở rộng việc kê khai tài sản đến cả người thân như cha mẹ, con đã thành niên, anh chị em ruột… của người có chức vụ, quyền hạn, người có nghĩa vụ phải kê khai.

UBTVQH cho rằng, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản phải phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và kiểm soát hiện nay của Nhà nước ta thì mới bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, trong điều kiện Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập, tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như quy định của Luật hiện hành để tập trung làm cho thật tốt và sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để mở rộng diện phải kê khai khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật này.

Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai. UBTVQH cho rằng, việc mở rộng đối với các đối tượng này là khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bởi vì trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định; còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật hiện hành họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc họ có kê khai hay không kê khai. Do đó, đề nghị không bổ sung đối tượng này vào dự án Luật. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể điều tra những người liên quan, kể cả người thân của cán bộ, công chức, viên chức mà không nhất thiết phải kê khai.

Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định của dự thảo Luật, chỉ công khai bản kê khai tài sản tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và chưa công khai tại nơi cư trú. Một số ý kiến khác đề nghị cần công khai bản kê khai tài sản tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và cả nơi cư trú để tạo điều kiện cho việc giám sát, phát hiện tham nhũng.

UBTVQH nhận thấy, công khai bản kê khai tài sản là quy định mới về phòng ngừa tham nhũng, góp phần minh bạch tài sản, thu nhập để tiến tới kiểm soát thu nhập, đồng thời tạo điều kiện việc giám sát, phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng, nghiên cứu kỹ, toàn diện về nhiều mặt, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý, kiểm soát thu nhập hiện nay của Nhà nước ta. Trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng công khai tại nơi cư trú khi sửa đổi toàn diện Luật này.

Minh Trang


Số lượt người xem: 4756    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm