• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
5
9
1
2
4
Tin tức sự kiện 28 Tháng Sáu 2011 10:55:00 CH

Sống mòn với ô nhiễm: Đến bao giờ?

Chết dần, chết mòn với ô nhiễm là những tiếng than mà chúng tôi ghi nhận được nhiều nhất mỗi khi tiếp xúc với người dân sống dọc kênh Ba Bò, quận Thủ Đức. Các phương tiện truyền thông đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Và cũng không biết bao nhiêu lần UBND tỉnh Bình Dương đã hứa sẽ sớm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nước kênh Ba Bò. Tuy nhiên, cho đến nay cảnh báo vẫn chỉ là cảnh báo và lời hứa… gió bay.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Trở lại thời điểm tháng 6-2010, sau khi kiểm tra và phát hiện chất lượng nước thải kênh Ba Bò có chứa nồng độ các chất thải công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã có công văn yêu cầu tỉnh Bình Dương nhanh chóng buộc các khu công nghiệp (KCN) phải xử lý triệt để nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra kênh. Trước đề nghị đó, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã có trả lời phúc đáp. Cụ thể, đối với KCN Sóng Thần, buộc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã thực hiện cải tạo hồ chứa nước; xây dựng hệ thống tuyến cống thu gom và thoát nước mưa mới cho cụm kho; thực hiện nạo vét bùn nước thải dưới đáy hồ và xây dựng kè đá xung quanh hồ chứa.

Riêng các doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung (KCN Sóng Thần 1 có 25 doanh nghiệp và KCN Sóng Thần 2 có 36 doanh nghiệp) đã được yêu cầu phải đấu nối. Đối với KCN Đồng An, tỉnh đã phát hiện và xử lý các doanh nghiệp xả trộm nước thải trực tiếp ra kênh Ba Bò… Gần đây nhất, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương tiếp tục khẳng định chất lượng nước thải ra kênh Ba Bò đã được cải thiện đáng kể. Tiếc rằng, kết quả này so với kết quả kiểm tra chất lượng nước kênh Ba Bò hoàn toàn trái ngược với kết quả của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM.

Nước kênh Ba Bò hiện rất ô nhiễm. Ảnh: Kim Ngân

Ông Huỳnh Thanh Nhã, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng nước hàng tháng từ đầu năm 2011 đến nay cho thấy, tại các tuyến thoát nước - nơi tiếp nhận nước thải, nước mưa của KCN Sóng Thần 1, 2 và nước thải sinh hoạt của khu dân cư Bình Dương, nồng độ các chất COD, BOD, TSS, tổng P, N, Fe, Ni, DO, Coliform đều vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần. Cá biệt, tại tuyến tiếp nhận nước thải KCN Sóng Thần 1 có hàm lượng Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép lên đến 1.189 lần, các chất khác cũng vượt từ trên 4 đến hơn 14 lần. Chưa hết, tại tuyến tiếp nhận nước thải KCN Sóng Thần 2 mức độ ô nhiễm chất thải còn nặng nề hơn với nồng độ Coliform vượt trên 32.000 lần, các chất kim loại như Fe vượt gần 8 lần, Ni vượt gần 2 lần…

Chất lượng nước kênh quá ô nhiễm đã kéo theo chất lượng nước sau xử lý của hồ điều tiết (thuộc địa phận TPHCM) không đạt yêu cầu. Nồng độ các chất COD, BOD, TSS, tổng P, N, Fe, Ni, DO đo được đều cao hơn mức cho phép từ gần 2 lần đến 20 lần. Riêng chất Coliform vượt quy chuẩn ở mức rất cao trên 3.000 lần. Đáng lo ngại hơn, cùng với nước thải ô nhiễm là nồng độ chất độc trong khí thải đo được trong khu vực dân cư dọc kênh Ba Bò cũng ở mức rất cao – mức gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Cụ thể, tại khu dân cư Bình Chiểu, gần cống xả kênh Ba Bò cho thấy, giá trị NH3 vượt quy chuẩn cho phép gần 14 lần, H2S vượt gần 38 lần.

Người dân chịu đựng đến bao giờ?

Bất đồng trong kết luận về thực trạng ô nhiễm môi trường kênh Ba Bò giữa hai tỉnh, dẫn đến sự không thống nhất trong cách xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò. Cụ thể, về phía TPHCM thì vẫn kiên trì với quan điểm cho rằng nước kênh Ba Bò vẫn đang tồn tại nhiều chất thải công nghiệp. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì dự án hồ điều tiết sinh học mà thành phố đầu tư hơn 700 tỷ đồng xây dựng sẽ bị vô hiệu hóa. Do đó, để phát huy hiệu quả dự án đầu tư hồ sinh học nhằm xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nước kênh Ba Bò, Bình Dương cần tiếp tục và mạnh tay hơn nữa trong việc giám sát, xử lý những KCN xả thải chưa đạt quy chuẩn cho phép.

 
 

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn TPHCM cho biết, hít phải khí thải NH3, H2S với nồng độ cao và lâu dài có khả năng gây tê liệt thần kinh. Về lâu dài có thể gây tử vong cho người. Với tình trạng nhiều người khu dân cư Bình Chiểu phải tiếp xúc những khí thải trên trong thời gian dài khó tránh khỏi không bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe. Điều đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về những tổn hại đến sức khỏe cộng đồng dân cư nơi đây do tiếp xúc thường xuyên khí thải ô nhiễm trên.

 
 

Trong khi đó, về phía tỉnh Bình Dương lại luôn khẳng định đã thực hiện nhiều giải pháp và đã cải thiện được đáng kể chất lượng nước thải từ các KCN. Chỉ có điều không hiểu sao trong nước kênh Ba Bò vẫn chứa nhiều hóa chất của chất thải công nghiệp. Vẫn nhớ, vào năm 2009 đầu 2010 khi TPHCM tiến hành đầu tư hệ thống xử lý nước kênh Ba Bò bằng phương pháp sinh học, một cuộc tranh luận gay gắt giữa cơ quan chức năng và các nhà khoa học đã nổ ra. Trong đó, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường khẳng định, phương pháp xử lý nước kênh Ba Bò bằng sinh học không thể phát huy tác dụng nếu tỉnh Bình Dương không xử lý triệt để nước thải công nghiệp. Hệ thống hồ chứa xử lý nước kênh sẽ bị biến thành ao tù ô nhiễm. Việc giải tỏa, nạo vét, xây dựng bờ kênh Ba Bò chỉ giúp chất thải ô nhiễm dẫn về hạ lưu nhanh hơn. Trước phản ứng đó, tỉnh Bình Dương cam kết sẽ xử lý triệt để nước thải công nghiệp thải ra từ 3 KCN Sóng Thần 1, 2 và Đồng An. Mặt khác, UBND TPHCM cũng liên tục có nhiều công văn yêu cầu tỉnh Bình Dương phải buộc các chủ đầu tư hạ tầng của 3 KCN xử lý triệt để nước thải công nghiệp nhưng không hiểu sao, người dân vẫn liên tục phản ánh nước thải ô nhiễm vẫn đang tiếp tục thải ra kênh.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Kết quả là người dân vẫn đang sống mòn với ô nhiễm mà không biết đến bao giờ tình trạng trên mới chấm dứt. Mùi hôi thối, nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn đã và vẫn đang tiếp tục đi vào từng bữa ăn, giấc ngủ và trở thành nổi ám ảnh của mỗi gia đình người dân nơi đây. Không ít người vì quá lo sợ cho sức khỏe của gia đình nên đành gửi con hoặc thuê nhà nơi khác sinh sống.

(Theo Sài gòn Giải phóng online)


Số lượt người xem: 6327    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm