• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
5
8
7
5
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 24 Tháng Mười 2014 9:35:00 SA

Báo động tình trạng nhà máy hóa chất nằm gần khu dân cư

(TN&MT) - Các vụ nổ hóa chất nghiệm trọng xảy ra gần đây cảnh báo về sự mất an toàn lao động tại các nhà máy hóa chất và cư dân sinh sống xung quanh. Nếu không có các giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với việc xảy ra sự cố rò rỉ, nổ hóa chất thì hệ lụy kèm theo là vô cùng lớn đối với con người và môi trường.
Lơ là, mất cảnh giác
 
Hoá chất có tác động rất lớn đến môi trường, từ biến đổi khí hậu đến huỷ hại các loài thú hoang dã và làm ô nhiễm nguồn nước uống. Sự cố hóa chất xảy ra ngày càng nhiều với quy mô tác động và tính chất nguy hiểm cao. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở hoạt động hóa chất nằm xen cài trong khu dân cư, các cơ sở công nghiệp, kinh doanh thương mại nhưng lại thiếu giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với việc xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất.
 
Đơn cử, như vụ nổ kinh hoàng ở Công ty Sản xuất Dịch vụ Thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12, TP HCM)  mới đây, khiến 8 người thương vong và hơn 100 căn nhà đổ sập hoàn toàn, hư hỏng một phần và nứt tường tốc mái, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM cho biết, theo kết quả khám nghiệm hiện trường và điều tra ban đầu, nhiều khả năng vụ việc do công nhân bất cẩn trong quá trình sản xuất khiến các chất hóa học là tiền chất của chất nổ đã phát nổ.
 
 
Nổ hóa chất gây ra những hệ lụy về con người và môi trường.
 
Trước đó, vụ nổ hóa chất MEKP (Methyl ethyl ketone peroxide) nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng hồi giữa năm 2010 đã khiến 3 người chết và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. 
 
Theo Bộ Công Thương, số doanh nghiệp không trang bị thiết bị cho ứng phó sự cố hóa chất chiếm 45%. Số lãnh đạo quản lý không nhận thức các quy định về an toàn hóa chất là 20%. Tình trạng lơ là, mất cảnh giác với cháy nổ hóa chất còn thấy rất rõ ở cả các doanh nghiệp sản xuất đặc thù hàng ngày, hàng giờ phải sống chung với hóa chất độc hại. 
 
Báo cáo của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, do đặc thù về kinh tế nên TPHCM là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua việc kiểm soát không được chặt chẽ nên các loại hóa chất được bán tràn lan từ hóa chất phục vụ cho công nghiệp đến phụ gia thực phẩm phục vụ dân sinh. Riêng địa bàn quận 5 có hơn 109 cơ sở kinh doanh, theo đánh giá thì các cơ sở kinh doanh này không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, con người cũng như công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường…
 
Năm 2013, Sở đã tiến hành kiểm tra 28 đơn vị kinh doanh thì đã có hơn 18 đơn vị vi phạm về không đủ điều kiện kinh doanh, chưa xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố, không có giấy phép kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hạn chế… Trong khi đó, do sự phức tạp của ngành nghề và sự chồng chéo của các cơ quan quản lý làm cho công tác quản lý thêm khó khăn, các danh mục hóa chất chưa quy định cụ thể, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành quản lý về lĩnh vực này…
 
Quản lý từ gốc
 
Trong quá trình sản xuất công nghiệp, các chất thải nguy hại có chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, nổ, ăn mòn, lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác là điều khó tránh khỏi. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chất thải độc hại phải được quản lý, xử lý trước khi đưa ra môi trường, song do nhiều yếu tố việc thực hiện vẫn còn những bất cập.
 
Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật cho lĩnh vực này thì mang tính đơn lẻ, không thống nhất yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chung chung. Do vậy, rất khó cho cơ quan chức năng liên quan vận dụng để quản lý trong thực tế.
 
Trước thực trạng này, gần đây, Tổng cục Môi trường đã ký 2 quyết định số 588/QĐ-TCMT và 589/QĐ-TCMT về việc ban hành 8 Hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát phát thải hóa chất nguy hại vào môi trường. Trong đó, đáng chú ý, là các hướng dẫn kỹ thuật về đăng ký phát thải, lưu giữ và vận chuyển hóa chất nguy hại trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường do phát thải hóa chất nguy hại; quan trắc các hóa chất nguy hại phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; đánh giá rủi ro do phát thải hóa chất nguy hại của một số ngành công nghiệp; kiểm kê phát thải và bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất công nghiệp có sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; về quan trắc, đánh giá ô nhiễm và rủi ro môi trường và dư lượng một số chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy sử dụng trong nông nghiệp… 
 
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Theo đó, mức phạt tối đa áp dụng đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng đối với tổ chức, trong khi mức phạt tối đa áp dụng chung cho cả tổ chức, cá nhân ở Nghị định 15 là 150 triệu đồng. Riêng với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định 163 áp mức xử phạt tối đa lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân.
                                                                                                                                                         (Theo Báo Tài nguyên và Môi trường).

Số lượt người xem: 4288    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm