• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
4
7
0
7
5
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 27 Tháng Tư 2015 7:55:00 SA

Nghị định 35: Đảm bảo cho việc quản lý sử dụng đất lúa hiệu quả

(TN&MT) - Vấn đề an ninh lương thực luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm do diện tích đất trồng lúa ngày càng thu hẹp, điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách phù hợp. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nhằm bảo vệ cũng như sử dụng hiệu quả loại đất này.

 

 

 

 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nhằm bảo vệ  cũng như sử dụng hiệu quả đất trồng lúa. Ảnh: MH
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nhằm bảo vệ cũng như sử dụng hiệu quả đất trồng lúa. Ảnh: MH

 


Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ trong giai đoạn 2000 - 2010, diện tích đất trồng lúa đã giảm 270.000ha. Hiện cả nước chỉ còn 4,1 triệu ha đất trồng lúa. Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển sang cho các mục đích phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế. Điều này, là hồi chuông cảnh báo về an ninh lương thực của nước ta bởi, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.

 

Bên cạnh đó,theo dự báo đến năm 2020, với dân số khoảng 100 triệu người thì tổng sản lượng lương thực cần khoảng 47 triệu tấn, diện tích gieo trồng cần tối thiểu 7,3 triệu ha, với hệ số sử dụng đất 1,9 - 2 lần.

 

Ngoài ra, nước ta lại là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 6 nghìn ha đất lúa bị ảnh hưởng, đến năm 2030 sẽ có khoảng 20 nghìn ha và đến cuối thế kỷ thì sẽ có khoảng 70% diện tích đất lúa của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng.

 

Để siết chặt quản lý đất lúa, năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và đề ra rất nhiều giải pháp quyết liệt để giữ được đất trồng lúa. Theo đó, đến năm 2020 phải giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Nghị định nêu rõ hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp hoặc canh tác các loại cây trồng khác; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất trồng các loại cây khác thành đất chuyên trồng lúa nước.

 

Tuy nhiên, sau mấy năm triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương của Chính phủ ban hành các chính sách nhằm mục tiêu phải giữ được 3,8 triệu ha đất lúa theo yêu cầu của quốc hội là đúng đắn. Nhưng vấn đề này cũng cần xem xét lại vì nhiều nơi nông dân trồng lúa nhưng không hiệu quả. Vậy, có nhất thiết phải buộc họ trồng lúa hay không khi có thể cho họ chuyển sang trồng các loại cây khác đạt thu nhập cao hơn?

 

Còn nhớ cách đây 2 năm trước, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã cho rằng: "Câu chuyện cần đặt ra bây giờ là giữ đất nông nghiệp chứ không chỉ đất lúa. Nếu vẫn giữ hệ thống sản xuất nông nghiệp như hiện nay thì người nông dân vẫn nghèo. Nếu chỉ giữ đất làm lúa thì hiệu quả kinh tế không cao, chưa kể lúa tốn nhiều nước nhất, trong khi tài nguyên nước đang rất thiếu. Chúng ta xuất phát từ lợi thế lúa, nhưng chúng ta không nên sản xuất lúa bằng mọi cách".

 

Để giải quyết vấn đề này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực vào 1/7/2015 nhằm quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng loại đất này. Theo đó, điều kiện chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, người trồng phải đăng ký với UBND cấp xã.

 

Về chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nghị định quy định rõ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

 

Về trách nhiệm người sử dụng đất trồng lúa, nghị định quy định người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt; sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

 

Người trồng không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề; phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ liền kề.

 

Về chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, Nghị định nêu rõ, căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 

Ngoài hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành, địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

 

Bên cạnh đó, nghị định quy định mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa với mức 10 triệu đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

 

 

 

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường.

 


Số lượt người xem: 4431    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm