• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
4
1
8
3
3
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 24 Tháng Tư 2019 2:00:00 CH

Hình thành tổ công tác xử lý trường hợp khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh

 

 

 

 

 

 

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội nghị

Sáng 23/4, tại huyện Cần Giờ, UBND TPHCM tổ chức hội nghị thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; đại diện các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre; sở, ngành TP.

 

Tình trạng khai thác cát trái phép ở mức báo động

 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ trong giai đoạn 2015 - 2018 đã ở mức báo động, các đối tượng liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, thường diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, không chỉ gây mất an ninh - trật tự tại địa phương, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún đất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2018, đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị


Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép còn gặp một số khó khăn. Đó là quy định tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát trái phép phải từ 50m3 trở lên nên các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện thường không chấp hành ngay việc đình chỉ hành vi vi phạm mà điều khiển phương tiện bỏ chạy, xả cát xuống biển nhằm tẩu tán tang vật vi phạm để tránh bị tịch thu phương tiện.

 

Đồng thời, theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, để tịch thu phương tiện vi phạm trực tiếp đến vi phạm hành chính, áp dụng đối với vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân tổ chức gây ra. Vì vậy, để tránh bị tịch thu phương tiện do khai thác cát trái phép, các đối tượng thường thuê phương tiện từ chủ sở hữu khác dưới danh nghĩa hợp pháp là chở hàng hoặc thực hiện dự án. Trong quá trình điều tra, xác minh, chủ phương tiện thường không thừa nhận việc chỉ đạo các thuyền viên thực hiện hành vi khai thác cát trái phép nên khó khăn trong việc xác định lỗi làm cơ sở tịch thu phương tiện vi phạm.

 

Mặt khác, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát là nơi giáp ranh với vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Do vậy, đối tượng thường lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để qua biển Cần Giờ khai thác cát, có bố trí lực lượng cảnh giới, khi gặp lực lượng tuần tra hầu như không chấp hành yêu cầu kiểm tra kiểm soát mà nhanh chóng chạy qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy.

 

Ghi hình xử lý vi phạm

 

Từ thực trạng nêu trên, nhằm đấu tranh, phòng chống tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu giải pháp và phương án xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ; phối hợp với các tỉnh, địa phương có mỏ cát đang cấp phép khai thác để nắm thông tin hỗ trợ phục vụ cho công tác kiểm tra chứng từ của các đối tượng mua, bán và vận chuyển cát.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu ý kiến tại hội nghị


Đồng thời, cho phép sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (ghi hình) để làm cơ sở chuyển cho cơ quan điều tra xử lý hình sự trong lĩnh vực khai thác cát trên địa bàn huyện Cần Giờ. Cùng với đó, chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP sớm xây dựng các chốt canh 24/24 giờ tại các điểm nóng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.

 

Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM kiến nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục tái phạm nhằm gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện, hạn chế việc cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật “bắt tay” làm hợp đồng giả để hợp thức hóa hồ sơ khi bị bắt giữ phương tiện.

 

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau (không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50m3 trở lên). Cùng với đó, bổ sung hình thức phạt bổ sung khắc phục hậu quả vi phạm không tịch thu phát mại mà yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải vận chuyển số cát, sỏi đã khai thác trái phép để lấp trả lại nguyên trạng tại vị trí đã khai thác. Mặt khác, cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm, cắp tài sản để dễ xử lý về hình sự, tăng tính răn đe.

 

Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh đề nghị TP thành lập tổ công tác liên ngành ở cấp TP và quận, huyện để xử phạt các đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép. TP xem xét lại quy hoạch các công trình sử dụng nhiều cát san lấp mà không tính đến nguồn cung, vì hiện nay trữ lượng cát cung cấp cho xây dựng của TPHCM là hạn chế. TP chỉ đồng ý cho việc nạo vét luồng tuyến tận thu sản phẩm với điều kiện chỉ định được người bao tiêu toàn bộ sản phẩm đó để tránh tình trạng lợi dụng các giấy phép nạo vét tận thu sản phẩm để khai thác cát trái phép.

 

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Việc quản lý tình trạng khai thác cát trái phép là hết sức cấp bách, vì nó ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ngành TPHCM phối hợp với các địa phương giám sát các phương tiện hút cát, người điều khiển các phương tiện khai thác cát. Lực lượng chức năng cần sử dụng hệ thống camera giám sát các phương tiện khai thác cát trái phép để xử lý; bố trí các trạm và lực lượng chốt chặn ở các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác cát trái phép; phối hợp với các địa phương tập trung xử lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi không phép; giám sát việc vận chuyển cát trên các tuyến sông, rạch…

 

Bên cạnh đó, với các tỉnh có tàu khai thác cát tập kết, ngoài việc ký kết quy chế phối hợp giữa các tỉnh cần hình thành Tổ công tác thường trực để trao đổi thông tin xử lý nhanh các trường hợp vi phạm. Song song đó, hình thành Tổ công tác của TPHCM liên ngành để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Ngoài ra, TP báo cáo Bộ Xây dựng trong việc cân đối cung cầu vật liệu xây dựng như cho phép mở các mỏ khai thác, cũng như dùng vật liệu thay thế cát san lấp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống khai thác cát trái phép.

 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân và ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để hoàn thiện đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TP sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát san lấp. Đồng thời, TP sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường truyền thông và vận động nhân dân phát hiện, tố giác các hoạt động vi phạm.

 

Theo Thanhuytphcm.vn


Số lượt người xem: 1898    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm