• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
4
8
8
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 27 Tháng Bảy 2015 7:35:00 SA

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương

 






Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cùng các Thứ trưởng: Trần Hồng Hà, Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội nghị

 
 
Sáng ngày 25/7, tại Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Đến dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cùng các đồng chí Thứ trưởng: Trần Hồng Hà, Nguyễn Thái Lai, Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Thị Phương Hoa, cùng các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị Tổng cục, các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên và môi trường. Về phía UBND tỉnh Nghệ An có ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Cùng các đồng chí lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tại 63 tỉnh thành trên cả nước, Chi cục trưởng các Chi cục Quản lý đất đai, Môi trường, Biển và Hải đảo (đối với các tỉnh, thành phố có biển) và Chi cục bảo vệ môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, địa phương có biển....
 
 

 

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian qua; giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; thảo luận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và các Thứ trưởng: Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghị

 

Nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước

 

6 tháng đầu năm, Bộ và các địa phương đã có nhiều nỗ lực, chủ động, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số kết quả nổi bật như sau: Thể chế chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, trong 6 tháng đầu năm đã trình Quốc hội ban hành 01 Luật và cho ý kiến đối với 01 dự án Luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Nghị định, 01 Quyết định; Bộ ban hành 35 Thông tư, Thông tư liên tịch, tạo lập hành lang pháp lý hoàn thiện hơn về TN&MT, các địa phương đã ban hành trên 400 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Tổ chức, bộ máy của ngành tiếp tục được kiện toàn; đội ngũ cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách hành chính đã được thực hiện quyết liệt; các thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Toàn ngành đã tích cực triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên cả nước có chuyển biến rõ rệt. Tích cực triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Tiến hành rà soát, đánh giá để cập nhật bổ sung, lồng ghép các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới. Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Chính phủ và địa phương trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn và cảnh bảo thiên tai phục vụ sản xuất và phát triển KT-XH. Nguồn lực TN&MT đã từng bước được phát huy và có đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH của đất nước.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, những năm qua ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước theo từng năm. Qua đó, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Một trong những kết quả quan trọng đó là chúng ta đã và đang chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về bao cấp, "xin - cho" trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa sự đóng góp của ngành TN&MT cho sự phát triển chung của đất nước.  5 tháng đầu năm 2015, khai thác khoáng sản và đất đai là hai lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước và thu ngân sách của quốc gia, trong đó ngành khai khoáng tăng 6,3% đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thu từ đất đạt 19,2 nghìn tỷ đồng bằng 5,64% tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm. Tính trong cả giai đoạn 2011-2015, nguồn thu từ đất ước đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, thu từ khoáng sản trên 2,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng thu ngân sách nhà nước...

 

Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, rất đáng khích lệ, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là, chất lượng môi trường nhiều nơi vẫn đang bị ô nhiễm và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, không những tại các khu công nghiệp, khu đô thị dân cư đông đúc mà cả ở một số vùng nông thôn. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu hiệu quả. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Thành quả xây dựng và phát triển của địa phương trong nhiều năm chỉ sau một đợt thiên tai có thể biến mất nếu không được điều tra, nghiên cứu, đánh giá và có biện pháp ứng phó kịp thời. Khiếu kiện liên quan đến ngành TN&MT, nhất là về đất đai còn diễn biến phức tạp, gây ra những bất ổn trong xã hội, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 

Những vấn đề nêu trên nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng và có tầm nhìn dài hạn sẽ thực sự là trở ngại lớn cho phát triển KT-XH, đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển bền vững đất nước.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành TN&MT, đồng thời chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 ngành TN&MT; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mục tiêu tổng quát đã đặt ra là đẩy nhanh phát triển nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý TN&MT; phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành TN&MT, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn lực, đúng thời gian, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm lớn và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp.

 

Hội nghị lần này là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cùng nhau trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT tại các địa phương; đề xuất các biện pháp tháo gỡ nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành, góp phần đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra nêu trên. Đây cũng là cơ hội lắng nghe, chia sẻ, thảo luận, bàn bạc về những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong giai đoạn tới.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015, ước đạt 7,89%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,51%, cao hơn cùng kỳ những năm gần đây. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế tỉnh. Mặc dù vậy, Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường nhất là vấn đề liên quan đến thủ tục giao đất, thuê đất, định giá đất, phương thức đấu giá đất, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường và những bất cập trong quản lý khai thác khoáng sản... Hội nghị này là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thời gian tới.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Cùng nhau tháo gỡ vướng mắc

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe 5 tham luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến Báo cáo về công tác quản lý nhà nước về đất đai, tình hình triển khai thi hành luật đất đai và những vấn đề cần tháo gỡ ở địa phương; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài Báo cáo về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, tình hình triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014; Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh Báo cáo công tác quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo; Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương Báo cáo về công tác quản lý về hoạt động khoáng sản; Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy Báo cáo về công tác quản lý tài nguyên nước, việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa.

 

14 ý kiến của các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Long An, Đồng Nai, Lâm Đồng; TP.Hà Nội, TP.HCM,. đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật mới được ban hành và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương. Đặc biệt là các vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; định giá đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định đánh giá tác động môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường lưu vực sông; công tác cấp phép khai thác khoáng sản, cấp quyền thu tiền khai thác khoáng sản, xử lý vi phạm khoáng sản, một số vấn đề vướng mắc trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển; sử dụng khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.....

 

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai đã giải đáp một số vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai tại các địa phương.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu kết luận Hội nghị

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, sau một ngày làm việc khẩn trương, thẳng thắn, hội nghị đã cơ bản hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Hội nghị đã sôi nổi trao đổi, nhiều ý kiến của các đồng chí giám đốc Sở đã thẳng thắn, tập trung bàn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT, đặc biệt tại các địa phương hiện nay. Các đồng chí Thứ trưởng, thủ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ tham mưu của Bộ cũng đã giải đáp phần nào các thắc mắc, nêu lên các phương hướng để cùng giải quyết. 

 

Trước tình hình mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm và phương hướng những năm tiếp theo, khối lượng công việc của Ngành còn rất lớn. Để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Thứ trưởng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, các đồng chí lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố dành nhiều thời gian tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ chủ yếu sau:

 

Một là, Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu, phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN&MT, đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn.

 

Hai là, Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngành theo Nghị định số 21/2013/NĐ-CP của Chính phủ, 02 Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV-BTC, số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC; đẩy nhanh tiến độ thành lập các Chi cục Biển và Hải đảo, Chi cục Quản lý đất đai; Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, Trung tâm phát triển Quỹ đất một cấp tại địa phương.

 

Ba, Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); rà soát và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tăng cường giao lưu trực tuyến với tổ chức, cá nhân; khôi phục, công khai đường dây nóng tiếp nhận và trả lời kiến nghị của tổ chức, cá nhân; đẩy nhanh thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

 

Bốn là, Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải tiến phương thức tiếp công dân bảo đảm đúng người, đúng việc, tiến tới giải quyết dứt điểm các vụ việc.

 

Năm là, Mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, nguồn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

 

Đồi với các lĩnh vực chuyên ngành, về Lĩnh vực quản lý đất đai: Cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc thi hành Luật Đất đai. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh, huyện; thực hiện công tác kiểm kê đất đai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung giải quyết tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

 

 

Về lĩnh vực môi trườngTăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai tốt Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định mới; hoàn thành đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Đa dạng sinh học sau 5 năm; đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả để triển khai trong thực tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường.

 

Về lĩnh vực tài nguyên nước: Hoàn thiện quy trình, tổ chức giám sát việc vận hành các quy trình liên hồ chứa trong mùa cạn hằng năm trên các lưu vực sông. Tổ chức, hướng dẫn triển khai Nghị định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Khẩn trương triển khai hoạt động các Chi cục quản lý tài nguyên nước, thành lập Ủy ban Lưu vực sông theo Luật Tài nguyên nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; thực hiện quá trình tham vấn trước công trình thủy điện Đôn Sa-hông cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.

 

Về lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW; Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

 

Về lĩnh vực quản lý tổng hợp về biển và hải đảo: Tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tiếp tục triển khai Nghị định số 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Chuẩn bị tổ chức Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 tại Việt Nam năm 2015.

 

 

Các lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

 

Tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án ứng phó với BĐKH. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nguy cơ của BĐKH và những biện pháp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH.

 

Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám: Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tập trung giải quyết các tồn tại trên thực địa có liên quan tới đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, các công việc có liên quan đến công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; các nhiệm vụ liên quan đến Vịnh Bắc bộ.

 

Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám; xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành Viễn thám quốc gia giai đoạn 2015 - 2025; cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia; xây dựng quy trình thực hiện công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; quy định kỹ thuật xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia.

 

"Triển khai quyết liệt những nhiệm vụ trên, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra được những chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác quản lý nhà nước về  TN&MT, nâng cao vai trò đóng góp của ngành trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

 

Một số hình ảnh tại Hội nghị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 4615    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm