• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
6
1
9
7
3
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 15 Tháng Bảy 2015 2:35:00 CH

Đã đến lúc cần xây dựng một bộ luật về khí tượng thủy văn

Năm 1994 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn (KTTV) được ban hành, trong quá trình 20 năm, nhiều thay đổi về kinh tế, xã hội có liên quan tới hoạt động KTTV cũng như các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước đã không được phản ánh đầy đủ trong Pháp lệnh. Việc xây dựng và ban hành Luật KTTV là hoàn toàn cần thiết để tạo ra bước thay đổi toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động KTTV phát triển. Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi cùng bà Nguyễn Thị Bình Minh, Phó Cục trưởng Cục KTTV& Biến đổi khí hậu về vấn đề này.

 

 





Thảo luận dự báo bão

 
 
 

 

* Những điều kiện chủ quan và khách quan nào khiến chúng ta cần có một bộ Luật về khí tượng thủy văn bao quát, đầy đủ và phù hợp với xu thế, thưa bà?

 

Bà Nguyễn Thị Bình Minh: - Luật KTTV rất cần được xây dựng và ban hành để cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành khí tượng thủy văn nêu trong các văn bản:  Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010; Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH13 ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Bên cạnh đó còn đáp ứng yêu  cầu của công tác quản lý đối với hoạt động khí tượng thủy văn. Các thông tin KTTV có vai trò quan trọng trong việc phòng tránh thiên tai, bảo vệ tính mạng con người và tài sản xã hội, ngày càng cần thiết cho các nhà quản lý, lập chính sách và những người điều hành sản xuất nhưng chưa có những qui định chặt chẽ và cụ thể để quản lý và khai thác sử dụng.

 

Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết và các hiện tượng thủy văn ở nước ta ngày càng biến động phức tạp, những hoạt động KTTV cần được tăng cường cả về năng lực kỹ thuật công nghệ cũng như quản lý để ngành KTTV phục vụ hiệu quả hơn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Mặt khác, các nhu cầu phục vụ KTTV sẽ ngày càng nhiều hơn với các đối tượng đa dạng và phức tạp hơn, từ kimh doanh sản xuất đến nghỉ ngơi giải trí thậm chí cả các lĩnh vực tư pháp, bảo hiểm. Nhiều ngành, nhiều tổ chức hoặc cá nhân sẽ tham gia các hoạt động KTTV như quan trắc, đo đạc khảo sát và cả dự báo.

 

Với hoạt động mang tính đa ngành như vậy các vấn đề về quản lý bảo đảm chất lượng và các vấn đề liên quan khác cần được coi trọng. Thực tế này đòi hỏi phải có văn bản pháp lý quản lý thống nhất để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động này, đẩy mạnh được việc ứng dụng thông tin KTTV trong sản xuất và đời sống.

 

Xu hướng thương mại hoá hoạt động KTTV sẽ ngày càng phát triển. Các hoạt động này đã xuất hiện nhưng chưa có sự quản lý. Vì vậy rất cần có những căn cứ pháp lý quản lý các hoạt động này nhằm mang lại lợi ích cho xã hội và tạo sự bình đẳng trong hoạt động này khi có nhiều tổ chức tham gia.

 

Hoạt động KTTV đã có từ lâu, các đài trạm quan trắc được ổn định để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của hoạt động quan trắc. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội cùng với quá trình đô thị hóa đã xâm phạm tiêu chuẩn của các hoạt động KTTV. Đây là những mâu thuẫn tất yêu trong quá trình phát triển. Vì vậy, rất cần những cơ chế pháp lý giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn này.

 

Về mặt đối ngoại, nước ta đã tham gia WMO và nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến KTTV. Trong quá trình thực thi các điều ước này cần có những vận dụng thích hợp để bảo vệ quyền lợi quốc gia nhưng không tổn hại đến uy tín quốc tế, đồng thời tham gia đóng góp tích cực cho việc điều chỉnh, sửa đổi các luật pháp quốc tế. Những qui định mang tính pháp luật rất cần thiết để việc bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả.

 

Tuy nhiên, đến nay Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình KTTV là văn bản pháp lý cao nhất về KTTV và mới chỉ điều chỉnh hoạt động quan trắc và tư liệu KTTV vào thời điểm ban hành(năm 1994). Các hoạt động quan trọng khác, đặc biệt là công tác dự báo KTTV chưa được điều chỉnh.

 

Ngoài ra, trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sự phát triển của ngành KTTV nói riêng, Pháp lệnh đã ít nhiều bộc lộ những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ quản lý. Những bất cập và tồn tại biểu hiện qua thực tế thực thi Pháp lệnh cũng như nội dung của Pháp lệnh. Những bất cập trong thực thi Pháp lệnh có thể thấy qua việc vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật củacông trình KTTV, Không đăng ký cấp phép hoạt động KTTV chuyên dùng, phương tiện đo của các trạm KTTV chuyên dùng chưa được quản lý... Những bất cập trong nội dung Pháp lệnh có thể kể đến là đối tượng áp dụng dường như chỉ là Trung tâm KTTV quốc gia, chưa chú ý đến các đặc thù của hoạt động KTTV chuyên dùng của các ngành; các công nghệ và phương tiện quan trắc hiện đại chưa được đề cập; một số quan điểm và khái niệm chưa rõ ràng như coi khái niệm “điều tra cơ bản” là chủ yếu đã hạn chế cung cấp số liệu cho dự báo;một số vấn đề như hành lang an toàn kỹ thuật của công trình, kiểm định thiết bị đặt ra trong điều kiện kinh tế chưa phát triển và công nghệ hiện đại chưa áp dụng rộng rãi nên có thể có những điều chưa phù hợp.

 

Bà Nguyễn Thị Bình Minh

 

 

- Được biết trong dự thảo Luật KTTV, bên cạnh những quy định chung, dự thảo nêu rõ những quy định cụ thể về quan trắc KTTV; dự báo, cảnh báo KTTV; thông tin, dữ liệu KTTV; phục vụ, dịch vụ KTTV; giám sát biến đổi khí hậu... Vậy bà có thể cho biết, điểm nổi bật trong Dự thảo Luật là gì?

 

Bà Nguyễn Thị Bình Minh: - Có lẽ điểm mới, nổi bật nhất và gây tranh cãi nhất trong dự thảo Luật vấn đề xã hội hóa các hoạt động KTTV.

 

Hoạt động KTTV theo truyền thống trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhiệm nay sẽ có thêm những thành phần khác tham gia. Ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp mong muốn tham gia cung cấp các dịch vụ KTTV. Xu hướng xã hội hóa hoạt động KTTV trở thành xu thế tất yếu. Gắn liền với việc xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn là việc thương mại hóa thông tin KTTV. Thực tế cũng đã có một số công ty tư nhân tham gia các dịch vụ KTTV. Các hoạt động này chưa có sự quản lý toàn diện, nhất là hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Vì vậy, rất cần có những cơ chế pháp lý quản lý các hoạt động này nhằm mang lại lợi ích cho xã hội và tạo sự bình đẳng trong hoạt động này khi có nhiều tổ chức tham gia.

 

Dự thảo Luật KTTV được xây dựng theo tinh thần xã hội hóa bằng nhiều điều, khoản tại từng chương và tập trung ở Chương 5-Hoạt động dịch vụ, phục vụ KTTV. Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu và khả năng được tham gia vào tất cả các khâu của hoạt động KTTV, từ quan trắc, đến dự báo, cảnh báo, thông tin, dữliệu… Trong đó, chỉ có riêng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được coi là hoạt động có điều kiện, xuất phát từ đặc thù của hoạt động này, còn lại việc tham gia các hoạt động khác của KTTV đều thuận lợi và dễ dàng. Để đảm bảo tính khả thi của chủ trương xã hội hóa, tại khoản 5, Điều 34 dự thảo Luật còn quy định “Cơ quan KTTV của Nhà nước được khai thác, sử dụng các sản phẩm dịch vụ KTTV của tổ chức, cá nhân trên cơ sở đặt hàng hoặc thỏa thuận”. Đây sẽ là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tiến tới, cụ thể hóa cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực KTTV.

 

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng huy động nguồn lực để xã hội hóa hoạt động KTTV không dễ dàng, đơn giản vì như trên đã nói hoạt động khí tượng thuỷ văn theo truyền thống trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhiệm. Vì vậy, cần có một quá trình để có thể huy động được nguồn lực của toàn xã hội cho công tác KTTV một cách hiệu quả nhất. Thực tế ở Mỹ chẳng hạn, đã có các công ty thời tiết tư nhân từ rất lâu và họ cũng có những thay đổi về chính sách đối với hợp tác công –tư trong lĩnh vực này. Chẳng hạn ban đầu họ cũng quy định khá cứng những dịch vụ mà chính quyền không được làm với ý tưởng cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm. Tuy nhiên, dự báo khí tượng có đặc thù là liên quan đến an toàn tính mạng nên Nhà nước phải đầu tư phần lớn. Trên cơ sở đó có thể có những dịch vụ mà cơ quan nhà nước thực hiện thì giá thành sẽ rẻ hơn.

 

Những luận cứ về chính sách công cộng, kinh tế và pháp lý chỉ ra rằng cơ quan thời tiết nhà nước ở Mỹ cần thu thập số liệu thời tiết và khí hậu để phổ biến một cách mở và đầy đủ. Khu vực tư nhân tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ số liệu chính phủ với chi phí thấp nhưngmang lại những lợi ích xã hội cao. Khu vực nào nên tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cần được quyết định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Dù quyết định như thế nào được đưa ra thì cũng phải nhận thức rằng càng công bằng càng tốt-trong sự ràng buộc của các luật, quy chế và chính sách đối với các bên, nếu không sự hợp tác công cộng - tư nhân sẽ không có chất lượng và hiệu quả..

 

 

- Tại phiên họp chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật KTTV, trong đó đề cập đến vấn đề: Những thông tin dự báo sai thì trách nhiệm thế nào, ai chịu trách nhiệm? Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì dự báo phải có sai số. Vậy, Dự thảo luật có quy định trách nhiệm các bên như thế nào để đảm bảo tính khách quan, công bằng, thưa bà?

 

Bà Nguyễn Thị Bình Minh: - Những sai sót trong dự báo KTTV có thể xảy ra trong hai trường hợp: hạn chế về khoa học công nghệ (sai sót khách quan) và không tuân thủ quy trình kỹ thuật (sai sót chủ quan).

 

Hạn chế về khoa học công nghệ: Các quá trình xảy ra trong khí quyển hết sức phức tạp. Để dự báo chính xác các hiện tượng KTTV trước hết cần có mạng lưới quan trắc đủ dày để theo dõi và sau đó mới đến các phương pháp và công nghệ để dự báo. Tuy nhiên, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn thường rất thưa. Các hiện tượng KTTV  có thể  có qui mô vài km hoặc nhỏ hơn (như mưa, tố, lốc...) nhưng các trạm khí tượng thủy văn chỉ có thể bố trí cách xa nhau hàng chục km hoặc thưa hơn. Chẳng hạn để dự báo bão, trên vùng biển rộng hàng triệu km2 chúng ta chỉ có vài trạm ở các đảo ngoài khơi và vài chục trạm ở ven bờ và các đảo ven bờ.

 

Mặt khác, dù có mạng lưới quan trắc thật dày đặc, công nghệ hiện nay cũng không thể dự báo chính xác được sự tiến triển của các hiện tượng khí tượng thủy văn vì không có quy luật chính xác cho các hiện tượng này. Mặc dù có những khó khăn về nguyên lý như trên, sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay về quan trắc (vệ tinh, ra đa thời tiết, trạm thời tiết tự động) và dự báo (mô hình số) đã cho phép nâng cao chất lượng dự báo. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, sai sót dự báo vẫn có thể xảy ra.

 

Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020 cũng chỉ xác định mục tiêu cụ thể đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn đến năm 2020 là bảo đảm dự báo thời tiết hàng ngày đạt độ chính xác 80 - 85%; dự báo, cảnh báo lũ chính xác 80 - 85%... Có nghĩa là đến năm 2020 vẫn chưa dám đặt ra mục tiêu dự báo chính xác 100%.Tuy nhiên, như trên đã nói, khoa học công nghệ đã cho phép nâng cao chất lượng dự báo và nếu sai số nằm trong phạm vi biết trước nào đó sẽ khó gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Chẳng  hạn, dự báo tâm đổ bộ của bão trên thế giới hiện nay có sai số trung bình lên tới trên 100km. Trường hợp dự báo lệch với thực tế trong phạm vi sai số trung bình này sẽ khó gây thiệt hại nghiêm trọng nếu công tác phòng chống đã tính đến sai số này và tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện.

 

Sai sót do chủ quan: Bên cạnh những trường hợp bản tin dự báo, cảnh báo có sai số do nguyên nhân khách quan của khoa học kỹ thuật nêu trên, cũng có trường hợp bản tin có sai số do những nguyên nhân chủ quan của người làm dự báo. Trong các trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định  hành vi bị cấm tại khoản 8, Điều 6 là “Vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong hoạt động quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.”.

 

Ở Mỹ, người ta lý luận rằng vì không thể dự báo thời tiết chính xác 100%, trách nhiệm pháp lý sẽ được quy định cho mọi đối tượng cung cấp thông tin thời tiết. Thông tin thời tiết không chính xác, không đầy đủ hoặc chậm trễ có thể gây ra thiệt hại về người và của, đôi khi gây ra kiện cáo. Những người làm dự báo trong cơ quan nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao có quyền miễn trừ cơ bản. Những người dự báo của khu vực tư nhân không có quyền miễn trừ đó và có thể có trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại nếu có bằng chứng rằng dự báo không được thực hiện một cách trung thực, cẩn trọng đúng mức hoặc được thựchiện với ý đồ lừa gạt.

 

Các công ty thời tiết tự bảo vệ mình bằng cách thảo các hợp đồng (với khách hàng) hạn chế trách nhiệm pháp lý hoặc bằng cách mua bảo hiểm trách nhiệm. Phần lớn các công ty thời tiết mua hiểm về trách nhiệm pháp lý chung bao gồm tổn hại tài sản của công ty, và nhiều công ty còn mua cả bảo hiểm về sai lệch hay bỏ sót bao gồm cả những thứ ược cho là thiếu sót và những thiếu sót thực sự trong công việc của người dự báo khí tượng. Bảo hiểm là cần thiết là để trách nhiệm pháp lý không phải là rào cản đối với khu vực tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ thời tiết. Chính đây cũng là một vấn đề liên quan đến xã hội hóa hoạt động KTTV.

 

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Ban soạn thảo Dự án Luật sẽ chỉnh sửa, bổ sunghình thức xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai sót dự báo gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật.

 

 

* Xin cảm ơn bà.


 

 

Theo Website Bộ TNMT.

 


Số lượt người xem: 4735    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm