• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
5
8
5
0
Tin tức sự kiện 31 Tháng Bảy 2019 11:00:00 SA

TPHCM bàn giải pháp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn

 

 

 

(HCM CityWeb) - Sáng 30/7, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.



Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo TP chủ trì hội nghị.

Ảnh: TỰ TRUNG



Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM…


Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng (GPXD) và hơn 2.570 trường hợp xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.


Kiến nghị nhiều giải pháp xử lý các công trình vi phạm xây dựng


Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nêu thêm sự biến tướng trong vi phạm như GPXD xin làm nhà ở riêng lẻ nhưng khi xây dựng thì biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.


“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền phân trần và giải thích, UBND các xã cho rằng việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như GPXD hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.


Tuy nhiên, UBND huyện Hóc Môn xác định việc xử lý, cưỡng chế công trình không phép phải thực hiện nhanh, quyết liệt để răn đe đối với các trường hợp khác. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các UBND xã - thị trấn, trong trường hợp chủ đầu tư không nghiêm túc khắc phục thì chính quyền xây luôn các hạng mục theo phần GPXD và buộc chủ đầu tư phải thanh toán phần chi phí xây dựng này.


Cùng với đó, các địa phương kiến nghị nhiều giải pháp mạnh mẽ xử lý các công trình vi phạm xây dựng. Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy đề xuất cần có giải pháp xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng. Việc này không chỉ là đấu tranh, phòng ngừa ngay từ đầu mà còn để củng cố hồ sơ ngay từ đầu, làm cơ sở xử lý hình sự đối với các đầu nậu cố tình vi phạm.


Cùng đó, UBND huyện Hóc Môn, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng. Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Minh Mẫn còn đề xuất không cấp phép kinh doanh tại các công trình vi phạm xây dựng.


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị: “Các đơn vị doanh nghiệp cung cấp điện, nước cho biết không có quy định cắt điện nước ở các công trình vi phạm. Một người dân sửa nhà, xây nhà sai phép thì còn cân nhắc. Tuy nhiên, những trường hợp xây dựng giữa khu đất trống mà câu điện vào thì có quyền xử lý được. Nếu làm mạnh như vậy sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm xây dựng”.


Nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước


Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ phân tích về sự hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trong điều kiện đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.


Theo đó, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 30.000 người dân nhưng hàng loạt dự án nhà ở, khu sinh thái, khu công nghiệp như: 410 ha dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc; 1.000 ha thuộc khu đô thị Nam thành phố và hơn 870 ha đất ở các dự án khác đã không còn hiệu lực hoặc chưa triển khai.


Dù vậy, ông Trần Phú Lữ cũng nhìn nhận về hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Chẳng hạn, qua thanh tra tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Bình Lợi và Hưng Long, huyện xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất… Huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra đối với 5 trường hợp tái vi phạm.


Về tình hình chung, lãnh đạo Sở Xây dựng đánh giá, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.


“Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.


Một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để. Hệ quả là nhiều công trình vi phạm xây dựng không và chưa được phát hiện xử lý kịp thời, gây khó khăn trong cưỡng chế  công trình vi phạm.

 

Cùng với đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc rà soát hiện trạng, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đối với các đồ án quy hoạch đã được duyệt nhưng chậm triển khai thực hiện. Việc này nhằm điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp, thiếu tính khả thi. Đặc biệt, tại các khu vực quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thu hồi đất, chưa có nguồn lực cần có giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu phân tích thêm, trên địa bàn huyện có nhiều gia đình với nhiều thế hệ sinh sống trên đất nông nghiệp. Nhu cầu cho con cháu ra riêng là rất lớn. Những trường hợp này dù có diện tích đất lớn nhưng lại là đất nông nghiệp nên không được tách thửa, không được chuyển mục đích và không được cấp phép xây dựng. “Vi phạm xây dựng từ đó đã phát sinh”, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu bày tỏ và cho biết, tại các khu đất được quy hoạch làm cây xanh chậm thực hiện cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ tham gia ý kiến và đề xuất, UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với người dân có nhà, đất hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư xây dựng mới khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất.


Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Hữu Hiệp đề xuất cần có giải pháp dân vận chính quyền như phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát về quy hoạch đất đai, xây dựng; tổng kết mô hình xây dựng nhà trọ cho công nhân, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của người dân; nghiên cứu mô hình cảnh sát khu vực tham gia vào giám sát trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện. Chính quyền minh bạch về thủ tục xây dựng và công khai về thủ tục xây dựng; không nên áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế mà kiên trì công tác vận động.


Hệ thống chính trị vào cuộc chấn chỉnh hoạt động xây dựng không phép

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Xu hướng xây dựng không phép đang có chiều hướng tăng nhưng có thể khắc phục được nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do đó, cần phải tìm quy luật tồn tại của xây dựng không phép, sai phép để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu những công trình đã xây dựng trái phép, không phép mà đang tồn tại cần có hướng xử lý. Từ nay trở đi, xây dựng không phép, trái phép phải được phát hiện xử lý ngay, không để kéo dài với phương châm thông qua người dân, lực lượng chuyên trách và thông qua cơ chế phối hợp. Đồng thời, phải có hướng dẫn, cơ chế để có nhiều nhà ở cho người dân có nhu cầu. Xử lý nghiêm lực lượng xây dựng môi giới trái phép. Mặt khác, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách và nếu làm sai phải bị xử lý. Các quận, huyện phải có hội nghị chuyên đề về vấn đề lập lại TTXD và có cam kết cán bộ, công chức, đảng viên không làm trái pháp luật; còn những sai phạm xảy ra vừa qua phải xử lý xong trong quý 3 và 4; cấp ủy các nơi phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của Mặt trận và hệ thống dân vận của các địa phương. Phối hợp với ngành điện và ngành nước để việc ký hợp đồng điện, nước đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, TP sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng; cũng như bổ sung lực lượng cảnh sát khu vực vào việc giám sát TTXD. Rà soát lại quy hoạch cấp TP và quận, huyện, phường, xã. Sở Xây dựng TP phải hướng dẫn việc phải niêm yết giấy phép xây dựng tại các công trình xây dựng; xây dựng sổ tay hỏi đáp về xây dựng nhà ở và nhà xưởng ở TPHCM.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị UBND các huyện - quận, xã - phường - thị trấn tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát và kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm TTXD. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào hoạt động kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm TTXD trên địa bàn.

 “Việc kéo giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn TP cần có sự nỗ lực không chỉ của chính quyền các cấp mà còn đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân TP. Chính quyền TP mong Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí giúp chính quyền TP giám sát thật chặt chẽ, cung cấp thông tin thật nhanh chóng, chính xác để xử lý kịp thời những sai phạm có liên quan TTXD”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

 

Nguồn: HCM CityWeb


Số lượt người xem: 948    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm