• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
8
8
4
0
4
Tin tức sự kiện 01 Tháng Tư 2019 7:30:00 SA

TPHCM mời gọi hợp tác công tư trong một số lĩnh vực

 

(HCM CityWeb) – Sáng 27/3, UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế về hợp tác công tư trong một số lĩnh vực ở TPHCM.

Tham dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đại diện một số bộ - ngành, các sở - ngành, quận - huyện và doanh nghiệp.

 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đình Lý

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần thứ 3 TPHCM tổ chức hội thảo liên quan lĩnh vực này để lắng nghe kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện các dự án hợp tác công tư, cũng như tiếp thu các ý kiến góp ý, tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Những kết quả của hội thảo giúp cho TP đánh giá một cách đầy đủ hơn quá trình triển khai các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa tạo nguồn lực quan trọng để hoàn thành các chương trình đột phá của TP.

 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, hợp tác công tư được xem là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TPHCM. Điều này thực sự có ý nghĩa hơn khi trong thời gian vừa qua, số lượng dự án hợp tác công tư chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của TP. Nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, một dự án hợp tác công tư có thể giúp TP huy động khoảng 30.000 tỷ đồng từ xã hội. Đây là một nguồn lực đầu tư khá lớn; trong khi mỗi năm ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.

 

Mặc dù đạt được một số mặt tích cực, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều thách thức, rào cản cần vượt qua để nâng cao hiệu quả hợp tác công tư trong giai đoạn sắp tới. Chính vì vậy, TP mong muốn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của TP. Năm 2019, TP xác định là năm đột phá về cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đây là hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân và DN. TP cam kết tạo mọi điều kiện đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư có những trải nghiệm mới khi lựa chọn TPHCM là điểm đến đầu tư lâu dài, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Ousmane Dione. Ảnh: NLĐ

 

 

TPHCM cần huy động 154.571 tỷ đồng

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Tính từ năm 2000 đến nay, có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Bên cạnh đó, TP đang tiếp tục thực hiện 130 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.847 tỷ đồng.

 

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, TP phải huy động 154.571 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác như vốn PPP. Trong giai đoạn từ đầu những năm 2000 đến nay, dù có nhiều nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư, tuy nhiên thực tế khả năng huy động nguồn vốn PPP của TP luôn thiếu hụt lớn so với nhu cầu đầu tư, chưa đáp ứng so với kỳ vọng.

 

Vì vậy, để đẩy mạnh mô hình PPP cho TPHCM trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện các cơ chế, giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư tập trung vào các giải pháp chính như: Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn TP; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp của Nhà nước tham gia các dự án PPP;…

 

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Ousmane Dione cho rằng, TPHCM là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Do đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, TP cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường. Nhưng nếu chỉ dựa vào đầu tư công thì TP không đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Vì vậy, TP cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP sẽ một giải pháp cho vấn đề trên, giải quyết được nhu cầu hạ tầng và gia tăng phúc lợi xã hội cho TP.

 

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị TPHCM cần lựa chọn dự án tiên phong trong lĩnh vực để quyết liệt triển khai, bố trí nguồn lực chuẩn bị đầy đủ, Nhà nước chủ động lập danh mục để thu hút đầu tư và công bố thông tin rộng rãi; lựa chọn loại hợp đồng phù hợp; rà soát các quy định để xác định mức giá phù hợp trên nguyên tắc thị trường, đảm bảo tính đúng, tính đủ. Đồng thời, nghiên cứu nâng hiệu quả các quỹ đầu tư sẵn có và cần có bộ phận đầu mối, Tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng, cơ chế để chuẩn bị, thực hiện các dự án PPP.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: Đình Lý

 

Nghiên cứu thay đổi cách làm trong PPP

 

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tham gia PPP không phải là hai chủ thể mà có bốn chủ thể. PPP không phải đơn thuần là xây dựng các công trình mới mà còn có thể là dịch vụ. Nghĩa là có thể thuê ngoài về quản lý và cung cấp dịch vụ, vận hành bảo dưỡng cho nhà thầu tư nhân. Như vậy, dịch vụ vận hành lẫn việc xây dựng công trình đều quan trọng như nhau trong PPP. Mặt khác, hình thức thanh toán rất quan trọng và có 2 lựa chọn, đó là Chính phủ sẽ trả tiền cho nhà đầu tư về phần xây dựng công trình hoặc Chính phủ không trả tiền trực tiếp mà cho nhà đầu tư cơ hội thu phí sau khi công trình đưa vào sử dụng.

 

Với PPP, Nhà nước có lựa chọn nhưng phải có trách nhiệm đưa ra quyết định đúng cho từng dạng hợp đồng dự án PPP. Theo đó, mỗi quốc gia có đặc thù riêng và có cách thức làm PPP riêng. Ở Việt Nam, nói đến PPP là có nhà đầu tư tư nhân thay thế Chính phủ xây dựng hạ tầng, dự án và chính quyền đóng góp bằng đất. Do đó, phải trao đổi quyền lợi hai bên một cách công khai và thẳng thắn, minh bạch, chứ không phải đi đằng sau, nếu không sau này sẽ xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp. Cùng với đó, chia sẻ rủi ro trong quản lý, vận hành dự án. Cụ thể, phải tôn trọng sáng kiến của nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ cho khu vực tư nhân chủ động.

 

 

Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP nghiên cứu thay đổi cách làm trong PPP. Đó là chính quyền phải đưa ra nhu cầu trong các dự án và làm đề xuất dự án đàng hoàng, chất lượng để các nhà đầu tư cân nhắc đưa ra phương án cung cấp dịch vụ công cho người dân. Đồng thời, khi chính quyền có danh sách các dự án đề xuất làm thì phải phân chia theo nhóm và đối với mỗi nhóm phải có chuyên gia của chính quyền làm việc chung với chuyên gia của nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng thảo luận để xác định cụ thể các nội dung của một hợp đồng PPP cho một dự án PPP, chứ không có một khung hợp đồng nào dùng chung cho tất cả các dự án, hợp đồng.  

 

Phát biểu kết thúc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP và các góp ý, đề xuất của các đại biểu tại hội thảo. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, đầu tư theo hình thức PPP là một trong những phương thức đầu tư hết sức quan trọng và đã được triển khai rất hiệu quả tại TPHCM và sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, TP cũng gặp rất nhiều thách thức, khó khăn cần vượt qua. Đó là vấn đề thể chế pháp luật để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; sự chia sẻ rủi ro và thành công trong tất cả dự án giữa nhà nước và doanh nghiệp; tính minh bạch trong đấu thầu; việc huy động các nguồn lực đất đai, nhân lực không để thất thoát, lãng phí;…

 

TP tuyên bố việc triển khai hình thức PPP đảm bảo minh bạch, công khai và chia sẻ rủi ro, thành công đối với doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cam kết.   

 

 

Nguồn: HCM CityWeb


Số lượt người xem: 1256    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm