• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
3
0
5
1
3
Tin tức sự kiện 12 Tháng Bảy 2017 3:50:00 CH

Việt Nam đặc biệt quan tâm các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu

 

 




 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 
Sáng 11/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thăm thành phố Rotterdam và có các cuộc làm việc với Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb và Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan Hermen Borst.
 

Tại cuộc gặp, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về thành tựu của chính quyền và nhân dân thành phố đã xây dựng nên một Rotterdam văn minh, hiện đại, thương cảng chính, lớn nhất của Hà Lan và của châu Âu sau khi bị phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Thay mặt nhân dân thành phố Rotterdam, Thị trưởng Ahmed Aboutaleb trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đến thăm Rotterdam.

 

Thị trưởng Rotterdam nhấn mạnh với bề dày kinh nghiệm và thành công của Rotterdam trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý cảng, năng lượng, hậu cần logistics, nông nghiệp công nghệ cao, quản lý nước… Rotterdam có thể hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác của Việt Nam trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cảng, đào tạo hàng hải, dịch vụ logistics, đối phó với triều cường và ngập lụt đô thị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam chú trọng đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Hà Lan, khuyến khích các địa phương hai nước hợp tác thương mại, đầu tư và trao đổi kinh nghiệm quản lý trên các lĩnh vực của đời sống xã hội địa phương như quy hoạch đô thị, xử lý rác và nước thải, cấp thoát nước… Thủ tướng đề nghị Thị trưởng Rotterdam khuyến khích doanh nghiệp của mình hiện diện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam và đặc biệt mong Rotterdam hỗ trợ chống sạt lở, chống xâm nhập mặn và nước biển dâng ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ giữa thành phố Rotterdam với Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua trong lĩnh vực thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có những nỗ lực và đóng góp đáng ghi nhận của ngài Thị trưởng.

 

Thị trưởng Rotterdam cho biết ông đã đến thăm Việt Nam một vài lần và rất ấn tượng về một Việt Nam năng động, luôn nỗ lực vươn lên. Ông Ahmed Aboutaleb khẳng định Rotterdam và Thành phố Hồ Chí Minh đang có quan hệ tốt đẹp và Rotterdam luôn sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh đối phó với các thách thức của biến đổi khí hậu. Ông cho biết thành phố Rotterdam cũng mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các địa phương khác của Việt Nam và sẽ khuyến khích các doanh nghiệp của thành phố sang Việt Nam đầu tư và kinh doanh trong các lĩnh vực thế mạnh của thành phố.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan Hermen Borst. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Sau cuộc gặp Thị trưởng Rotterdam,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã gặp làm việc với Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan Hermen Borst.

 

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Hà Lan trong việc triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước và Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực giữa hai nước trong những năm gần đây.

Các dự án trong khuôn khổ hai Thỏa thuận trên đã thu được kết quả khả quan bước đầu, góp phần giúp Việt Nam ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan bày tỏ vinh dự được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Vương quốc Hà Lan.

 

Giới thiệu về Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borstcho biết Hà Lan đã và đang chịu nguy cơ lượng nước mưa tăng, nước biển dâng và nhiệt độ ngày càng cao. Chương trình Đồng bằng Hà Lan ra đời từ năm 2010, được cập nhật hằng năm nhằm mục tiêu phòng tránh lũ lụt, bảo đảm cung cấp nước ngọt cho nông nghiệp, công nghiệp và tự nhiên, quy hoạch không gian sống thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2050.

 

Ông Hermen Borstcho chia sẻ Chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể dài hạn tính đến nhu cầu về nước trong tất cả các lĩnh vực; quá trình ra chính sách dựa trên các số liệu phân tích cụ thể; cách tiếp cận linh hoạt với nhiều kịch bản liên quan đến biến đổi khí hậu; thu xếp các nguồn tài chính hằng năm và dài hạn cho đầu tư ban đầu và duy trì; xây dựng hệ thống quản lý tốt từ trung ương đến địa phương gồm tất cả các bên có lợi ích liên quan. Ông cho rằng, đây là những kinh nghiệm có giá trị mà Việt Nam có thể tham khảo áp dụng cho các vùng đồng bằng của mình.

 

Đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của Chương trình Đồng bằng Hà Lan thường niên trong việc giúp Hà Lan kiểm soát nguy cơ lũ lụt, bảo đảm cung cấp nước ngọt, quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt quan tâm tới các kinh nghiệm, biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu; mong muốn phía Hà Lan tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam cập nhật Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai Chương trình Thăng - Trầm, Ngân hàng Đất, Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác giữa Hà Nội và Amsterdam; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình; giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính hợp lý để triển khai các chương trình và dự án liên quan.

 

Đánh giá Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên và địa lý, cùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, ông Hermen Borst bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Về các đề xuất của phía Việt Nam, ông sẽ trao đổi với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để có thể hỗ trợ Việt Nam theo cách tốt nhất.

 

Theo Chinhphu.vn

 


Số lượt người xem: 1594    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm