• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
0
3
3
8
8
Tin tức sự kiện 10 Tháng Tám 2016 8:00:00 SA

Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III: Nhiều tác phẩm báo chí có dấu ấn đậm nét

 

 





 
 
Lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp Lễ trao giải Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III. Chương trình được phát sóng trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 6/8/2016 đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.
 

Tại buổi lễ đã có 26 giải cho các tác phẩm báo chí của tác giả, nhóm tác giả và 01 giải cho tập thể được Ban tổ chức cuộc thi vinh danh và trao tặng.

Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường với sự góp sức của các phóng viên, nhà báo đã khắc họa một phần hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường trên khắp mọi miền đất nước, trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Hàng trăm tác phẩm, tác giả tham gia Cuộc thi là con số vô cùng có ý nghĩa. Đặc biệt, các tác phẩm báo chí đoạt giải tại Cuộc thi đã để lại dấu ấn lớn.

 

Điển hình như tác phẩm “Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp thích ứng”, nhóm tác giả Xuân Long - Quốc Thanh - Chí Quốc - My Lăng, Báo Tuổi trẻ đã trực tiếp đến các địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra các giải pháp tháo gỡ cùng nông dân, truyền tải những thông tin từ chuyên gia, cơ quan quản lý, dự báo cho nông dân về hạn mặn; hiến kế cùng nông dân ứng phó với tình trạng hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua. Đặc biệt, trong tuyến nội dung này, Báo Tuổi trẻ tổ chức sự kiện rất nghĩa tình, đó là Chương trình “Kết nối yêu thương - Nước cho vùng hạn, mặn”; quyên góp được nhiều tỷ đồng từ bạn đọc, doanh nghiệp gây quỹ nghĩa tình hướng về nông dân vùng hạn, mặn.

 

Với loại hình phát thanh, tác giả Trần Sỹ Đức, Hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam với tác phẩm “Khai thác khoáng sản ồ ạt - Bài học nhãn tiền” đã phản ánh thực trạng nạn khai thác vàng trái phép xảy ra ở nhiều nơi, không những làm mất rừng, mất đất sản xuất, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, tệ nạn xã hội phát sinh, hàng trăm người bị chết do sập hầm vàng hoặc nghiện ngập... Tác giả đã tiếp cận các mỏ khai thác khoáng sản và chứng kiến đời sống người dân nơi đây; phản ánh chân thực về những hoạt động khai thác nhức nhối này.

 

Đối với thể loại truyền hình, loạt tác phẩm “Việt Nam tham dự Hội nghị COP21” của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam, với sự đầu tư công phu đã phản ánh quá trình lịch sử sau hơn 20 năm đàm phán của cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu; Đồng thời khẳng định nỗ lực cũng như quyết tâm chính trị của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong quá trình thực thi các cam kết và hành động có hiệu quả về biến đổi khí hậu, góp phần chung tay bảo vệ môi trường bền vững.

 

Tác phẩm “Mở đường chọc vào lõi di sản Cát Tiên” của tác giả Thu Sương, Báo Người Lao động đã lên tiếng mạnh mẽ trong việc đấu tranh để bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học quý giá của Vườn quốc gia Cát Tiên - khu rừng nhiệt đới ẩm duy nhất còn lại ở miền Nam Việt Nam. Với giá trị đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Cát Tiên có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, kinh tế, môi trường vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Những danh hiệu như Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu đất ngập nước Ramsar Bàu Sấu… cho thấy thế giới đánh giá rất cao vai trò của Vườn quốc gia Cát Tiên. Việc xây dựng bất cứ công trình nào trong Vườn quốc gia Cát Tiên đều phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng. Tác giả đã không quản ngại nhiều khó khăn và nguy hiểm để đi thực tế tại các khu rừng; bằng những minh chứng và lý lẽ đầy thuyết phục, tác giả đã kiên quyết phản đối việc mở đường vào lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên; kiến nghị với các cơ quan chức năng và đã được xem xét chấp thuận dừng việc mở con đường này.

 

Bên cạnh đó, Cuộc thi cũng nhận được nhiều tác phẩm báo chí đề cập, phản ánh về những điển hình tiên tiến, mô hình hay, như tác phẩm “Máy phân loại rác tự động thân thiện môi trường” của tác giả Lại Thu Hà, Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo đó, tác giả đi sâu phản ánh mô hình máy phân loại rác sinh hoạt tự động. Hiện nay, nước ta việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chỉ được tiến hành thủ công. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mô hình máy phân loại rác sinh hoạt tự động đã vượt trội hơn so với nhiều loại máy phân loại xử lý rác đắt tiền đang được nhiều nước sử dụng hiện nay, góp phần giải phóng, giảm thiểu sức lao động cho con người trong môi trường độc hại và thân thiện môi trường.

 

Cũng như mô hình “Biến rác thành bò” được phản ánh trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang của nhóm tác giả GiangNam- Ngô Hùng, được nhiều địa phương quan tâm nghiên cứu. Hiện nay rác thải nông thôn đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Tác phẩm đã phản ánh mô hình hay tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giải quyết vấn đề nhức nhối này. Chi hội phụ nữ nhiều xã tổ chức thu gom rác thải, phân loại và bán rác thải tái chế. Số tiền thu được dùng để mua bò tặng cho hội viên nghèo, giúp phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Công thức túi rác tiết kiệm – tiền – bò nái đã giúp cho hàng chục hộ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế; đem lại môi trường trong lành; xóa đói giảm nghèo bền vững, thêm tình đoàn kết, thương yêu, khát vọng cuộc sống tốt đẹp của chị em vùng núi cao.

 

Tác phẩm “Từ Nông trại đến trường học: Tiết học môi trường thú vị cho học sinh mẫu giáo”, tác giả Nguyễn Minh Trang, Đài Tiếng nói Việt Nam lại đề cập đến đối tượng tuyên truyền là lứa tuổi học sinh. Phóng sự đưa người nghe đến với tiết học môi trường cho học sinh mẫu giáo nằm trong dự án “Từ Nông trại đến Trường học”. Mô hình học trực quan, sinh động với các bài học gần gũi với cuộc sống hàng ngày cần được nhân rộng để nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên và nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường.

 

Ngoài 26 tác phẩm đạt giải, Ban Tổ chức đã trao một Giải tập thể cho Hệ Văn hóa, Đời sống, Khoa giáo (VOV2) Đài Tiếng nói Việt Nam với tiêu chí nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng cao. Bà Trần Thị Tri, Giám đốc Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hệ VOV2 đã dành nhiều thời lượng tập trung tuyên truyền chuyên sâu về chủ đề bảo vệ môi trường; đảm bảo thông tin thời sự, giá trị và tính định hướng cao; mang bản sắc của một kênh chuyên đề. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác định hướng dư luận và xã hội hóa bảo vệ môi trường. Phần thưởng chính là sự động viên, cổ vũ phóng viên, biên tập viên Hệ VOV2 tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về chủ đề bảo vệ môi trường.

 

Ghi nhận và cảm ơn sự tâm huyết cũng như những đóng góp của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên cả nước đối với ngành tài nguyên và môi trường, tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định: “Là người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, tôi luôn coi báo chí là kênh thông tin quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tôi đang và sẽ tiếp tục chú ý đến từng bài viết của các anh, chị và các bạn hàng ngày. Mong rằng, truyền thông đã và sẽ là một kênh thông tin hiệu quả, trung thực, kịp thời, làm cầu nối giữa Nhân dân với những người làm công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói riêng”.

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 1775    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm