• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
2
8
3
4
5
Tin tức sự kiện 28 Tháng Sáu 2016 7:50:00 SA

Nhiều kế sách quản lý bền vững tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL

 


Ảnh minh họa

 
 
Ứng dụng mô hình GIS, đánh giá chất lượng nước trên diện rộng của các mạng cảm biến, sử dụng năng lượng gió và mặt trời… là những đề xuất của các chuyên gia để quản lý tài nguyên và môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
 

 

Kiểm soát, giám sát

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Liên bang Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức, hội thảo "Các giải pháp công nghệ phù hợp cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, năng lượng và đất đai cho khu vực ĐBSCL" vừa được tổ chức tại TP.Cần Thơ.

 

Tại đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đề xuất nhiều giải pháp công nghệ phù hợp cho quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL dưới những tác động của biến đổi khí hậu.

 

Trong đó, dựa trên xu hướng chung, nhiều ý kiến cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hiệu quả nhất góp phần quản lý tài nguyên môi trường bền vững. Áp dụng công cụ này, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ kịp thời cập nhật tình trạng biến động và đưa ra quyết định kịp thời về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, thiên tai và kinh tế - xã hội… của địa phương.

 

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa Tin học – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, định hướng nghiên cứu và phát triển của hệ thống thông tin địa lý vùng ĐBSCL cần thiết cho việc cung cấp thông tin tích hợp đầy đủ cho chính quyền các tỉnh, thành. Mô hình ứng dụng GIS sử dụng phần mềm mã nguồn mở tạo các chức năng webGIS cho phép người sử dụng biên tập, lập báo cáo… trực tuyến.

 

Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cho vùng ĐBSCL, mô hình hỗ trợ các công cụ hữu ích để kiểm soát ngập lũ, giám sát hạn hán, xâm nhập mặn cũng như các thiên tai khác. Đồng thời, tạo ra nhiều giải pháp tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các Sở, ngành; cung cấp thông tin nhanh và chính xác cho công tác quản lý nhà nước hỗ trợ cho việc ra chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. ĐBSCL có thể phân kỳ 2 giai đoạn nhằm phát triển GIS đồng bộ và góp phần tin học hóa quản lý nhà nước, hỗ trợ việc tạo lập chính sách phát triển bền vững cho vùng.

 

Cách tiếp cận hệ thống mới

GS.TS. Christian Langen, Đại học Khoa học Ứng dụng Karlsruhe (Đức) “hiến kế”, lập bản đồ đánh giá chất lượng nước bằng cách xác định lượng ô nhiễm là cách tiếp cận hệ thống mới cho phép đánh giá chất lượng nước trên diện rộng. Trong đó, phương pháp mạng cảm biến không dây (WSN) với sự phát triển của mạng kết nối vạn vật, thiết lập truyền thông trên diện rộng để chuyển thông tin về đại lượng vật lý và hóa học bằng cảm biến. Phương pháp này có thể sử dụng các nút cảm biến năng lượng độc lập để tự động duy trì trong các điều kiện môi trường mà không cần sự can thiệp của con người.

 

Lượng hóa chất trong nước có thể theo dõi bằng cách sử dụng bộ cảm biến nhạy ion để xác định nồng độ ion Clorua, Natri và các ion khác trong cùng khu vực. Công nghệ mạng không dây này cho phép thiết lập truyền thông với khoảng cách hơn 20km. Đặc biệt là các mạng 3G/GRPS ở Việt Nam có vùng phủ sóng tốt cho phép truyền thông phạm vi rộng truyền tải dữ liệu cảm biến để khai thác dữ liệu và trực quan bằng điện toán đám mây dựa trên các cổng Internet.

 

Sử dụng năng lượng gió và mặt trời như nguồn năng lượng bền vững ở Việt Nam cũng được đánh giá là một hướng tiếp cận tốt trong điều kiện nguồn cung cấp điện năng ngày càng ít. Khu vực ĐBSCL là nơi có nhiều nguồn năng lượng xanh tiềm năng tốt như năng lượng gió và mặt trời. Để khai thác tiềm năng này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Đại học Việt Đức đề xuất: Cần có các dự án nhằm nâng cao công suất hệ thống năng lượng mặt trời – gió, được nghiên cứu chế tạo trong nước để giảm giá thành. Mục đích chính của dự án là tối ưu thiết kế và sản xuất các hệ thống điện năng lượng gió – mặt trời quy mô gia đình phù hợp với người có thu nhập trung bình và thấp.

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT.


Số lượt người xem: 2445    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm