• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
7
3
8
9
2
Tin tức sự kiện 27 Tháng Giêng 2015 8:15:00 SA

Tiếp sức ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong hai ngày 22 và 23/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ thị sát và làm việc với hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau về tình hình sạt lở, xâm thực biển và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đoàn công tác tiến hành tìm hiểu các tác động của thiên tai, BĐKH đến hai tỉnh này, đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp tìm giải pháp ứng phó hiệu quả.

 

 




Đoàn công tác Chính phủ khảo sát tại Cà Mau


 

Theo Bộ TN&MT, việc đầu tư cho Kiên Giang và Cà Mau ứng phó với BĐKH đã được thực hiện từ các năm trước và sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương ứng phó hiệu quả với các tác động bất lợi của thiên tai, BĐKH.

 

 Trung ương bố trí kinh phí ứng phó với BĐKH

Kiên Giang và Cà Mau là 2 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư bước đầu để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cả hai tỉnh này đều được Trung ương đầu tư xây dựng chính sách cũng như các dự án cụ thể.

 

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, Trung ương đã bố trí kinh phí để Kiên Giang và Cà Mau đánh giá tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, từng khu vực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH cho từng giai đoạn (2011-2015) và giai đoạn sau 2015; ban hành được Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của từng địa phương.

 

Trong danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có 17 dự án trong danh mục. Tính đến thời điểm này có 8 dự án thuộc các tỉnh ĐBSCL được bố trí vốn từ Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) để triển khai thực hiện.

 

Dự án “Xây dựng công trình cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá” thuộc tỉnh Kiên Giang và dự án “Xây dựng và nâng cấp đê biển Tây” thuộc tỉnh Cà Mau được bố trí vốn từ Chương trình này. Từ năm 2013-2015, dự án của Kiên Giang được bố trí 170 tỷ đồng, dự án của Cà Mau được bố trí  150,8 tỷ đồng.

 

Bên cạnh các giải pháp công trình như xây dựng, nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn, thì một trong những giải pháp mang tính bền vững, đa mục tiêu, được các cơ quan Trung ương và cộng đồng quốc tế đánh giá cao là việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO­­2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.

 

Trên cơ sở đó, năm 2015 Bộ TNMT đã báo cáo và được Thủ tướng cho phép triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển ở một số địa phương, trong đó Kiên Giang và Cà Mau được bố trí vốn từ Chương trình SP-RCC. Cụ thể, năm 2015, Kiên Giang được bố trí 23 tỷ đồng và Cà Mau được bố trí 28 tỷ đồng.

 

* Xây dựng Chương trình quốc gia ứng phó với BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long

Ông Trương Đức Trí cho biết, Việt Nam đã xác định đồng bằng sông Cửu Long là trọng điểm ứng phó với BĐKH. Bởi đồng bằng này có nhiều yếu tố dễ tổn thương, đồng thời bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long chính là bảo vệ một vựa lúa lớn của thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Huy động cả nội lực và ngoại lực để ứng phó là quan điểm nhất quán.

 

Theo Nghị Quyết số 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ TNMT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, đề xuất Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long một cách đồng bộ, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng, dài hạn và tính bền vững cao, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào cuối năm 2015.

 

Xác định nguồn lực từ hợp tác quốc tế hỗ trợ không nhỏ cho công cuộc ứng phó với BĐKH, Bộ TN&MT đã chủ động, tích cực làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, trọng tâm là Ngân hàng thế giới (WB) trong việc hỗ trợ tài chính, công nghệ góp phần ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Qua nhiều phiên làm việc từ cấp kỹ thuật đến cấp lãnh đạo giữa Bộ TN&MT với Ngân hàng thế giới, vừa qua Giám đốc WB tại Việt Nam chính thức cam kết hỗ trợ Việt Nam khoản vốn ưu đãi trị giá 300 triệu USD nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

 

“Đối với Khoản hỗ trợ này của WB, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến xác định những hoạt động mang tính đồng bộ, liên vùng, dài hạn và tính bền vững cao nhằm ứng phó với BĐKH để triển khai trong giai đoạn 2016-2020”, ông Trí cho biết.

 

Bước đầu, 6 hoạt động chính được đề xuất. Đó là: Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Xác định các kịch bản phát triển cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trên cơ sở các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Xây dựng, nâng cấp, gia cố các đoạn đê sông, đê biển xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân trong vùng; Xây dựng các hồ nước ngọt, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng.

 

Hy vọng, hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ nhanh chóng có các bước ứng phó hiệu quả với thách thức lớn nhất thế kỷ 21 – thách thức BĐKH.

 

 

Theo Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 2760    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm