• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
0
2
3
0
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 03 Tháng Mười Hai 2015 8:30:00 SA

Đẩy mạnh quản lý, khai thác khoáng sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường

 


 
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH ngày 12/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

 

Trước khi ban hành Nghị quyết 535, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản có một số bất cập, tồn tại và khó khăn: Luật Khoáng sản năm 2010 đã có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định mới (48/86 điều có nội dung hoàn toàn mới), một số chính sách, quy định mới được áp dụng lần đầu tiên (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản) nhưng các văn bản dưới Luật chưa ban hành; tình hình cấp phép hoạt động khoáng sản tràn lan, khó kiểm soát tại nhiều địa phương; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến và phức tạp tại nhiều địa phương đối với nhiều loại khoáng sản; nhiều tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt công tác bảo vệ môi trường…

 

Ngay sau khi Nghị quyết 535 được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ trên các mặt: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; ban hành văn bản chỉ đạo điều hành; công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cũng như các giải pháp cụ thể khác.

 

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 535, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Hệ thống văn bản QPPL về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện. Tính đến hết năm 2014, đã có 04 Nghị định của Chính phủ và trên 29 Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành Luật, các Nghị định của Chính phủ do Bộ TN&MT và các Bộ có liên quan ban hành. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để tăng cường công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 535.

 

Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại nhiều địa phương trước đây cơ bản đã được khắc phục. Trước năm 2012, trung bình mỗi năm có trên 800 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, thành phố cấp mới; từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm chỉ cấp mới khoảng 400 Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có trên 90% là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

 

Công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Bộ TN&MT cũng như các địa phương đã đạt được kết quả đáng kể với trên 3.000 tỷ đồng đã thu về cho ngân sách Nhà nước, góp phần đưa chính sách, quy định mới của Nhà nước đi vào cuộc sống. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, các địa phương thực hiện thận trọng, từng bước theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 535.

 

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đạt hiệu quả. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được nâng lên rõ rệt. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mặc dù chưa chấm dứt nhưng đã đạt hiệu quả hơn, về cơ bản đã giảm nhiều so với trước đây cả về số lượng các địa phương để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cũng như số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: công tác rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoặc phê duyệt mới quy hoạch khoáng sản còn chậm; công tác cấp phép của một số địa phương còn không đúng thẩm quyền, gia hạn giấy phép chưa đúng quy định; công tác thanh tra, kiểm tra mới tập trung đến trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản mà chưa đi sâu vào nội dung chuyên ngành; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa chấm dứt và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại…

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 535, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện, nhất là nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về khoáng sản, môi trường. Cụ thể là: (1) chuẩn bị kế hoạch đánh giá tác động 05 năm thực hiện Luật khoáng sản; trình Chính phủ trong năm 2015 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản năm 2010; (2) tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định về khoáng sản; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2014; rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; (3) tiếp tục khẩn trương rà soát các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010 làm cơ sở thực hiện; (4) tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Trung ương cũng như các địa phương và tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tránh việc lợi dụng khe hở của pháp luật; (5) tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường từ đó đưa ra các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững các giá trị tài nguyên, nhất là các tài nguyên không tái tạo; (6) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt quan tâm tới đẩy mạnh kiểm tra, giám sát theo chiều sâu đối với quy trình, công nghệ khai thác; thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; (7) kiểm soát chặt chẽ công tác thu thuế, quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản, hạn chế tối đa tình trạng xuất lậu, trốn thuế; (8) tăng cường việc phối hợp, liên kết vùng trong việc cung cấp nguyên liệu với xây dựng cơ sở chế biến sâu khoáng sản để đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích của các địa phương theo quy hoạch; (9) tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng nhận thức vai trò công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân…

 

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TNMT.

 


Số lượt người xem: 4182    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm