• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
2
8
8
9
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 17 Tháng Mười Một 2015 8:10:00 SA

Bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tại Lễ khai mạc Đại hội biển Đông Á lần thứ 5, năm 2015

 


Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Nguyễn Minh Quang phát biểu khai mạc Đại hội


 
Chiều nay, tại thành phố Đà Nẵng đã chính thức khai mạc Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015. Ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và phát biểu tại Đại hội. Đến dự còn có Bà Đại sứ Mary Seet-Cheng, Chủ tịch Hội đồng đối tác PEMSEA, Tham dự Lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam Nguyễn Minh Quang; các Bộ trưởng, các trưởng đoàn, các quan chức từ các nước thành viên Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) cùng khoảng 700 đại biểu Việt Nam và quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã có bài phát biểu khai mạc Đại hội. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.
 

Kính thưa Ngài Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,

Thưa Bà Đại sứ Mary Seet-Cheng, Chủ tịch Hội đồng đối tác PEMSEA,

Thưa các vị khách quý, các quý Ông, quý Bà,


Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn đặc biệt tới Ngài Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quan tâm, dành thời gian tham dự Lễ Khai mạc trọng thể Đại hội biển Đông Á lần thứ 5, năm 2015.

Tôi cũng xin chào mừng và trân trọng cảm ơn Bà Đại sứ Mary Seet-Cheng, Chủ tịch Hội đồng đối tác PEMSEA, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, quan chức từ các nước thành viên PEMSEA và các quý vị đại biểu đã tham dự Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 tại thành phố Đà Nẵng; xin cảm ơn UBND thành phố Đà Nẵng đã tích cực phối hợp, chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.

 

Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Đã 3 năm trôi qua kể từ Đại hội lần thứ 4 tổ chức tại thành phố Chang-Uôn, Hàn Quốc, hôm nay chúng ta gặp lại tại đây để đánh giá những bài học kinh nghiệm và tiến bộ đạt được những năm qua; tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác nhằm đạt được các mục tiêu chung của chúng ta về phát triển bền vững các vùng biển Đông Á sau năm 2015.

Đại hội biển Đông Á năm nay diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030, trong đó xác định 17 mục tiêu có tính đột phá về phát triển bền vững. Đây là những mục tiêu rất toàn diện mà tất cả các nước trên thế giới cần đạt được để đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường cho thế hệ hôm nay và các thế hệ tương lai.

Mục tiêu quan trọng nhất của Đại hội lần này là thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, đại dương xanh.

Để làm được việc này, không chỉ tự thân mỗi thành viên mà cần có những nỗ lực chung mang tính toàn cầu, khu vực trong việc: nghiên cứu, áp dụng các phương thức quản lý tổng hợp biển, vùng bờ biển và hải đảo phù hợp vào mỗi quốc gia; phối hợp để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố môi trường; phối hợp giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức, công nghệ… nhằm tạo dựng nền kinh tế xanh, đại dương xanh.

Với chủ trương “thông qua lợi ích đạt được từ phát triển bền vững của mỗi địa phương để đạt được các mục tiêu toàn cầu”, các phiên thảo luận, hội thảo chuyên đề tại Đại hội lần này sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề: quản lý, giảm thiểu rủi ro, thảm họa do biến đổi khí hậu, quản trị đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ biển; đánh giá hiện trạng và đề xuất hướng đi xây dựng nền kinh tế xanh. Đặc biệt vấn đề hợp tác công – tư liên quan tới phát triển kinh tế biển xanh sẽ là một chủ đề quan trọng cần được thảo luận.

Tôi tin tưởng rằng, thông qua các bài trình bày và thảo luận, chúng ta sẽ tìm ra phương hướng và xây dựng quyết tâm hợp tác giải quyết các thách thức hiện tại và tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức nảy sinh trong tương lai.

 

Thưa quý ông, quý bà,

Tại Đại hội lần này, bên cạnh các hội thảo, hội nghị chuyên sâu, chúng ta có 03 diễn đàn quan trọng là: Diễn đàn thanh niên, Diễn đàn mạng lưới chính quyền địa phương và Diễn đàn Bộ trưởng.

Diễn đàn Thanh niên là nơi để cho thế hệ trẻ, thanh niên các nước Đông Á cùng giao lưu, học hỏi, tăng cường kiến thức, thúc đẩy hợp tác và phát huy các sáng kiến ở cấp địa phương, quốc gia hay khu vực. Và do vậy sẽ giúp tăng cường năng lực của thanh niên để bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững các biển Đông Á cho hiện tại và cho tương lai.

Diễn đàn mạng lưới chính quyền địa phương sẽ mang lại cơ hội gặp gỡ cho các quan chức chính quyền địa phương để học hỏi, chia sẻ, kết nối và thiết lập quan hệ giữa các chính quyền địa phương từ các quốc gia khác nhau. Từ đó xây dựng sự đồng thuận hợp tác, đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trong khi vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững vùng bờ biển, hải đảo của địa phương.

Tại Diễn đàn Bộ trưởng, các Bộ trưởng và đại diện 12 quốc gia thành viên và 02 quốc gia không thành viên PEMSEA sẽ thảo luận về tầm nhìn cho phát triển bền vững các vùng biển Đông Á sau năm 2015 hướng tới “Đại dương, con người, nền kinh tế khỏe mạnh” và ký kết bản Thỏa thuận Đà Nẵng về Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á.

 

Thưa quý vị đại biểu,

Trong những năm qua, Việt Nam chúng tôi đã rất nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững; trong đó có chú trọng phát triển bền vững vùng biển Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là của PEMSEA và những nỗ lực nội tại, trên cơ sở những kinh nghiệm đạt được từ điểm trình diễn quốc gia về quản lý tổng hợp vùng bờ biển cũng như từ các dự án, chương trình khác, Việt Nam đã triển khai áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ biển trên diện rộng tại nhiều tỉnh ven bờ biển và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Kinh nghiệm áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ biển của Việt Nam cho thấy không thể duy trì công tác quản lý tổng hợp vùng bờ biển một cách bền vững nếu không có sự quản lý tổng hợp và thống nhất.

Do vậy, về mặt tổ chức, chúng tôi đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương tới địa phương. Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng và đang triển khai thực hiện: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản dưới luật khác.

Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng các công cụ thiết yếu phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ biển như các quy hoạch, kế hoạch, hệ thống thông tin, dữ liệu. Việc triển khai quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển trên toàn vùng biển, vùng bờ biển và hải đảo sẽ giúp chúng tôi sử dụng hợp lý tài nguyên, ngăn chặn xu thế ô nhiễm môi trường, suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Qua Đại hội lần này, Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được tới các bạn, đồng thời mong muốn nhận được những đóng góp và kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.

 

Thưa các quý vị,

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, tôi xin cảm ơn PEMSEA, thành phố Đà Nẵng, các thành viên PEMSEA, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và các bên liên quan khác, cùng toàn thể các đại biểu đã nỗ lực cùng tổ chức thành công sự kiện trọng đại này.

Xin kính chúc sức khỏe Ngài Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Chức sức khỏe toàn thể các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn quý vị./.

 

 

Nguồn: Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 2178    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm