• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
4
3
2
3
1
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 10 Tháng Bảy 2015 8:05:00 SA

Di dời cơ sở gây ô nhiễm tại TP.HCM: Cần đẩy nhanh tiến độ

Di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cử là một trong những chủ trương, chính sách đúng đắn của TP.HCM trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

 

 


Ô nhiễm vẫn xảy ra ở nhiều nơi

Qua khảo sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu phố 4, 5 thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, các cơ quan chức năng TP.HCM đã phát hiện có đến 23 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường còn hoạt động, chưa di dời. Nhiều cơ sở dệt, nhuộm thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường. Nguồn nước thải đổ ra kênh Tham Lương có đủ màu từ tím, đỏ, xanh và thậm chí là nổi sánh trên mặt nước bốc mùi hôi thối. Nghiêm trọng hơn, để tiết kiệm chi phí nên nhiều cơ sở ở đây sử dụng vỏ hạt điều làm nguyên liệu đốt lò hơi. Khi đốt loại vỏ này sẽ phát sinh mùi khét, bụi bay theo chiều gió vào các nhà dân trong vùng.

 

Tương tự, khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Tây, quận 7, người dân ở đây cũng “mất ăn mất ngủ” về mùi hôi thải ra từ một số công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên đường Nguyễn Văn Quỳ. Theo người dân, khi ngửi phải mùi này thì cơ thể có cảm giác nôn, đau đầu và không muốn ăn uống. Một số gia đình không chịu nổi mùi này đã phải bán căn hộ chung cư chuyển đi nơi khác ở.

 

Trong khi đó, người dân khi lưu thông qua cầu Bình Lợi thường xuyên hít phải mùi khét từ Xí nghiệp Casumina Bình Lợi, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Qua tìm hiểu, xí nghiệp này đang nằm trong diện phải di dời khỏi khu dân cư vì không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường…

 

Đẩy nhanh công tác di dời

 

Để hoàn thành kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư, hiện nay, TP.HCM đang đẩy nhanh công tác di dời 700 cơ sở sản xuất thuộc danh sách buộc phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

 

Tại cuộc họp với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM về vấn đề này mới đây, ông Tôn Quang Trí, Phó GĐ Sở Công thương TP cho biết, thực tế thời gian qua các cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mọc lên, trong khi các Sở ngành chuyên môn không kịp thẩm định công nghệ sản xuất, xả thải…trước khi cấp phép hoạt động. Do đó, nếu không kiên quyết xử lý và có giải pháp phù hợp thì dẫn đến tình trạng các cơ quan chức năng vừa di dời cơ sở này thì đã có cơ sở khác tiếp tục mọc lên gây ô nhiễm.

 

Đại diện các Sở ngành thành phố cũng phản ánh, thực trạng di dời rất chậm chạp các cơ sở ô nhiễm do ý thức chấp hành của các DN rất kém, thậm chí có biểu hiện cố tình dây dưa, kéo dài.

 

Để khắc phục tình trạng này, Ban Chỉ đạo xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở không phù hợp quy hoạch (gọi tắt là Ban chỉ đạo di dời thành phố) đang tính toán giải pháp phân nhóm các đối tượng thuộc diện di dời ưu tiên. Theo đó, đến nay cơ quan này đã phân nhóm được 3 đối tượng di dời, gồm: Cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở không phù hợp quy hoạch và cơ sở có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư để tính toán thứ tự ưu tiên di dời; xây dựng lộ trình di dời, cũng như số lượng người lao động bị ảnh hưởng để có kế hoạch phối hợp hỗ trợ kịp thời.

 

Theo ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc phát sinh ô nhiễm xen cài trong các khu dân cư hiện gây khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng như phát triển kinh tế, an sinh xã hội của thành phố. 

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là quỹ đất cho di dời của thành phố đang rất khan hiếm, trong khi các KCN hầu hết đã được lấp đầy và đang hoạt động ổn định. Đối với công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở “luồn lách” tinh vi để đối phó cùng cơ quan chức năng trong công tác thanh, kiểm tra. Đó là chưa kể, các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thiếu và nhiều bất cập về chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt vi phạm.  

 

 

 

Theo Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 3299    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm