• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
9
3
8
4
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 03 Tháng Chín 2014 3:15:00 CH

Nhiều khó khăn thực hiện mục tiêu giảm sử dụng túi ni - lông

  
Túi ni – lông đang là “vấn nạn” đối với môi trường

 

Nhiều mục tiêu về hạn chế sử dụng túi ni – lông trong cộng đồng khó đạt mục tiêu đề ra vì nhiều lý do như thói quen người tiêu dùng chưa được thay đổi và loại túi thay thế chưa đáp ứng được nhu cầu.
 

Khó hoàn thành mục tiêu 

Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước phấn đấu đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi ni-long sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; đến năm 2020 giảm 65%  và đến năm 2025 giảm 85%  so với năm 2010. Theo Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường di sử dụng túi ni – lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 của Chính phủ, đến năm 2015, giảm 20% khối lượng túi ni – lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi  ni – lông khó phân hủy trong sinh hoạt.

Theo Bộ TN&MT,  mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi ni-lông/tháng.  Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM (thuộc Sở TN&MT), cho biết khảo sát năm 2008 cho thấy mỗi ngày có khoảng 40 tấn túi ni-lông được phát miễn phí tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đến năm 2012, con số này tăng lên từ 50-70 tấn/ngày (khoảng 9 triệu túi ni-lông, hầu hết là túi ni-lông khó phân hủy). Túi ni-lông đưa đến các bãi chôn lấp chỉ chiếm từ 1%-2,3% trong thành phần rác thải. Như vậy, khối lượng túi ni – lông tại đô thị đông dân nhất cả nước đang có xu hướng tăng lên, đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý nhà  nước về môi trường.

TP. HCM là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai Đề án giảm sử dụng túi ni – lông của Chính phủ. Từ năm 2013, Sở TN&MT đã phối hợp với Hội liên hợp phụ nữ Thành phố, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố, UBND quận Bình Thạnh triển khai thí điểm chương trình giảm sử dụng túi ni- lông trên địa bàn…nhằm nâng cao nhận thức và vận động người tiêu dùng sử dụng hợp lý túi ni – lông, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ có kế hoạch giảm lượng túi ni – lông tại đơn vị, chuyển từ sử dụng túi ni – lông  thông thường sang các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường. Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song việc hạn chế sử dụng túi ni – lông chỉ đạt được ở một số địa bàn nhỏ, chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân.

Sản phẩm thay thế đang gặp “khó”

Tại buổi Tọa đàm “Giảm sử dụng túi ni – lông: Khó khăn và giải pháp” vừa được Sở TN&MT phối hợp với UBND quận 5 tổ chức, nhiều vấn xung quanh việc hạn chế sử dụng túi ni – lông đã được đặt ra. Theo đó, thời gian qua nhờ công tác tuyên truyền, nhiều tiểu thương và người dân đã nhận thức được những tác hại của túi ni – lông thuông thường, nhưng với ưu điểm  về tính tiện dụng, bền và giá thấp nên việc thay đổi lựa chọn túi ni – lông còn gặp nhiều khó khăn.

 Đặc biệt, muốn hạn chế sử dụng túi ni – lông thông thường thì cần có túi tự hủy, thân thiện môi trường thay thế. Tuy nhiên, túi thân thiện môi trường lại đang “lép vế” so với túi ni – lông thông thường trên nhiều mặt: giá cả, độ bền và tính đại chúng.

Theo bà Võ Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5, việc hạn chế sử dụng túi ni – lông đã được thực hiện tại 9 chợ trên địa bàn, tuy nhiên các mặt hàng khô có thể sử dụng túi tự hủy, nhưng thực phẩm tươi sống thì vẫn chưa có bao bì nào thay thế được túi ni-lông. Đồng thời, túi  túi tự hủy dễ phân hủy nên cũng dễ rách, đôi khi phải dùng 2 túi, không kinh tế so với việc sử dụng túi ni-lông thông thường.

Bà Phạm Hoàng Thủy Nguyên, Phó Phòng TN&MT quận Bình Thạnh cho biết: Các đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường chưa thật sự quan tâm đến các đơn vị, tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ nên việc liên hệ đặt hàng mua loại túi này vô cùng khó khăn ( phải gom nhiều đơn đặt hàng nhỏ lẻ để được số lượng lớn thì đơn vị sản xuất mới sản xuất). Mẫu mã kích thước  cũng như chất lượng ( độ dai) của các túi thân thiện môi trường  chưa tốt; nhiều cửa hàng muốn đặt kích cỡ  phù hợp với  sản phẩm bán ra không được. Hiện nay, người dân vẫn chưa biết nhiều thông tin  về túi thân thiện môi trường, chưa phân biệt được với túi ni lông thông thường, việc sử dụng của người dân rất bị động phụ thuộc hoàn toàn vào người bán.

Đặc biệt,  giá túi ni-lông thông thường chỉ khoảng 3.000 đồng/ kg, trong khi túi thân thiện môi trường từ 40.000 – 50.000 đồng/ kg. Đây là  lý do khiến sản phẩm túi thân thiện môi trường không vào được các chợ vì không cạnh tranh được với túi ni-lông thông thường. Lý do chênh lệch giá giữa hai loại túi trên, tất cả các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường tham dự buổi Tọa đàm cho rằng đang có sự bất công giữa các doanh nghiệp sản xuất: bên thì phải nộp thuế bảo vệ môi trường, bên thì không.

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012), túi ni-lông làm từ màng nhựa đơn PE thuộc đối tượng chịu thuế với mức 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay  hâu như không doanh nghiệp sản xuất bao bì khó phân hủy nào bị đánh thuế; trong khi các doanh nghiệp muốn đạt chứng nhận là doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường bắt buộc phải đóng thuế bảo vệ môi trường.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết: Thuế bảo vệ môi trường áp dụng với 8 nhóm hàng hóa, trong đó có túi ni - lông sản xuất bằng nhựa PE. Tuy nhiên, cũng có hai trường hợp chịu thuế và không chịu thuế. Những doanh nghiệp nào sản xuất túi ni -lông làm ăn gian dối, lách được luật, không khai báo thuế thì sản phẩm làm ra sẽ lãi nhiều, giá bán lại thấp; trong khi đó ngành thuế cũng bị thất thu. Còn những doanh nghiệp chân chính hay những doanh nghiệp đã được chứng nhận là doanh nghiệp đạt chứng nhận sản xuất túi thân thiện môi trường bắt buộc phải nộp thuế thì giá thành sản phẩm bị đẩy giá lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường.

 

 

Nguyễn Thanh


Số lượt người xem: 3669    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm