• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
0
2
6
0
6
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 12 Tháng Năm 2016 9:00:00 SA

Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ

 

 



Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại buổi làm việc

 
 
Sáng ngày 11/5, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Văn phòng Bộ.
 

 

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, để Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ được nhanh chóng hoàn chỉnh, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ I khóa XIV thông qua vào năm 2017, trong thời gian qua, Ban biên tập, Tổ soạn thảo Dự thảo Luật Luật Đo đạc và Bản đồ đã tích cực triển khai xây dựng với quyết tâm cao. Đến nay, Dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện. Theo đó, Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 12 Chương, 76 Điều bao quát toàn bộ các hoạt động quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ hiện nay và trong tương lai.

 

Dự thảo Luật đã quy định và chuẩn hóa các quy định về các hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản như hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia, hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia; hệ thống không ảnh; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính, bản đồ hành chính; chuẩn hóa địa danh,... Bên cạnh đó, các hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; thành lập bản đồ hàng không dân dụng;…; cũng như các quy định về chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; các công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia chuyên ngành; định hướng cho phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, địa danh; xuất bản bản đồ; cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ;… tạo nền tảng cơ bản cho các hoạt động chuyên ngành liên quan tới bản đồ, cũng như để tạo điều kiện, tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đo đạc và Bản đồ đã trao đổi, thảo luận, góp ý hoàn thiện nhiều nội dung trong dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Luật phải bảo đảm tránh chồng chéo với các Luật chuyên ngành; quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến viễn thám và ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động đo đạc và bản đồ; đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trực thuộc Chính phủ; điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ;…

 

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại cuộc họp

 

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề nghị, dự thảo Luật  trước khi được gửi lấy ý kiến các Bộ, Ban, ngành cần rà soát lại nội dung để tránh sự chồng chéo với các Luật chuyên ngành đã ban hành trước.

 

Ông Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát biểu ý kiến

 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cũng cho biết thêm về vai trò và sự cần thiết trình Chính phủ cho phép thành lập Ủy ban quốc gia về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trực thuộc Chính phủ để tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý điều phối về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Dự kiến, Bộ TN&MT sẽ là cơ quan thường trực Ủy ban này và nội dung này cũng cần được tiến hành song song với việc hoàn tất Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

 

Ông Chu Hải Tùng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia phát biểu ý kiến 

 

Về việc bổ sung vào dự Luật các nội dung liên quan đến viễn thám, ông Chu Hải Tùng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, nhiều nội dung liên quan đến viễn thám như thu nhận dữ liệu ảnh hàng không và dữ liệu ành viễn thám phục vụ cho mục đích đo đạc và bản đồ và các hoạt động điều tra, quan trắc, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường,... Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục rà soát để quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến viễn thám và ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

 

Đối với việc cấp phép, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cho các tổ chức, cá nhân, ông Lê Anh Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cũng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần xem xét, nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế của xã hội tránh tạo sự mâu thuẫn khi triển khai cấp phép trong thực tế.

 

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc xây dựng Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Để hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, bảo đảm chất lượng và tiến độ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV thông qua. Ngay sau cuộc họp này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung còn thiếu trong Dự thảo Luật gửi Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện của các Bộ, Ban, ngành nghiên cứu, đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan.

 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tiếp tục tăng cường, phối hợp Vụ Pháp chế rà soát các nội dung đề cập đến trong Dự thảo Luật với các Luật chuyên ngành đã được ban hành trước để tránh sự mâu thuẫn, chồng lấn. Với những nội dung mới liên quan tới cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, Thứ trưởng đề nghị Cục cần khẩn trương tiến hành rà soát, so sánh với các quy định khác trước đây trên cơ sở cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhưng phải tránh tạo sự mâu thuẫn khi triển khai cấp phép trên thực tế.

 

 

 

Nguồn: CTTĐT


Số lượt người xem: 3953    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm