• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
2
1
8
1
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 11 Tháng Chín 2015 8:10:00 SA

Tìm giải pháp cho việc quản lý sử dụng đất nông lâm trường

 

 

(TN&MT) - Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo “Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai tại nông, lâm trường quốc doanh: Những bất cập và giải pháp”. 

 

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, TS Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, có nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng đất tại nông, lâm trường quốc doanh. Nổi cộm là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp, xâm lấn đất đai; thất thu, nợ đọng tài chính trong quản lý đất… gây ra nhiều hệ luy khó giải quyết.

 

Theo TS Phùng Đức Tiến, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhưng phần lớn các nông, lâm trường quốc doanh chưa thực hiện việc rà soát, xác định, cắm mốc giới và đo đạc ranh giới để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất của các nông, lâm trường khá phổ biến. Hiện cả nước có 54 nông, lâm trường, ban quản lý rừng còn có tranh chấp với diện tích trên 18.000ha.

 

Đồng quan điểm này, TS Phạm Quang Tú, cán bộ của tổ chức Oxfarm đã có bài phân tích nêu rõ vấn đề rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất đai và thu hồi một phần trả lại cho địa phương để giao cho các thành phần khác hầu như chưa thực hiện được. “Các diện tích thu hồi phần lớn là đang có tranh chấp, lấn chiếm. Trong khi những mâu thuẫn, tranh chấp, lấn chiếm đất đai với người dân và xác định ranh giới đất chưa được giải quyết sẽ tiềm ẩn nhiều xung đột xã hội mới và có thể trầm trọng hơn…” - TS Phạm Quang Tú nói.

 

Theo thống kê, tính đến hết năm 2012, cả nước có 369 nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 56,5%. So với các ngành sản xuất khác thì hiệu quả sử dụng đất của nông, lâm trường quốc doanh còn thấp. Đa phần các công ty này làm ăn kém hiệu quả, việc đổi mới, áp dụng công nghệ vào sản xuất còn chậm.

 

Một góc khu vực đất nông lâm trường tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, nơi đang được chính quyền địa phương đánh giá là sử dụng không hiệu quả
Một góc khu vực đất nông lâm trường tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội - nơi đang được chính quyền địa phương đánh giá là sử dụng không hiệu quả

 

Vậy những khó khăn vướng mắc là do đâu? Theo TS Phùng Đức Tiến, nguyên nhân là do không triển khai thực hiện quy hoạch, đo đạc, cắm mốc trên thực địa đã gây khó khăn cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện tượng lấn chiếm đất của nông, lâm trường quốc doanh, không xác định rõ diện tích nào được sử dụng công ích, diện tích nào cho mục đích sản xuất kinh doanh để xác định nghĩa vụ tài chính, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

 

Ngoài ra, viiệc không triển khai rà soát quy hoạch về đất đai theo các đợt tổng kiểm kê đất toàn quốc, rà soát quy hoạch 3 loại rừng dẫn đến một thời gian dài, các nông, lâm trường quốc doanh quản lý một diện tích lớn rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà theo quy định của pháp luật thì phải thành lập Ban quản lý. Kết quả chuyển đổi nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 28, Nghị định 200 thì diện tích đất nông, lâm trường quốc doanh quản lý chỉ còn 2,7 triệu ha, giảm 4 triệu ha so với trước...

 

Vẫn theo TS Phùng Đức Tiến, hiện tại, các địa phương có tổng kết, đánh giá chuyển đổi nông, lâm trường quốc doanh và phê duyệt các đề án rà soát chuyển đổi. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải có căn cứ để phân định diện tích đất để lại các nông, lâm trường quốc doanh tổ chức sản xuất, diện tích giao khoán cho thuê và diện tích trả về địa phương quản lý để quy hoạch sử dụng đất được ổn định.

 

Điều đáng nói là các nông, lâm trường quốc doanh vốn là các đơn vị sản xuất trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung nên khi chuyển sang cơ chế thị trường với vai trò một doanh nghiệp phải tự tổ chức sản xuất, hạch toán kinh doanh nên có nhiều lúng túng, nhất là khi có quyết định của Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên. Hiện tại, cũng chưa có tổng kết mô hình tổ chức sản xuất nào có hiệu quả cao để nhân rộng trong thực tiễn.

 

Các nông, lâm trường quốc doanh không chỉ gặp khó khăn về vốn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị… Vấn đề bảo đảm quyền lợi người lao động sau cổ phần hóa cũng cần được tháo gỡ. Vì vậy, việc tìm kiếm mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các nông, lâm trường quốc doanh cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, nhất là trong điều kiện cần tích tụ đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn như hiện nay. Nếu theo hướng này thì xác định rõ các cơ chế chính sách quản lý, ưu đãi đầu tư từ phía Nhà nước đối với đối tượng này, nghiên cứu tính phù hợp của Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Ông Trần Ngọc Bình, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) kiến nghị: cần thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu và chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp, đạt đa mục tiêu; rà soát đánh giá tổng thể về công ty nông – lâm nghiệp theo hướng cần xác định rõ một bộ tiêu chí đánh giá thống nhất với sự phối hợp của cả công ty nông – lâm nghiệp với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành; rà soát lại quy hoạch và quy hoạch lại…

 

Cũng theo ông Bình, việc tổ chức sản xuất kinh doanh của Nông lâm trường quốc doanh đặc thù nên cần những chính sách, quản lý linh hoạt đặc thù để đáp ứng được đúng mục tiêu và hiệu quả mà nông lâm trường quốc doanh hướng tới, trong đó chú ý tới các nội dung về đất đai, về tổ chức quản lý kinh doanh, về vốn, về tiêu thụ và thị trường…

 

Theo ông Vũ Long, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, để quản lý và sử dụng đất nông, lâm nghiệp thì trước hết phải sắp xếp các doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực này. Các nhiệm vụ về công ích và sản xuất cần phải tách bạch rõ ràng. Nên chia các loại đất rừng để giao cho người dân phù hợp, thỏa mãn nhu cầu đất đai của dân địa phương, kể cả phải tính đến tốc độ tăng dân số.

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu khẳng định tính cần thiết phải có cơ chế thanh lý tài sản trên đất khi thu hồi đất giao cho địa phương quản lý; kiên quyết thu hồi một phần đất của các nông, lâm trường để giao cho đồng bào thiếu đất sản xuất. “Các Bộ, ngành, địa phương nên chấn chỉnh lại công tác quản lý đất nông, lâm nghiệp chặt chẽ hơn, thống nhất được phương án đền bù khi thu hồi đất. Cần “khám sức khỏe” cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng và giải thể những doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất kém hiệu quả, cũng như có những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lâm nghiệp…” - ông Giàng A Chu nói.

 

 

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.


Số lượt người xem: 5271    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm