• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
1
6
4
3
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 13 Tháng Mười 2014 3:45:00 CH

Khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp về đất đai: Do địa phương thiếu quyết liệt!

(TN&MT) - Thời gian gần đây, số lượng đơn thư khiếu kiện, khiếu nại về đất đai vượt cấp lại có xu hướng tăng lên. Một trong những nguyên nhân chính là do tâm lý người dân cho rằng khiếu kiện, khiếu nại cấp càng cao thì được giải quyết càng nhanh.
Khoảng 80% đơn khiếu nại vượt cấp
 
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, trung bình những năm gần đây, Bộ nhận được khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, khoảng 80% là đơn khiếu nại vượt cấp; trong đó chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Theo quy định, Thanh tra của Bộ đã phân loại, xử lý, trả lời và hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 
 
Tuy nhiên, tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp ngày càng tăng, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn ra gay gắt, tính chất phức tạp; vẫn còn nhiều vụ việc đông người, kéo dài nhiều năm như: Khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), dự án của Tập đoàn Vinashin (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), khiếu nại của các hộ dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội; khiếu nại, tố cáo của các hộ dân xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội… Ngoài ra, có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo người đi khiếu nại, thậm chí là có hành vi quá khích, gây rối, tập trung đông người làm mất trật tự tại trụ sở cơ quan trung ương, đưa thông tin lên các trang tin điện tử với nội dung không đúng bản chất vụ việc, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, trung ương...
 
Nguyên nhân cụ thể của việc này là do việc sử dụng đất thiếu ổn định (do thực hiện chính sách đất đai; do cho thuê, cho mượn, cầm cố đất, cho ở nhờ, ở đậu...). Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi bất cập, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện; việc văn bản được ban hành sau lại quy định theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng đất gây ra sự so bì, cố tình không bàn giao đất và nhận tiền bồi thường để khiếu nại, yêu cầu được áp dụng chính sách mới. 
 
Một nguyên nhân quan trọng khác là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương còn thiếu quyết liệt, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết của một bộ phận cán bộ còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, thậm chí có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời. Ngoài ra, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành; một số trường hợp bị kích động hoặc lợi dụng việc khiếu kiện để kích động khiếu nại đông người, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước trong khi đó việc xử lý lại không nghiêm.
 
 
Đồng quan điểm về vấn đề này, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp ngày càng nhiều là do các cấp điạ phương giải quyết chưa dứt điểm, chưa tốt khiến tâm lý người dân cho rằng, cấp càng cao thì giải quyết càng nhanh.
 
Tăng cường thanh tra trách nhiệm địa phương
 
Để giải quyết vấn đề khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp này, mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, chấn chỉnh những tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.
 
Theo đó, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lấy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác. 
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền; tiếp tục kiểm tra rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có biện pháp giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương. Đồng thời, kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chấp hành quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những vụ việc đã thống nhất biện pháp giải quyết phải khẩn trương thực hiện, giải quyết dứt điểm, không để dân chờ đợi, khiếu kiện kéo dài. Những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần chủ động thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí để dư luận hiểu rõ bản chất vụ việc.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng của trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra của trung ương trong quá trình giải quyết phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trao đổi cụ thể, tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết vụ việc, không vô hiệu hóa chính quyền địa phương.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang xây dựng cơ chế, chế tài về việc xử lý vi phạm trong thực hiện việc tiếp công dân theo Luật. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra trách nhiệm và đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra trách nhiệm tập thể, cá nhân để đánh giá, xử lý đối với những tập thể, cá nhân chưa làm tốt công tác này. 
 
                                                                                                                                                                               Trường Giang

Số lượt người xem: 7226    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm